“Bí kíp” của khách Tây đối phó với nạn “chặt chém”!
(Dân trí) - Khách du lịch quốc tế tiếp tục nhiều phen phải cắn răng, rút ví để trả những khoản vô lý mà chủ quán "chặt chém".
Bát phở giá “cắt cổ”, phải đánh giày với mức giá trên trời… là những vụ việc từng bị dư luận lên án. Mới đây, nạn “chặt chém” ở Hà Nội lại khiến dư luận không khỏi bức xúc khi một vị khách nước ngoài bị người bán hàng rong ép mua túi bánh rán với giá lên tới… 700.000 đồng.
Trong khi đó, cách đây chưa lâu, Báo Dân trí cũng đã từng phản ánh về tình trạng các đối tượng bán hàng rong chặt chém du khách tại khu vực Hồ Tây. Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng các đối tượng này ngày càng có các chiêu trò tinh vi hơn.
Chị Stephanie, du khách Pháp, một người đã từng là nạn nhân những người bán hàng rong “chặt chém” cho biết, người nước ngoài tới Hà Nội mua hàng với giá cao hơn so với người dân bản địa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chị và bạn trai bị ép mua vài trái chuối với dứa mà đã có giá cả trăm ngàn đồng thì thực sự quá cao.
Không chỉ thế, chị Stephanie còn cho rằng, những việc làm như vậy thực sự không công bằng với các du khách và đương nhiên chị và bạn trai sẽ không bao giờ để “dính bẫy” lần hai, chắc chắn trước khi mua gì phải mặc cả hoặc tốt nhất là vào siêu thị để mua đồ cho chắc ăn.
Trong khi đó, chị Marie Pirsh, một du khách khác đến từ Đức cho biết, người Việt Nam rất thân thiện, luôn nở nụ cười, và đặc biệt rất tốt bụng khi bạn muốn nhờ một điều gì, họ là những người rất tốt.
Tuy nhiên, những người bán hàng rong cũng từng lôi kéo chị Marie Pirsh và bạn của mình, họ chào mời rất nhiều ở khu vực Hồ Gươm. Chị Marie ban đầu khá ngạc nhiên và từng tìm hiểu trước nên rất may chưa bị các gánh hàng rong bắt chẹt khi mua hàng.
Đặc biệt, để tự bảo vệ mình, nữ du khách này thường ăn những món giá cả hợp lý, mặc cả trước và thường tìm món ăn ở các phố nhỏ, nơi mà nhiều người Việt ngồi ăn ở đó, thay vì là nơi khách nước ngoài thường lui tới để tránh nạn chặt chém.
Một người bạn của Marie đã từng đến Hà Nội du lịch và truyền “bí kíp” cho cô nên tới những nơi như vậy thì sẽ có cơ hội mua đồ giá cả hợp lý hơn. Nếu có chênh lệch 10.000 – 20.000 VNĐ thì Marie Pirsh vẫn có thể chấp nhận được.
Bà Odile, một du khách Pháp, cho biết, bà rất ấn tượng về Hà Nội với văn hoá ẩm thực và con người thân thiện, tuy nhiên, trước khi sang Hà Nội bà cùng gia đình đã tìm hiểu khá kỹ lưỡng các thông tin cần biết và đương nhiên trong đó có cả giá cả tại Hà Nội nên khi gặp những người bán hàng rong, bà không quá bất ngờ và không bị dính bẫy như nhiều du khách khác. Theo bà Odile, cách tốt nhất là tự bảo vệ mình đó là tìm hiểu trước các thông tin giá cả hoặc mua hàng ở siêu thị thay vì mua ngoài đường.
Thực tế, ở Hà Nội, không chỉ khách du lịch nước ngoài mà ngay cả khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khác khi tới Thủ đô cũng từng trở thành “nạn nhân” của nạn hàng rong "chèo kéo", nâng giá khi mua bán, nói nặng lời khi xem hàng xong không mua... Tuy nhiên, khác với các du khách nước ngoài, những du khách trong nước thường khó bị “bắt nạt” hơn nên những người bán hàng rong có ý đồ chặt chém cũng sẽ tìm cách “né” hoặc những du khách trong nước cũng có biện pháp xử lý tại chỗ để không bị chèo kéo khi đi thành các tốp đông và mặc cả giá rất kỹ nếu mua hàng.
Xuân Ngọc