9X bỏ phố thị về Sa Pa, biến đồ cũ thành những bức vẽ chân dung độc đáo

Mộc Khải

(Dân trí) - Bị thu hút bởi ánh mắt, nụ cười của những cụ già vùng cao, Thùy Giang thu gom những món đồ cũ, rồi biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Phạm Thị Thùy Giang (SN 1997) sinh ra và lớn lên ở Sa Pa (Lào Cai), mang trong mình lý tưởng lan tỏa nét đẹp văn hóa, con người ở quê hương. Sau khi tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Thùy Giang về quê sống và bắt đầu thực hiện lý tưởng của mình.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thùy Giang cho biết chị yêu sự mộc mạc, thẳng thắn, giản dị của người dân tộc thiểu số và thích ngắm nhìn nét đẹp, nụ cười, ánh mắt những người già ở vùng cao. Từ đó, Thùy Giang cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật, những bức tranh nhiều màu sắc.

9X bỏ phố thị về Sa Pa, biến đồ cũ thành những bức vẽ chân dung độc đáo - 1

Chị Giang vẽ tranh thể hiện nét đẹp của người dân tộc thiểu số (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi thấy người già mang nhiều nét đẹp. Người càng già lại càng "trẻ", họ sở hữu đôi mắt trong trẻo và thần thái thoải mái khiến người đối diện có cảm giác bình yên. Tôi tin rằng những dấu ấn văn hóa vùng cao sẽ được tìm thấy thông qua hình ảnh mộc mạc của người lớn tuổi", chị Giang chia sẻ.

Sau hơn 2 năm theo đuổi hội họa, chị Giang đã cho ra đời khoảng 40 tác phẩm và hầu hết đều là chân dung người dân tộc thiểu số, mang dấu ấn văn hóa, thể hiện sự dung dị của con người vùng cao.

Chị Giang cho biết mình vẽ tranh trên đa dạng chất liệu, bởi chị thích những món đồ cũ đã nhuốm màu thời gian.

9X bỏ phố thị về Sa Pa, biến đồ cũ thành những bức vẽ chân dung độc đáo - 2

Tranh của chị Giang được vẽ trên nhiều chất liệu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ở Sa Pa, chị Giang và chồng xây dựng một homestay nhỏ. Khi rảnh rỗi, chị lân la xuống những bản làng để mua lại những đồ vật cũ, vật dụng bằng gỗ như mâm, thớt, mặt bàn, ghế, vải đay của nhiều gia đình không dùng đến rồi mang về tô vẽ, biến chúng thành đồ trang trí trong nhà.

"Tôi thích những món đồ gỗ bền bỉ với thời gian, càng lâu càng đẹp. Mỗi ngày, khi thức dậy đón bình minh, ngắm nhìn cảnh đẹp, con người ở quê hương là tôi lại có cảm hứng vẽ. Cứ cầm cọ lên, tôi lại thấy tâm hồn bình yên đến lạ.

Thậm chí, chỉ cần có một niềm vui nhỏ trong ngày, tôi cũng muốn cầm cọ lên ghi lại. Vẽ thêm một tác phẩm, tôi lại có thêm nhiều niềm vui, đồng thời nâng cao kỹ năng và kiến thức hội họa", chị Giang tâm sự.

9X bỏ phố thị về Sa Pa, biến đồ cũ thành những bức vẽ chân dung độc đáo - 3

Đến nay, chị Giang đã cho ra đời khoảng 40 tác phẩm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ở homestay, chị Giang vừa sáng tác tranh, vừa hướng dẫn du khách vẽ. Ngóc ngách nào ở đây cũng có những món đồ trang trí thủ công được tô màu độc đáo.

Chị Giang nói thêm, giá trị lớn nhất mà chị có được khi sống và vẽ tranh ở quê hương chính là sự êm đềm, tự do, không áp lực. Sống giữa quê hương, tinh thần và sức khỏe của chị tốt hơn trước, từ đó cảm hứng nghệ thuật của chị cũng dồi dào, sinh động hơn.

Đứng trước những tác phẩm của chị Giang, nhiều người nán lại rất lâu rồi mỉm cười khiến chị thấy tự hào. Theo chị, hội họa không chỉ là đam mê mà đó còn là cách chị lan tỏa nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước. 

9X bỏ phố thị về Sa Pa, biến đồ cũ thành những bức vẽ chân dung độc đáo - 4

Chị Giang vừa sáng tác tranh, vừa hướng dẫn du khách vẽ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Tôi rất vui vì trình độ vẽ tranh của mình không quá "cao siêu", nhưng những tác phẩm của tôi đều chứa đựng những cảm xúc thật và truyền tải được cảm xúc đến người xem.

Nhiều khách ngoại quốc đến lưu trú, uống cà phê rất thích tranh của tôi nên mua mang về nước. Qua bức tranh, hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam sẽ được lan rộng hơn, xa hơn", chị Giang bộc bạch.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm