Bất cập chuyện “thừa, thiếu” của du lịch Việt Nam
(Dân trí) - Trong khi cơ sở vật chất tại các điểm du lịch có khả năng thu hút khách cao đang chưa được đầu tư, hoặc đầu tư nhỏ giọt thì hàng năm chúng ta vẫn thường xuyên bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để tổ chức những lễ hội hoành tráng.
Thiếu tiền làm tour
Trước nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngày càng cao của du khách, để tạo ra những sản phẩm độc đáo thu hút khách trước khi chuẩn bị bước vào mùa cao điểm, năm nào cũng thế các hãng lữ hành thường phải “xốc lại tour” của mình để đón khách.
Có thể là cất công lặn lội khảo sát xây dựng tour mới, có thể là “gia cố” thêm ít dịch vụ vào tour cũ cho mới lên. Tuy nhiên, giải pháp thứ hai vẫn được nhiều doanh nghiệp áp dụng, bởi lẽ không phải lúc nào những chuyến khảo sát xây dựng tour mới cũng thành công, mặt khác công lao và kinh phí bỏ ra để làm việc này cũng không nhỏ, cùng với đó một trở ngại lớn nhất là dịch vụ du lịch của chúng ta quá hạn chế. Không nói đâu xa, tại Hà Nội thế mạnh của họ vẫn chỉ dừng lại ở loại khách MICE
So với các trung tâm du lịch trên cả nước Hà Nội và một số ít thành phố có loại hình dịch vụ vào ban đêm cho du khách. Thế nhưng, hiện nó vẫn chỉ mang tính hời hợt và nửa vời.
Mô hình chợ đêm Đồng Xuân ở Hà Nội đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, song sản phẩm ở đây quá nghèo nàn, chủ yếu là hàng chợ như: quần áo, dây lưng, ví da, rất ít những đồ souvenir đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tại phố cổ Hà Nội, người ta cũng bày bán những sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch, nhưng ở đó cũng chỉ loanh quanh vài thứ đồ lụa, đũi, tranh sơn mài, hàng thổ cẩm, sứ bát tràng.
Tình trạng tương tự này cũng xảy ra ở trung tâm du lịch Hạ Long, từ các điểm mua sắm lớn như: Siêu thị Thanh Niên - ngã ba đường Bãi Cháy Hạ Long, Trung tâm thương mại Vườn Đào, Bãi Cháy... đến nhiều điểm bán hàng lưu niệm nhỏ lẻ cũng không có nhiều sản phẩm đặc thù của vùng di sản thế giới mà chủ yếu hàng từ các địa phương khác chuyển về như: đồ sừng, đồ gỗ, thổ cẩm...
Các dịch vụ vui chơi giải trí ở Tuần Châu (Hạ Long) chỉ hấp dẫn được khách nội với các trò như xiếc cá heo, sân khấu nhạc nước... Thế nhưng, với khách nước ngoài, nếu không hiểu tâm lý họ mà dẫn họ vào những điểm này, coi chừng HDV sẽ bị khách mắng cho te tái.
Đến các điểm du lịch miệt vườn nam Bộ, du khách chỉ thấy mấy thứ hoa quả; còn ở các khu du lịch biển thì đến nơi nào cũng thấy bày bán vài viên ngọc trai, hay mấy thứ vỏ ốc, cùng lắm là tấm bản đồ tham quan.
Thậm tệ hơn, nhiều điểm treo bày bán cả xác động vật hoang dã. Những lý do này, cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến du khách quay lưng lại với du lịch Việt Nam
Thừa tiền làm lễ hội
Việt Nam có hàng loạt những bản làng của dân tộc thiểu số ở vùng núi, khí hậu hiền hoà với nhiều sản phẩm đặc trưng của người dân bản địa, nhưng rất có ít tour du lịch đưa khách tới đó. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng ở những điểm như vậy quá yếu, người dân địa phương chưa biết cách làm du lịch.
Tại Hà Giang có một bản làng của người Lô Lô, ở đây có những mẫu quần áo bằng lanh được người dân bản dệt lên rất đẹp, phù hợp với sở thích của du khách đặc biệt là khách châu Âu, nhưng nhiều doanh nghiệp không có cách nào để đưa cả đoàn khách vào đó, do đường xá đi lại hết sức khó khăn.
Trong khi cơ sở vật chất tại các điểm du lịch có khả năng thu hút khách cao đang chưa được đầu tư, hoặc đầu tư một cách nhỏ giọt thì hàng năm chúng ta vẫn thường xuyên bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để tổ chức những lễ hội hoành tráng.
Một thực tế khó phủ nhận được rằng, trong mấy năm vừa qua các lễ hội du lịch do các địa phương tổ chức “ngún” không ít tiền của lại thường xuyên rơi vào tỉnh cảnh “cơm chấm cơm”- có nghĩa là những lễ hội như vậy chỉ lôi kéo được người dân địa phương, mà không thu hút được khách quốc tế.
Điều rất dễ nhận ra trong các lễ hội du lịch lớn của các địa phương thường xuyên xảy ra sự trùng lặp nhàm chán trong các chương trình nghệ thuật. Dường như, ở đây đang xảy ra thực trạng tỉnh này làm được tỉnh kia cũng làm được, vậy là ở lễ hội nào du khách cũng chỉ thấy tiết mục trình diễn tia laze, đồng diễn nghệ thuật... rồi sau cùng là bắn pháo hoa.
Song An – Minh Phan