Ninh Bình:
Chuyện đời những nữ lái đò Tràng An
(Dân trí) - Đều là những phụ nữ tuổi trung niên, không có nghề nghiệp ổn định họ rủ nhau ra bến thuyền chèo đò thuê mưu sinh. Công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm cho tới tối khuya mới về. Mỗi chuyến, chèo đò cật lực họ cũng chỉ được 150 nghìn tiền công.
Họ là những nữ lái đò ở bến thuyền Tràng An, khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Bến thuyền Tràng An những ngày hè nắng gay gắt chỉ có lác đắc vài du khách. Dưới sông, gần 2.000 chiếc thuyền nhỏ đậu sát vào nhau nằm xung quanh khu bến. Trên bờ, từng tốp phụ nữ mặc áo xanh, mặt bịt kín ngồi rải rác ở các gốc cây tránh nắng. Khách ít, bến thuyền vắng teo người đi chơi nên những nữ lái đò ở đây cũng bị “thất nghiệp”.
Trời về chiều, mặt trời hướng Tây chĩa thẳng vào nơi nhiều nữ lái đò đang ngồi khiến không khí càng thêm oi bức hơn. Tay cầm chiếc nón lá cũ kỹ khẽ quạt nhẹ, chị Nguyễn Thị Vân (45 tuổi), quê xã Trường Yên, huyện Hoa Lư than phiền: “Đợt này khách ít quá, chị em chúng tôi chờ từ sáng tới giờ mà vẫn chưa tới lượt. Chắc hôm nay ế khách, ngày mai lại phải cơm đùm cơm nắm ra bến chờ tiếp nữa rồi”.
Những tháng ít khách, được ra bến thuyền ngồi chờ đến lượt chở khách như chị Vân phải đợi cả tuần. Bến thuyền Tràng An hiện có gần 2.000 chiếc đò với hơn 1.500 phụ nữ làm nghề lái đò mưu sinh. Để phân chia hợp lý lượt đò chở khách, phía công ty quản lý đã chia đều lần lượt, hết người này mới đến lượt người khác.
“Ngày lễ tết khách đông may ra còn nhanh chuyến chứ ngày thường phải chờ cả tuần mới tới lượt mình. Đợt này, cả tháng may ra cũng được 4 đến 5 chuyến, chẳng ăn thua gì. Làm nghề này mà cứ nhàn rỗi thế này cuối tháng chẳng có đồng nào cả” – chị Vân nói tiếp.
Cùng ngồi chờ khách với chị Vân, chị Đinh Thị Hạnh (50 tuổi) cho hay: “Cực chẳng đã chị em chúng tôi mới phải theo cái nghề này. Nhà nước quy hoạch khu du lịch thu hồi hết đất giờ ở quê chẳng còn ruộng để làm. Thanh niên trẻ thì đi làm ăn xa, làm công ty dưới thành phố. Lớp phụ nữ già như chúng tôi không đi xa được, cũng chẳng biết làm nghề gì nên ra đây xin nghề lái đò mong kiếm thêm đồng thu nhập nuôi gia đình”.
Mới ngày nào bắt đầu vào nghề, đến nay những người như chị Vân, chị Hạnh cùng hàng trăm phụ nữ khác cũng đã theo nghề lái đò ở bến thuyền được gần chục năm. Nghề lái đò chở khách của những phụ nữ ở bến thuyền Tràng An kể ra cũng lắm chuyện vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Mỗi người trong số họ đều có một câu chuyện, nỗi niềm riêng về chuyện đời chuyện nghề.
Chị Hạnh bảo: “Vui nhất đối với những người chèo đò như chúng tôi là lúc nào cũng đông khách để không phải “thất nghiệp”. Khách đông thì chuyến mới nhanh, mới có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. Khách ế, chẳng biết lấy tiền đâu khi ở nhà còn cả trăm thứ phải lo”.
Chị Hạnh tâm sự tiếp: “Công chèo đò chẳng được mấy, những tháng ít khách như thế này may ra cũng chỉ được vài ba triệu. Tiền “lương” có được lấy luôn đâu, phải sau 3 - 4 tháng mới được nhận. Làm cái nghề này cũng ăn may là chính. Thấy chị em chúng tôi cực nhọc, vất vả chèo đò, vị khách nào cảm thương thì “bo” thêm cho ít đồng uống cốc nước. Có được tiền “bo” uống nước cũng mừng nhưng chẳng dám tiêu. Để dành về lo cho gia đình cả”.
Nhận được đồng tiền công phải đổ hết mồ hôi, sôi nước mắt. Kiếm được đồng tiền “bo” cũng chẳng dễ dàng gì. Kể ra cái nghề chèo đò như các phụ nữ ở bến thuyền Tràng An cũng trăm mối cực khổ, lo toan. Càng tâm sự với họ tôi mới cảm nhận hết được cảnh “làm dâu trăm họ” mà các chị đang gặp phải.
Để thấu hiểu hơn nỗi cực nhọc của các nữ lái đò nơi đây, tôi đã lên đò đi cùng để được tận mắt thấy những khó khăn mà các chị đang gặp phải. Chở tôi cùng với ba vị khách tham quan Tràng An là chị Nguyễn Thị Hằng (52 tuổi), quê ở xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư. Khi mới lên, tay chèo của chị Hằng cứ thoăn thoát, nhanh nhẹn khiến chiếc thuyền nhỏ cứ phăng phăng lao nhanh về phía trước.
Đi được một quãng đường dài, qua đoạn sông thẳng thuyền chuyển vào khúc sông hẹp, hai bên là núi đá cao sừng sừng. Lúc này sức chị lái đò bắt đầu thấm mệt, cộng thêm tiết trời oi bức, mồ hôi chị tuôn ướt hết chiếc áo. Tốc độ của con đò lúc này cũng không nhanh như trước mà trùng xuống để bắt đầu vào các hang và khe núi.
“Chẳng dễ gì mà kiếm tiền được từ cái nghề này chú à. Cũng phải căng mình chèo thuyền đi hết cả tiếng đồng hồ mới xong việc. Ngày thường thì chỉ có khoảng 4 khách, ngày tết đông lên đến 6, 7 khách. Khách Việt thì nhẹ, chứ mà chở 6, 7 khách Tây chị em chúng tôi chèo, đẩy đò đi quá mệt có khi thở ra cả bằng lỗ tai” – Chị Hằng thều thào.
Những đoạn sông thẳng, nước lớn thì lái đò đỡ mệt hơn. Khổ nhất là khi đi qua những hang tối và nhỏ. Lối đi chỉ vẻn vẹn vừa chiếc đò khiến người lái phải căng mình điều khiển, luồn lách cho con đò đi đúng hướng. Lái thật chuẩn để bè không va vào đá, du khách cũng không chạm vào những nhũ đá ở phía trên đầu“Những ngày trời mát còn đỡ, chứ ngày nắng công việc chèo đò vất vả thêm gấp 10 lần. Cái nghề cực nhọc là vậy nhưng những nữ lái đò như chúng tôi cũng chẳm dám ăn uống ngon. Chỉ qua loa sơ sài cho qua bữa” – chị Hằng chia sẻ.
Chứng kiến bữa ăn đạm bạc của các nữ lái đò, chúng tôi không nghĩ đó là một bữa cơm. Chỉ có bát cơm đã nguội lạnh cùng với quả trứng luộc. Chị nào ăn ngon hơn may ra có thêm vài miếng thịt mỡ, cọng rau lèo tèo. Có chị chỉ dám ăn chiếc bánh mì cho qua bữa. Đồ ăn đạm bạc là thế nhưng bữa ăn cũng không được đàng hoàng và đúng giờ giấc. Khi chèo đò họ không được ăn, chờ lúc khách lên viếng đền họ mới dám lấy cơm trong làn ra rồi ăn nhanh cho kịp giờ đón khách.
Hầu hết, Những người phụ nữ làm nghề lái đò ở Tràng An đều là những nông dân nghèo sống xung quanh khu du lịch. Đò thì họ được phía công ty cung cấp, những đồ nghề cá nhân mà những nữ lái đò ở đây mang theo cho mỗi chuyến đi chỉ đơn giản có chiếc làn, bên trong đựng chai nước lã, hộp đựng cơm và vài chiếc chiếu ngắn lót cho du khách ngồi.
Để được lái đò, họ đã phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề. Bên cạnh đó, những nữ lái đò ở đây cũng thường xuyên được trao dồi nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp. Để khi lái đò chở du khách đi tham quan Tràng An, họ vừa chèo đò vừa kiêm luôn là một hướng dẫn viên giới thiệu về các điểm đến, di tích nổi bật trong chuyến hành trình.
Chị Hằng chia sẻ thêm: “Nhọc nhưng cũng vui, ngoài kiếm được tiền mỗi chuyến đò thì chúng tôi còn có cơ hội gặp gỡ nhiều vị khách khác nhau. Mỗi người đến đây đều có điểm chung là muốn khám phá Tràng An. Chúng tôi chia sẻ về nghề với họ, chia sẻ về điểm đẹp của quê hương nên cũng cảm thấy vui. Đổi lại được họ chia sẻ về quê hương, nghề nghiệp, những nơi họ đã đi cũng bớt nhọc được phần nào sau mỗi chuyến đi”.
Chúng tôi chia tay các nữ lái đò ở Tràng An khi mặt trời đã khuất sau những ngọn núi. Trời chưa tối nhưng nhiều nữ lái đò cũng đã thu dọn xong đồ nghề ra về. Nhiều người khác chở khách chưa về đến bến vẫn đang cố gắng chèo mạnh để con đò đi thật nhanh. Đến bến, họ neo đậu thuyền chắc chắn, dọn dẹp, thu xếp đồ nghề rồi lên bờ trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối…
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Du lịch, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa – Du lịch báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email dulich@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |