Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét

(Dân trí) - Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài gián biển khổng lồ dài gần 1 mét sống ở vùng biển sâu ngoài khơi ở cực tây đảo Java, Indonesia.

Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét

Trong chuyến khảo sát tới vùng biển sâu ngoài khơi cực tây đảo Java, Indonesia vào năm 2018, nhóm nghiên cứu đến từ Singapore đã phát hiện thấy loài sinh vật 14 chân. Con vật có phần đầu và đôi mắt kép như chiếc mũ đội đầu của Chúa tê Sith trong phim bom tấn "Chiến tranh giữa các vì sao" của Hollywood.

Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét - 1
Sinh vật này có phần đầu và mắt kép như mũ đội đầu của Chúa tể Sith trong phim bom tấn "Chiến tranh giữa các vì sao"

Và mới đây, nhóm nghiên cứu do Gián đốc bảo tàng lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian thuộc Đại học Quốc gia Singapore, ông Peter Ng đã công bố loài sinh vật biển mới phát hiện là Bathynomus raksasa thuộc chi chân giống khổng lồ.

Dù sinh vật có hình dáng giống loài gián trên cạn, nhưng chúng lại có "họ hàng" gần với những động vật biển như tôm hay cua. Loài này sống ở đáy biển, dùng 14 chân để bò dọc theo lòng đại dương tìm kiếm thức ăn.

Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét - 2
Cận cảnh kích thước khổng lồ của loài gián biển

Đây là kết quả từ cuộc khảo sát kéo dài 2 tuần của nhóm nghiên cứu tại 63 khu vực, thu thập hàng chục nghìn loài sinh vật ở độ sâu từ 800 m đến 2.100 m, bao gồm những loài nhuyễn thể như sứa, giun biển, hay tôm, cua, sao biển, nhím biển, bọt biển...

Dù nhiều loài sinh vật mới được phát hiện, nhưng 2 năm sau cuộc khảo sát, loài Bathynomus raksasa (gián biển) mới được công bố chính thức.

Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét - 3
Nó nằm trong số những loài mới vừa được phát hiện trong cuộc khảo sát biển trước đó của nhóm nghiên cứu

Những con gián biển có chiều dài khoảng 50 cm. Trên thực tế, gián biển Bathynomus raksasa là loài chân giống lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Bathynomus giganteus, thường được tìm thấy ở vùng nước sâu phía tây Đại Tây Dương.

Loài này thường ăn xác động vật biển đã chết dưới đáy đại dương. Tuy nhiên thậm chí chúng có thể sống sót trong thời gian dài mà không có thức ăn. Sở dĩ gọi là gián biển vì chúng có nhiều nét tương đồng với loài côn trùng trên cạn.

Cận cảnh gián biển khổng lồ dài gần 1 mét - 4
Gián biển có số lượng lớn bởi chúng không mấy hấp dẫn với những kẻ săn mồi dưới đại dương

Ai phát hiện ra sinh vật mới này?

Nhóm nghiên cứu gồm 31 thành viên do ông Peter Ng dẫn dắt, tiến hành chuyến thám hiểm khám phá với sự trợ giúp của Viện khoa học Indonesia.

Nhờ sử dụng các kỹ thuật từ đánh bắt bằng lưới kéo, máy nạo vét, cuộc khảo sát tìm thấy hơn 12.000 sinh vật biển thuộc hơn 800 loài khác nhau. Trong đó, 12 loài chưa từng được biết tới.

Có thể ăn gián biển không?

Gián biển được coi như loài chuyên đi "nhặt rác". Chúng ăn phần còn lại của những động vật biển đá chết. Loài này được tìm thấy với số lượng lớn, bởi hầu hết những kẻ săn mồi dưới đáy đại dương không mấy quan tâm tới chúng.

Gián biển hiện sống ở một số vùng thuộc phía đông và đông nam châu Á. Chúng sở hữu lớp vỏ rất dày, ít thịt, khó có hương vị thơm ngon. Cũng do lượng thịt ít nên chúng không hấp dẫn những loài săn mồi khác.

Quốc Việt

Theo Indianexpress/ Mashable/ DM