Chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của thác Chó ngáp
(Dân trí) - Một dòng thác đẹp, nguyên sơ hấp dẫn lòng người khi đến nơi đây. Đó là thác Ma Hao (còn gọi là thác Chó ngáp), ở làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.
Truyền thuyết về thác Chó ngáp
Cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 30km, thác Ma Hao (Chó ngáp) thuộc làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh từ lâu đã được biết đến là một ngọn thác đẹp, còn nguyên sơ và chứa đựng nhiều điều huyền bí.
Từ thị trấn huyện Lang Chánh ngược lên khoảng 18km, theo tuyến đường liên xã là đến thác Ma Hao. Dọc đường đi có thể quan sát những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đầu làng Năng Cát, những con suối dẫn nước từ thác đổ về đem đến cảm giác mát mẻ, khi càng tiến gần tới thác, tiếng thác đổ vang cả một vùng như tín hiệu và cũng là “lời mời” chào đón với những ai đến nơi này.
Theo con đường mòn chạy giữa rừng quế và những mảng rừng pơ mu, lim, sến… thác Ma Hao hiện ra trắng xoá như tà áo dài của thiếu nữ, cùng với sự nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp, đem lại cho du khách cảm giác thích thú.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ 15, trong một lần nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh bủa vây phải lui binh lên núi Chí Linh (tức Bù Rinh, hay còn gọi là Pù Rinh, nay thuộc huyện Lang Chánh) để củng cố lực lượng.
Quân giặc cùng đàn chó săn truy sát ráo riết, nghĩa quân Lam Sơn nhiều lúc phải mở đường máu thoát thân. Một hôm Vua Lê cùng một vài người lính mang theo một con chó đi từ núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức vì mệt thì gặp một thác cao, nước chảy xiết.
Trong khi đó, quân giặc lại đuổi sát phía sau nên Nhà vua và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia, còn lại con chó săn, sức kiệt mà suối lại rộng, nó không bơi được, chỉ còn đứng ngáp. Một lúc sau, quân giặc đuổi đến, nó liền quay lại cắn xé với chó giặc, rồi nhảy xuống dòng nước xoáy mà chết, đủ thời gian cho nghĩa quân Lam Sơn trốn kịp.
Khi quân giặc rút đi, nhà Vua sai quân lính tìm xác con chó quý của mình và truyền lệnh chôn cất tử tế. Về sau, Nhà vua đặt tên cho thác nước đó là thác Má Háo (theo tiếng dân tộc Thái là thác Chó ngáp). Sau này, người dân địa phương đọc chệch âm thành thác Ma Hao đến ngày nay.
Vẻ đẹp nguyên sơ của thác Chó ngáp
Dãy núi Pù Rinh, nơi bắt nguồn của thác Ma Hao có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Từ phía dưới đi lên, phải vượt qua hơn 10 tầng thác mới lên đến đỉnh. Tại đây, có thể bắt gặp tầng thác cao và rộng nhất, đó chính là thác Ma Hao. Đứng dưới chân thác, trên những tảng đá lớn, chúng ta mới cảm nhận được vẻ nên thơ, hũng vĩ của một vùng cảnh quan thiên nhiên nơi núi rừng này.
Từ chân tới đỉnh tầng thác này cao hơn 100m, rộng hơn 200m. Dưới chân thác là một hồ nước rộng, nước trong xanh, du khách có thể đắm mình với cảm giác mát rượi của dòng nước.
Vào mùa hè trong cái nắng oi ả, nơi đây là địa chỉ lý tưởng của bà con dân bản quanh vùng. Những ai không muốn tắm thì có thể ngồi nghỉ ngơi trên những phiến đá to hàng trăm tấn, nhẵn bóng, đón làn gió đem theo hơi nước thổi lên từ dòng thác.
Phía dưới khu vực chân thác là dòng suối hiền hòa chảy róc rách qua những khe đá dưới tán cây của rừng già. Không khí thoáng đãng, mát mẻ, xen lẫn mùi hương nồng nàn của quế, và hoa rừng.
Ngước mắt lên, du khách được chiêm ngưỡng dòng thác từ trên cao cuồn cuộnđổ xuống, bọt tung trắng xóa. Muôn vàn hạt nước nhỏ li ti như những hạt sương mai bay lên cao, hòa quyện vào nhau như dải lụa trắng rồi lan tỏacả một vùng, tạo nên sức hút kỳ bí mà bất kỳ ai đến đây đều muốn khám phá trải nghiệm.
Sau khi chiêm ngưỡng cảnh quan và nghỉ ngơi, du khách có thể hòa mình vào dòng nước mát rượi, trong xanh để tận hưởng cảm giác thư thái sau chặng đường dài.
Một tin vui đến với bà con khi mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua đề án quy hoạch quần thể du lịch sinh thái thác Ma Hao. Theo đó, tổng diện tích khu du lịch sinh thái rộng gần 200 ha, gồm khu vực thác Ma Hao và bản Năng Cát; phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng. Nguồn nước sạch của thác sẽ được dẫn về cung cấp cho người dân thị trấn Lang Chánh và các xã phụ cận.
Bên cạnh đó, huyện cũng có chính sách khai thác tiềm năng sẵn có từ rừng, tập trung khôi phục và bảo tồn các loại hình văn hóa của người Thái như: xây dựng nhà sàn truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đánh cồng chiêng; khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm và các hoạt động khác để phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đắm mình với tiếng cồng chiêng và điệu múa của bà con dân tộc
Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của thác Ma Hao, du khách còn được tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc và ẩm thực của bà con dân tộc Thái nơi đây.
Người xưa kể lại rằng, Làng Năng Cát là địa điểm mà người anh hùng áo vải Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn nương náu, củng cố lực lượng để đánh đuổi giặc Minh.
Chuyện kể rằng, trong lần Vua Lê và quân lính bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại, nấu cơm. Đường chật, người đông, nấu được nồi cơm thật vất vả. Ngay đội quân bảo vệ cho Lê Lợi cũng tất bật, vội vàng. Họ mang nồi niêu ra khe để vo gạo, múc nước. Vì kéo nhau xuống khe quá đông, nước khe cạn, làm vẩn đục dòng nước, đến nỗi khi đem nồi cơm nấu riêng cho nhà Vua về cũng có cát đọng dưới đáy, lẫn cả với cơm. Lê Lợi liền đặt luôn cho vùng đất ấy là Năng cát, nay thuộc xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.
Nét nguyên sơ của làng Năng Cát vẫn còn được người dân nơi đây gìn giữ trong những nếp nhà sàn nằm ở lưng chừngnúicủa người Thái. Làng Năng Cát hiện nay nhà sàn chiếm 98,3%, một không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản làng vùng cao,với kiểu kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái miền tây Thanh Hóa, cao rộng, thoáng đãng, đa phần là nhà 4 gian 2 chái.
Ở lại nơi đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của bà con dân bản và được sống trong tiếng cồng, chiêng, khua luống cũng như tiếng nhạc xập xình giữa núi rừng miền Tây xứ Thanh.
Duy Tuyên - Minh Trang