5 điểm khiến Việt Nam "xấu xí" trong mắt du khách Tây

(Dân trí) - Lừa dối, chèo kéo, chặt chém hay giao thông hỗn loạn và cả dịch vụ kém chất lượng khiến nhiều du khách nước ngoài không muốn đến Việt Nam, dù đất nước hình chữ S có phong cảnh thiên nhiên quyến rũ tuyệt đẹp….

Hiểm họa giao thông

Giao thông ở Việt Nam đối với người nước ngoài rất đáng sợ và hỗn loạn. Ngay cả khi đi bộ nhiều du khách cũng cảm thấy không an toàn. Bởi nhiều khi ở trên vỉa hè, người dân cũng “chiếm dụng” làm của riêng khiến người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường dẫn đến nhiều người sẽ được cảm nhận nhiều làn gió liên tiếp tạt qua tai khi liên tục có xe máy và ô tô “vù vù” vượt qua.

Việc qua đường cũng là một vấn đề “nan giải” và cần sự dũng cảm khi dòng xe cộ liên tục qua lại và không thiếu những pha vượt đèn đỏ trâng tráo, đặc biệt tại Hà Nội. Không có một trật tự nào trong giao thông, nhiều người cũng chẳng thèm quan tâm tới các quy định của pháp luật khiến việc đi lại trong giờ cao điểm trên đường phố ở Việt Nam giống như một cuộc... hành xác.

5 điểm khiến Việt Nam "xấu xí" trong mắt du khách Tây - 1
5 điểm khiến Việt Nam "xấu xí" trong mắt du khách Tây - 2

Đây là hiện trạng giao thông của Việt Nam, không chỉ khiến cho khách nước ngoài sợ hãi mà đến chính người Việt cũng phải lắc đầu. Lộn xộn, nguy hiểm... đó là những nhận xét cơ bản của người nước ngoài khi đến tham gia giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

Mỗi khi đi bộ qua đường, họ phải "luyện chân, căng mắt"... để có thể chạy thật nhanh, lách thật giỏi, dù họ đi đúng tuyến dành cho người đi bộ khi qua đường.

Lừa dối

Nhiều khách du lịch tới Việt Nam đã "một đi mà không trở lại" vì họ cảm thấy mình liên tục bị làm phiền và bị đối xử một cách tồi tệ. Khi đi trên phố ở các thành phố nổi tiếng về du lịch, họ luôn gặp phải những người bán hàng rong chèo kéo mua hàng với giá cả đắt hơn thực tế. Một vị du khách đã từng chia sẻ trong khi mua áo thun ở Hội An, ba người phụ nữ đã cố gắng níu giữ ông trong cửa hàng, thậm chí kéo cả áo sơmi cho đến khi vị khách này chịu mua một cái gì đó.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, mọi thứ luôn phải mặc cả từ xe ôm đến thực phẩm hàng ngày và với các vị khách Tây phương luôn phải chấp nhận hiện thực là mình sẽ phải mua đắt hơn so với cư dân bản địa. Đấy là còn chưa tính nhiều nơi, nhất là tại TP.HCM phải cẩn thận “bảo vệ” đồ đạc vì luôn có trộm cắp xuất hiện, chỉ cần lơ là một lúc là có thể điện thoại, máy ảnh, ví tiền của mình sẽ “không cánh mà bay”.

Người nước ngoài tỏ ra khó chịu vì những lời nói không thành thật của một số người dân Việt. Ví dụ điển hình như ở sân bay, báo hành lý bị thất lạc ở khách sạn để đòi thêm tiền.

Chèo kéo  và chặt chém

Nạn chèo kéo và chặt chém khách du lịch tại Việt Nam, không còn là "chuyện lạ" nữa. Nhiều du khách đến đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ khi bị "rình rập" và lôi kéo để mua hàng. Mới đây lại một loạt các vụ lừa đảo, chặt chém khách nước ngoài bằng cách lợi dụng lòng từ thiện, hay tăng giá cước vận chuyển... đã khiến cho hình ảnh Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi tới một đất nước xa lạ như Việt Nam, ngoài lo thất lạc hành lý, người nước ngoài đặc biệt sợ hãi việc bị cướp giật, móc túi, trộm tài sản. Kẻ xấu dễ lợi dụng sự cả tin và bất đồng ngôn ngữ để thừa nước đục thả câu. Tại Hà Nội, những vị khách Tây - vốn được nhiều quốc gia coi trọng và tiếp đón như thượng khách khi đến Việt Nam chẳng khác gì “con mồi”. Họ bị săn đón và bủa vây bởi nhiều đối tượng giăng bẫy, thậm chí ngang nhiên như trấn lột ngay trên phố cổ.

 


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hà Nội là điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam. Nhưng, đi taxi từ cửa ngõ là sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố đã bị móc túi. Dạo phố thì bị đội quân hàng rong chèo kéo, bị đánh giầy lột tiền, bị xích lô tính giá cước trên trời. Đã có nhiều khách du lịch rơi vào cảnh bị chèo kéo, thậm chí "cưỡng bức" phải mua hàng bởi các đối tượng bán hàng rong. Không ít người còn mất hết đồ đạc do gặp phải các đối tượng trộm cắp… tại nhiều địa điểm du lịch tại Hà Nội, đặc biệt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chính điều này đã dẫn đến việc có nhiều đoàn khách du lịch "quay lưng" với Hà Nội.  Không chỉ vậy, họ còn bị chặt chém khi dùng bữa ở Hạ Long, ở Vũng Tàu, bị cướp giật ở TP.HCM,...

Tất nhiên, đó chỉ là một trong số ít những hạn chế, mà có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào, nhưng đến mức để khách du lịch sốc, khiếp sợ, giận dữ,... thì đúng là khó có thể lấy lòng họ lại được trong ngày một, ngày hai.

Thịt chó

Đối với người nước ngoài, chó không chỉ là vật nuôi, chúng là người bạn tâm giao thân thiết. Vậy nên việc ăn thịt “người bạn” của mình quả là điều… không tưởng. Không khó để nhận thấy biểu hiện sửng sốt của bạn bè nước ngoài khi nhắc tới món thịt chó của người Việt.

5 điểm khiến Việt Nam "xấu xí" trong mắt du khách Tây - 6

Từ xa xưa, thịt chó đã là món khoái khẩu của người Việt, người ta cũng chỉ biết có thế và duy trì thói quen ấy tới tận bây giờ. Thịt chó còn được coi là món ăn giúp giải vận đen vào mỗi dịp cuối tháng. Là người Việt, vào bếp nhà ai chỉ cần ngửi qua mùi giềng, xả, mắm tôm, mẻ là có thể đoán trúng phóc gia chủ đang “đụng” chó và nuốt nước bọt ừng ực khi nghĩ tới mâm ‘cầy tơ 7 món’.

Mỗi năm có khoảng 5 triệu chú chó được các nhà hàng từ bình dân cho tới cao cấp ở Việt Nam tiêu thụ, chúng được sử dụng làm nguyên liệu cho các món “cầy tơ”.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Du lịch đơn điệu

Nhiều du khách đặt tour du lịch miền Tây để có cơ hội về với miền quê dân dã, tham quan vườn cây ăn trái sum suê, hồ sen ao cá, thưởng thức những bài đờn ca tài tử ngọt ngào, hoặc đến với chợ nổi Cái Răng để biết được không văn hóa sông nước của người dân miền Tây... Ngày khởi hành, họ rất háo hức bởi hình ảnh, tài liệu về các tỉnh Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ đẹp, thu hút. Tuy nhiên, khi đặt chân đến nơi, họ cảm giác hụt hẫng và thất vọng, bởi những nơi du khách đến đều thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Du khách đi miền Tây 1-2 ngày đầu không biết đi đâu khi ngủ qua đêm tại địa phương. Cùng với đó, Nha Trang nổi tiếng là thành phố biển làm du lịch tốt, mọi dịch vụ đều dễ dàng, giá rẻ. Thế nhưng, sản phẩm trong gói dịch vụ không phong phú. Các chuyến du lịch đảo được xem là đặc sản của Nha Trang nhưng lại theo một kiểu nhàm chán. Tàu hoặc thuyền đưa du khách từ đảo này đến đảo khác. Người du lịch như bị tra tấn khi cứ ngồi trên thuyền chòng chành tự hỏi "khi nào hết đảo" để được quay lại đất liền. Tại mỗi đảo không có hoạt động vui chơi hay phong cảnh thú vị ngoài những chiếc giường nằm phơi mình ngắm biển, uống nước giải khát.

Các nhân viên hiếm khi nào cười với khách và khi cười, nụ cười không tự nhiên và không gây thiện cảm. Nhân viên thường tỏ vẻ khó chịu khi khách yêu cầu một điều gì đó, một điều không thể chấp nhận được từ những người làm trong ngành du lịch và phục vụ. Từ “cảm ơn” và “xin lỗi” gần như không có hoặc hiếm khi nào nghe ở Việt Nam.

Đa số các khách sạn thường không có thông tin gì về địa phương để du khách khám phá. Nếu có thì thường là đại lý bán tour du lịch với giá cao hơn giá bên ngoài vài lần.

Hữu Thắng

(tổng hợp)