Cuộc sống ở nơi người dân "phân thân" tới hai quốc gia cùng lúc
(Dân trí) - Nhờ vị trí đặc biệt nằm ở hai quốc gia khác nhau, nên cuộc sống người dân địa phương tại thị trấn này có nhiều điểm thú vị ít ai có được.
Một thị trấn nhỏ nằm ở vị trí đặc biệt, thuộc lãnh thổ của cả hai quốc gia, với đường biên giới chạy cắt ngang trong lòng phố. Người dân địa phương cũng nhờ thế được hưởng những đặc quyền lạ, đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân và luật pháp ở 2 nước khác nhau.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng đó là chuyện có thật, diễn ra tại thị trấn Baarle-Nassau và Baarle-Hertog thuộc khu vực Baarle, nằm giữa lãnh thổ Hà Lan và Bỉ.
Tại thị trấn Baarle-Hertog (Bỉ) vẫn có những khu đất thuộc Baarle-Nassau (Hà Lan) và ngược lại. Cụ thể, có 24 khu vực thuộc Bỉ nằm trên đất Hà Lan và 6 khu vực Hà Lan tọa lạc ở Bỉ. Đây là kết quả của nhiều hiệp ước được trao đổi, ký kết và mua bán đất giữa tầng lớp quý tộc thời trung cổ.
Sau này, khi chia tách thành hai đất nước Hà Lan và Bỉ, người ta phải thông qua 3 hội đồng biên giới để xác định lãnh thổ nước mình. Lần cuối diễn ra vào năm 1995 khi chính quyền hai bên hoàn tất đường kẻ biên giới. Đó cũng là lúc mọi tranh chấp về phân chia kết thúc.
Muốn tới Baarle, bạn hãy đến phía bắc của Bỉ hoặc mũi phía nam của Hà Lan. Đây là nơi có rất nhiều thứ thuộc về hai nửa, từ hai quốc kỳ, hai thị trưởng, hai hội đồng và thậm chí cả hai bộ luật.
Thoạt nghe có thể tưởng tượng mọi thứ sẽ khó khăn, nhưng ở thị trấn Baarle là ví dụ điển hình về hai xã hội riêng biệt vẫn có thể sống với nhau hài hòa ngay cả trong hoàn cảnh kỳ lạ nhất.
Chính vị trí địa lý khác biệt này khiến Baarle trở thành nơi kỳ lạ. Ngay trong thị trấn, không khó tìm thấy một ngôi nhà nhưng nằm ở hai lãnh thổ khác nhau. Điểm độc đáo này không chỉ khiến người dân địa phương được "hưởng lợi", mà còn biến nơi đây thành điểm du lịch thu hút khách.
Trên đường phố ở Baarle, du khách dễ dàng bắt gặp "đường biên giới quốc tế thân thiện" chỉ đơn giản là những đường hiển thị bằng chữ thập màu trắng, chạy xuyên qua vỉa hè, chia đôi vườn tược, nhà cửa, quán hàng của một số người dân, mà không hề có tranh chấp nào.
Thế nên mới xảy ra những câu chuyện thú vị chỉ ở Baarle mới có. Đó là nơi người dân "phân thân" sống trên hai quốc gia. Ngoài biển ghi số nhà, mỗi gia đình sẽ cắm lá cờ phía trước để mọi người biết đang đứng ở lãnh thổ nước nào. Tiền thuế mỗi quốc gia khác nhau, nên đôi khi mua sắm cùng một con phố nhưng lại chịu giá khác.
Nhưng đây cũng là nơi để du khách có nhiều sự lựa chọn. Ví dụ, thuốc lá ở Bỉ đắt hơn Hà Lan, nên người ta sẽ chọn cửa hàng có cờ Hà Lan để mua. Nhưng xăng của Bỉ lại rẻ hơn nên hoạt động mua bán sẽ ngược lại.
Việc lựa chọn sống ở "nửa nào" thích hơn không quan trọng lắm với người dân địa phương. Trên tất thảy, thị trấn Baarle chính là "biểu tượng sống" cho tình hữu nghị khăng khít giữa 2 quốc gia.
Huy Hoàng
Theo GBStory/ News