Đà Nẵng: Giỗ Tổ, rộn ràng lễ hội đình làng
(Dân trí) - Hôm nay 9/4, nhằm ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch, lễ hội đình làng Hải Châu (Đà Nẵng) chính thức khai mạc. Lễ hội đình làng nằm trong lòng phố rộn ràng, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Phần lễ năm nay vẫn giữ nguyên các nghi thức lễ vọng, lễ cầu quốc thái dân an…Phần hội sôi động hơn với chuỗi hoạt động kéo dài suốt từ hai ngày trước chính lễ, bao gồm các Hội thi chưng bánh, chưng quả, Hội thi kéo co, nhảy bao bố, Thi viết Thư pháp …
Theo lịch sử văn hóa địa phương, và dựa trên những hiện vật còn lại ở di tích văn hóa cấp quốc gia - đình làng Hải Châu, lễ hội đình làng đã được các bậc tiền hiền bắt đầu tổ chức thường niên từ cách đây 200 năm.Trải qua hơn 30 năm bị gián đoạn, lễ hội đình làng Hải Châu được phục dựng lại và tổ chức thường niên vào ngày Giỗ Tổ (10/3 âm lịch) từ năm 2009 đến nay.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ văn hóa phường Hải Châu 1 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), và cũng là một trong những người tham gia thực hiện các nghi thức chính lễ cho biết, từ nhiều ngày trước, người gốc xã Hải Châu có từ cách đây hơn 200 năm di cư khắp nơi đã về lại quê cha đất tổ, cùng người dân địa phương chuẩn bị cho lễ hội.
Ông Minh nói: “Là lớp con cháu, chúng tôi tự hào về truyền thống của làng, và coi việc kế thừa, gìn giữ những nét đẹp văn hóa làng, trong đó có truyền thống nhớ ơn tổ tiên, là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm. Để thực hiện đúng các nghi thức chính lễ, lớp hậu bối chúng tôi đã dày công tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương, học hỏi các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa. Nhất là, chính những nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với những vỡ tuồng cổ đã tái hiện lễ hội đình làng từ những năm đầu lễ hội được phục dựng lại. Qua đó, chúng tôi học tập và đã có thể tự thực hiện đúng các nghi thức lễ trong lễ hội làng từ hàng thế kỷ qua tới nay”.
Lễ hội thực sự đã góp phần khơi lại truyền thống văn hóa dân tộc, đưa người dân bản xứ về với nguồn cội, với lịch sử mỡ cõi và giữ gìn quê hương xứ sở. Đồng thời, là một sự kiện hấp dẫn người dân ở những vùng lân cận và du khách khắp nơi về dự như là một cách tìm hiểu văn hóa địa phương nói riêng, và truyền thống ghi nhớ “con người có tổ có tông” của người Việt nói chung.
Khánh Hiền