Chúng ta nên loại bỏ những lễ hội không đề cao tính nhân văn
(Dân trí) - Những lễ hội có hành động phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không để cao tính nhân văn thì chúng ta nên loại bỏ - đó là khẳng định của Bộ Trưởng bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 15/3.
PV: Trước câu hỏi hiện chúng ta tổ chức quá nhiều lễ hội dẫn đến tràn lan, thiếu kiểm soát. Bộ trưởng có nhận đinh như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Dù chúng ta đã có gắng trong công tác tổ chức lễ hội, tuy nhiên qua công tác kiểm tra chúng tôi thấy rằng, cấp ủy chính quyền các địa phường một số nơi chưa thật sự chú trọng đến vị trí vai trò của công tác lễ hội để kịp xử lý. Hướng sắp tới sẽ giảm tần xuất tổ chức các lễ hội.
Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh (ảnh: VOV).
PV: Thực tế thời gian gần đây, một số lễ hội còn xuất hiện các hình ảnh bạo lực, phản cảm như chém lợn, đâm trâu, cướp lộc, thậm chí đánh nhau…làm méo mó đi tính văn hóa tốt đẹp của các lễ hội. Là người đứng đầu ngành Văn hóa, Bộ trưởng có suy nghĩ và giải pháp như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trước tình hình này, chúng tôi thấy rằng cần phải điểu chỉnh sao cho phù hợp. Những lễ hội có hành động phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không để cao tính nhân văn thì chúng ta nên loại bỏ. Hiện tượng vừa rồi theo chúng tôi không nên tiếp diễn và xem xét các lễ hội ấy có phần nào loại bỏ và phần nào cần xử lý trong lễ hội.
PV: Hiện nay, hiện tượng trục lợi từ các lễ hội diễn ra khá phổ biến, nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng từ tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu này không kiểm soát được, mỗi nơi áp dụng một kiểu quản lý khách nhau. Đây chính là nguyên nhân đẻ ra những biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương. Thực trạng này diễn ra nhiều năm nay rồi, gây không ít bức xúc trong dư luận. Vậy bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết tình trạng này?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Thực tế trong những năm qua việc đặt hòm công đức là thái độ thiện chí của người dân, họ muốn gửi gắm việc trùng tu tôn tạo các di tích. Chúng tôi đã phối hợp với các Bộ liên quan để có thông tư hướng dẫn việc quản lý các hòm công đức sao cho văn minh lịch sự. Thực tế nhiều nơi, tiền công đức của người dân được quản lý hết sức chặt chẽ, công khai, số tiền này phục vụ trở lại việc trùng tu tôn tạo di tích. Tất nhiên ở đâu đó vẫn còn vấn đề này, vấn đề kia thì cần phải chấn chỉnh kịp thời. Vì vậy chúng tôi đề nghị các địa phương cần nhập cuộc mạnh mẽ để yêu cầu các thủ nhang, thủ đền nhanh chóng kiểm tra, công khai cho người dân tham gia lễ hội biết.
Chia sẻ trong buổi chất vấn dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: Tôi nghĩ rằng, mùa lễ hội mới đi được nửa chặng đường, nửa chặng đường còn lại, tôi đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải kiểm tra thực hiện theo yêu cầu của quyết định đặt ra. Cuối mùa lễ hội năm nay chúng tôi cũng thành lập hội đồng thẩm định để công bố kết quả địa phương nào làm tốt, xuất sắc, trung bình… Tất nhiên quyết định đó sau một thời gian thực hiện sẽ có bổ sung sao cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai, vì mỗi mùa lễ hội lại xuất hiện những vấn đề mới, những điều nào người dân đồng tình thì chúng ta giữ lại, điều nào phản cảm không phù hợp thì chúng ta sẽ loại bỏ.
Hữu Thắng (lược ghi)