Vị ngon những món ăn của dân tộc thiểu số ở Miền tây xứ Nghệ
(Dân trí) - Cứ mỗi độ xuân về, đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ và du khách thập phương lại nô nức trẩy hội từ Hang Bua cho đến Đền Vạn hay Pu Nhạ Thầu… Đặc biệt, du khách được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của đồng bào.
Đến với các lễ hội du khách không những được tìm hiểu các phong tục tập tập quán của đồng bào dân tộc ở các miền sơn cước này mà còn được thưởng thức những món ăn lạ mà duy nhất mỗi năm chỉ có một lần trong lễ hội.
Đến với Lễ hội Pu Nhà Thầu (huyện Ký Sơn), Đền Vạn - Cửa Rào (ở Tương Dương) hay Hang Bua (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) du khách thập phương không chỉ biết đến những thiếu nữ Thái tuổi mười tám đôi mươi đẹp như những bông hoa rừng. Rồi đến những hoạt động trong lễ hội mang đậm chất bản sắc dân tộc đến ngỡ ngàng, vui vẻ và say đắm…
Và một cái đặc biệt đó là việc du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông,… với những món ăn: cơm lam, mọc cá bống, mọc rêu, thịt nướng, lám nhọc, ruột cá mát ăn với lá sung, thịt trâu luộc, măng đắng nướng, luộc, nòng nọc nấu sả, rượu cần,…
Ví như trong lễ hội Hang Bua có món cá nướng (gọi pá pinh), thịt gà, hò mọc, canh ột, bánh chưng xôi, thịt trâu khô… Đây là những món ăn trong mâm cỗ ngày tết của người Thái để cúng ông bà tổ tiên dù khó khăn hay giàu có đều có những món này để gửi lên ông bà tổ tiên cầu cho con cháu sức khỏe sang năm mới mạnh khỏe; làm ăn hơn năm cũ.
Trong quan niệm của người Thái ở tây Nghệ An mỗi khi tết đến dù con cháu có khó khăn như thế nào cũng phải gói bánh chưng, sắm cho được thịt gà, cá nướng, hò mọc để bày lên mẫm cỗ ngày tết cúng ông bà tổ tiên để báo cho tổ tiên biết tết đã đến xuân đã về. Nhưng món ăn này thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, sang năm mới ăn nên làm ra, có của ăn của để.