Ai Cập mở bảo tàng hóa thạch đầu tiên ở khu vực Trung Đông
(Dân trí) - Bảo tàng hóa thạch giải thích về sự tiến hóa của cá voi được xây dựng trong thung lũng ở sa mạc với tổng số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ Euro.
Nằm trong thung lũng sa mạc Wadi al-Hitan, cách phía tây nam thủ đô Cairo, Ai Cập, chừng 150km là bảo tàng hóa thạch đầu tiên của khu vực Trung Đông. Bảo tàng sẽ là nơi trưng bày các mẫu hóa thạch, giải thích sự tiến hóa của cá voi.
Ông Maurizio Massari, đại sứ Italia cho biết, nước này sẽ đầu tư 2 tỷ Euro để xây dựng bảo tàng hóa thạch đầu tiên ở Trung Đông. Tại khu vực trung tâm bảo tàng sẽ trưng bày bộ xương cá voi mang tên “cá voi trên cạn” với niên đại 37 triệu năm tuổi, dài 20m. Đây sẽ là minh chứng chứng tỏ cá voi hiện đại được tiến hóa từ loài động vật có vú. Ngoài ra, bảo tàng còn trưng bày các công cụ của con người từ thời tiền sử, các mẫu hóa thạch của cá voi.
Làm thế nào những mẫu hóa thạch cuối cùng của cá voi lại xuất hiện giữa sa mạc nóng bỏng? Khoảng 40-50 triệu năm trước, thung lũng Wadi al-Hitan ngập trong nước bởi một biển có tên gọi Tethys, nằm ở ngoài xa phía nam của Địa Trung Hải.
Bảo tàng còn chứa mẫu hóa thạch có niên đại lên tới 50 triệu năm. Ngoài ra, một số mẫu xương cá voi vẫn trong tình trạng tốt vì được bảo quản dưới các lớp đá. Bộ xương bán hoàn chỉnh của cá voi cũng được tìm thấy trong thung lũng, thậm chí có mẫu dạ dày vẫn còn tồn tại.
Việc mở cửa bảo tàng hóa thạch đầu tiên ở Trung Đông thể hiện sự nỗ lực của Chính quyền địa phương nhằm thu hút khách đến với Ai Cập, giảm thiểu những cuộc tấn công quân sự trong thời gian gần đây, khôi phục lòng tin của du khách về sự an toàn tại các điểm du lịch.
Việt Hà
Theo APt