Quảng Nam:
Đến Triêm Tây nghe cô gái Hà Nội kể câu chuyện sống theo quy luật của tự nhiên
(Dân trí) - Thôn Triêm Tây được hình thành từ thế kỷ XVII, vốn mang trong mình những giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan tự nhiên của một ngôi làng thuần Việt, tuy nhiên gần đây quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi lối sống và thái độ ứng xử của con người với thiên nhiên… Xuất phát từ đó, cô gái gốc Hà Nội bắt đầu viết lên câu chuyện giữ đất, giữ nghề, kéo con người về lại với thiên nhiên trên mảnh đất này bằng “An Nhiên farm”.
Trong hành trình du lịch đến Quảng Nam – Đà Nẵng, với những điểm đến quen thuộc lâu nay như: Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm…, các mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đông Giang trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mới đây du khách được giới thiệu thêm một điểm mới: làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.
Dừng chân ở bến thuyền cạnh làng gốm Thanh Hà, cách Hội An chừng 2km về hướng đông bắc, chúng tôi nhìn sang phía bờ bên kia thấp thoáng một ốc đảo mát xanh mời gọi. Chiếc thuyền nhỏ chạy men theo từng đám hoa lục bình, vừa cập bến, đã thấy một cô gái toát lên sự trẻ trung, rắn rỏi và linh hoạt, đặc biệt là khóe môi luôn thường trực nụ cười. Chị vẫy tay chào chúng tôi trên chiếc cầu âu làm bằng thân tre. Sau những tiếng chào như thân thuộc, hỏi han ríu rít như đón người thân đi xa về, chị dẫn chúng tôi vào “An Nhiên farm” của mình.
Chị ấy là Võ Mỹ Hạnh, cô gái gốc Hà Nội đã từng tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Ngoại thương và từng có việc làm tốt với mức thu nhập cao ở Hà Nội lẫn TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vì tình yêu thiên nhiên và con người thân thuộc nơi làng quê nghèo nên chị đã bỏ phố về làng quê lập nghiệp.
Ngồi bên luỹ tre làng mát rười rượi, chị kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của Triêm Tây, của An Nhiên. Triêm Tây – ngôi làng nhỏ phía bên kia sông Thu Bồn tưởng đã bị bỏ quên. Nhiều năm trước đây, Triêm Tây buồn tẻ vì thiếu bước chân con người, con người sợ thiên nhiên, người ta bắt đầu bỏ làng mà đi. Vậy là chị và những người bạn của mình tới đây, trước tiên và cơ bản nhất, chị muốn cùng những người bạn của mình giúp người dân ở đây tạo ra một môi trường sống thoải mái, an lành và hạnh phúc để thanh niên làng có việc quay về, để những người già họ có niềm vui, những đứa trẻ ra đời sẽ được học hành tại đây, không phải nhọc nhằn ra đi nữa. Chị nhìn thấy sự lãng phí đất đai, tài nguyên và không gian sinh thái ở ngôi làng này. Chị muốn cùng người dân và làm cho chính họ hiểu giá trị của nơi mình đang sống.
Cách đây hơn hai năm, chị bắt đầu bằng việc xây dựng “An Nhiên farm”, đó là một trang trại với 7 khu vực được quy hoạch, cụ thể là: Khu thực hành nông nghiệp bền vững; khu Camping và các công trình cảnh quan; khu rừng tre bảo tồn và du lịch; kè sinh học - rừng ngập mặn chống sạt lở; khu nhà ở - đất thổ cư trang trại; vườn cộng đồng Triêm Tây và khu vườn ươm An Nhiên. Có thể nói đây là không gian sống và làm việc của một đội ngũ những người thực hành lối sống thân thiện và có trách nhiệm với môi trường, nơi các bạn trẻ tìm đến để thực hành, tự đặt ra và giải quyết đề bài “Sống theo quy luật của tự nhiên”.
Điểm đặc biệt của “An Nhiên farm” chính là sống với thiên nhiên, dùng thiên nhiên để cải tạo thiên nhiên. Hiểu rõ hơn điều này, chắc chắn phải nhìn đến những ngôi nhà được thiết kế hoàn toàn bằng tre; khu vườn được trồng rất nhiều loại cây nhưng lại không dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu. Chị cho rằng, điều đó là “phụ bạc” đất đai vì sau một thời gian dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu thì nhất định đất sẽ cằn cỗi hoặc nhiễm độc; khu rừng tre xanh nơi du khách có thể ngồi hóng mát nghe chị kể về Triêm Tây và An Nhiên.
Đặc biệt nhất có lẽ chính là khu kè sinh học - rừng ngập mặn chống sạt lở được đội ngũ An Nhiên và những người thợ địa phương hình thành bằng cách đóng những cây cọc tre chắc khoẻ dài 4m, sau đó trồng thảm thực vật phù hợp với địa phương. Điều này đã cải thiện hệ sinh thái bờ sông Thu Bồn qua địa phận thôn Triêm Tây.
Qua hơn hai năm tiên phong triển khai đã thành công bước đầu trong việc thử nghiệm sử dụng thảm thực vật, nguyên vật liệu sinh thái bản địa và thích nghi nhằm giữ đất hạn chế sạt lở. Nơi đây, đã gợi cảm hứng cho dân làng nhiều thế hệ, hàng trăm chuyên gia và người thực hành bền vững trong nước và quốc tế, thu hút được sự quan tâm và đóng góp tài chính của nhiều cá nhân cùng chung đam mê, và ảnh hưởng tới quyết định của chính quyền thành phố Hội An trong việc áp dụng mô hình kè sinh thái này tại xã Cẩm Kim, hàng xóm giáp ranh của An Nhiên.
Những gì người con gái gốc Hà Nội và đội ngủ của mình bắt đầu với An Nhiên hai năm trước và vẫn luôn tiếp tục hằng ngày, có thể đem niềm hy vọng và sức sống quay lại với vùng đất vốn bị sạt lở rất nghiêm trọng này. Trong nỗ lực bảo tồn và làm giàu hệ sinh thái với thảm thực vật tiên phong bản địa và có tính thích nghi. Những việc chị làm đã chứng minh cho câu nói của chị là đúng “chị đến Triêm Tây không chỉ để làm du lịch”.
Câu chuyện của chị Hạnh vẫn không ngừng đẹp và đầy cảm hứng. Và chúng tôi tin rằng, từ nay Triêm Tây, “An Nhiên farm” sẽ mãi là một điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế, nơi đó du khách sẽ được đắm mình, hoà quyện vào thiên nhiên, vào một ngôi làng thuần Việt, nơi chất chứa những giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan tự nhiên.
Khánh Linh – Viết Quân