Đầu tư cả trăm triệu nuôi trâu chọi, ông chủ khóc ròng vì 2 năm hoãn lễ hội
(Dân trí) - Năm nay là năm thứ 2 Ban tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu quyết định không tổ chức thi đấu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nhiều chủ trâu không giấu nổi sự thất vọng và buồn chán.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, người phụ trách chăm sóc trâu số 02 của đơn vị thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trâu được mua với giá 150 triệu đồng từ tỉnh Tuyên Quang mang về để thi đấu cho mùa giải năm ngoái.
Do dịch Covid-19 nên lễ hội chọi trâu năm 2020 đã không diễn ra. Ông Hồng quyết định chăm sóc trâu số 02 đến mùa giải năm 2021, nhưng gần đến ngày thì nhận được thông báo dừng lễ hội vì dịch.
"Buồn lắm chứ, tôi mất cả trăm triệu đồng từ khâu tuyển chọn mua trâu đến chăm sóc và huấn luyện, nuôi trâu hàng năm trời chỉ để phục vụ mùa lễ hội, đến giờ không được chọi. Nhưng tôi vẫn giữ trâu lại để chờ đến mùa lễ hội năm 2022.
Những chủ khác có người họ cũng giữ lại như tôi, nhưng có người cảm thấy được giá họ sẽ bán để thu được lại chút vốn liếng sau 2 năm", ông Hồng nói.
Anh Hán Văn Quyết, người phụ trách chăm sóc và huấn luyện trâu số 15 cho biết, mỗi ngày trâu ăn hết 4 kg mật mía, 6 kg ngô nấu và các loại cỏ, cây ngô... với sức ăn như thế, mỗi tháng trâu chọi tiêu tốn khoảng 3 - 4 triệu đồng.
"Trước mua trâu đã mất 100 triệu đồng, sau gần 2 năm chăm sóc mất thêm khoảng 70 triệu đồng nữa. Nếu giờ bán trâu theo giá thị trường cũng chỉ được khoảng 70 triệu đồng, vậy là lỗ tiền mua trâu.
Tôi đang định bán lại trâu cho ai đó có nhu cầu nuôi lại thì nuôi, hay họ thịt thì tùy họ, chứ giờ tôi không còn đủ khả năng để chăm sóc thêm", anh Quyết nói.
Trao đổi với PV, ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu cho biết, nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống bệnh dịch Covid-19, địa phương đã quyết định tạm dừng tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống năm 2021.
"Năm ngoái cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lễ hội cũng phải dừng lại. Người dân đã giữ lại toàn bộ 20 con trâu, chấp nhận nuôi thêm 12 tháng nữa để thi đấu cho mùa giải năm nay.
Khi nhận được thông báo tạm dừng lễ hội năm 2021, nhiều người nuôi trâu rất hụt hẫng, rất buồn, nhưng phải chấp nhận vì sức khỏe chung của cả cộng đồng", ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, để theo gỡ khó khăn cho người nuôi trâu chọi của địa phương, chính quyền đã đưa ra giải pháp đó là: có thể bán đứng trâu để thu một phần vốn hoặc có thể giết mổ làm thương phẩm.
Bên cạnh đó, hộ nào còn khả năng thì có thể tiếp tục nuôi lại để chờ đợi cho mùa lễ hội năm sau.
"20 con trâu chọi, được người dân mua từ nhiều tỉnh về, với giá dao động từ 140 - 170 triệu đồng/con, mỗi tháng mất thêm khoảng 3 triệu đồng tiền thức ăn, nhưng cuối cùng không được ra sới chọi, khiến nhiều người không khỏi buồn chán.
Chính quyền xã Hải Lựu cũng đã kiến nghị lên UBND huyện Sông Lô xây dựng cơ chế hỗ trợ người nuôi trâu chọi", ông Trung thông tin.