Vác “chợ” lên núi
Đường dốc đá gập ghềnh, có lúc dốc thẳng đứng, mồ hôi trong người họ đổ xuống mỗi bước chân nặng nề bám chặt vào đá núi.
Cứ thế, từ chân núi lên đến đỉnh, những cây nước đá, bao gạo, hàng thực phẩm,… theo vai người phu vác đến từng điểm phục vụ du khách. Nghề “bán mặt cho đá, bán lưng cho trời” này là việc kiếm cơm củahàng chục gia đình phu khuân vác từ nhiều năm nay.
Cheo leo sườn núi mưu sinh
Đội khuân vác khoảng hơn 40 người đàn ông làm việc “chuyên nghiệp”. Trong số họ, có những người đang ở tuổi thanh niên tràn trề sức vóc, có những người tóc đã chuyển màu. Mồ hôi hàng ngày vẫn ướt đẫm rơi dưới bước chân thấm từng bậc đá mà người phu bốc vác bước lên.
Dù ngày nắng hay ngày mưa, hòa vào dòng người hành hương lên chùa Bà là bóng dáng của những người phu khuân vác. Họ cắm cúi bước từng bước thật chậm. Lưng người nào cũng oằn xuống với những thùng hàng được chằng buộc cẩn thận. Những bước chân chậm rãi, cẩn trọng bước trên từng bậc thang lên ngọn núi cao 1.000 mét. Mồ hôi rơi ngay trước mũi giày, họ vẫn đều đặn bước.
Anh Đặng Văn Phước (46 tuổi) chia sẻ: “Với thù lao 35.000 – 50.000 đồng cho mỗi cây nước đá (tùy theo độ cao của điểm đến) hoặc khối lượng hàng hóa mang lên, mỗi ngày vác 5 – 6 chuyến hàng như vậy, cũng tạm đủ sống”. Những ngày cao điểm, nhất là vào tháng Giêng, những người phu khuân vác phải “chạy” đến 8 - 9 chuyến. Nhưng bù lại, sức lực của họ bị rút cạn kiệt từng ngày mà không có chuyện bảo hiểm rủi ro.
Công việc khó nhọc đòi hỏi người phu phải có sức vóc mới kham nổi. Tuy nhiên, phần lớn những người đàn ông này không lực lưỡng, lưng gầy khòm, bụng thóp lại.
Đoàn phu khuân vác lẫn trong dòng người, mắt dán chặt vào những bậc đá dưới chân. Sau khi giao đủ hàng cho chủ quán, phu khuân vác Đặng Văn Phước thở phào, nói: “Cực vậy, nhưng đến lúc quen rồi, hôm nào mưa gió không đi vác hàng thì lại thấy...nhớ nhớ. Lúc mới vào nghề, đi một ngày phải nghỉ 3, 4 ngày sau mới dám đi lại, bắp chân tê cứng vì vác nặng, lại phải leo núi. Giờ ngày nào cũng leo nên vác 50kg lên đến đỉnh chỉ mất chừng 45 phút”.
Chênh vênh những phận đời
Hầu hết những người phu vác ở đây là dân tứ xứ, đến cư trú ven chân núi và lấy nghiệp bốc vác làm kế sinh nhai. Có người chỉ làm một vài ngày vào những dịp lễ, cuối tuần khách hành hương, tham quan. Nhưng phần nhiều là bám trụ quanh năm suốt tháng, ngày đắt hàng nuôi lại ngày chợ vắng. Phu khuân vác không từ chối bất cứ yêu cầu nào của khách, từ gạo, nước tương, thùng trái cây, lễ cúng chùa,…
Phần lớn phu vác đều thừa nhận đây là một nghề cực kỳ lao lực. Họ phải cúi đầu lấy gáy làm điểm tựa, lấy vai làm giá đỡ vác từng cây nước đá, bao gạo,...lên đến đỉnh.
Anh Dương (32 tuổi) cho biết, lúc mới vào nghề anh chỉ dám vác những vật gọn như thùng nước ngọt hay bao gạo, thực phẩm. Vì những thứ ấy khi mỏi cũng có thể dừng lại nghỉ chân. Còn vác hàng hóa cồng kềnh thì không làm sao nghỉ giữa đường hay chen trong dòng người dày đặc. Khổ nhất là vác nước đá, phải chạy thiệt nhanh, nếu không nước đá sẽ tan hết.
Anh Dương cũng cho biết khi vác người phu phải tập trung và thật cẩn thận vì một chút sơ sẩy là có thể té ngã ngay.
Tranh thủ lúc nghỉ xả hơi, anh Thêm, 49 tuổi, kể chuyện “vượt núi” 10 năm qua của mình: “Không phải ai cũng làm nghề này được mà nếu tìm được nghề khác để làm thì cũng chẳng ai làm phu vác làm chi, cực lắm. Hằng ngày, tôi phải vác đá, vác gạo bước lên từng hòn đá nhấp nhô, lởm chởm. Đã có không ít lần bị té “lăn quay”, trật gân, trật khớp, cả gãy chân cũng “dính” rồi. Nhưng không thể bỏ nghề vì đây là việc hợp với người tha hương để mưu sinh”.
Vừa nói, anh Thêm vừa hì hục, liêu xiêu lê cây đá gần 50 kg ra khỏi nhà kho. Đôi bàn tay xương xẩu của anh nhanh nhẹn lau hết những bụi trấu bám trên cây đá, rồi lấy một lớp bọc cao su quấn quan cho thật chặt mới đặt lên vai vác đi. Thân hình nhỏ thó, gầy còm, đôi chân như đuối sức nhưng anh vẫn cố bước đi. Còn có một lý do khác làm anh Thêm không bỏ nghề, đó là: “Dù cực nhưng mình không bị ai sai bảo. Khỏe làm, mệt nghỉ, không lo bị ai đuổi”, anh Thêm dí dỏm nói.
Công việc khó nhọc ấy luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ và cả hậu quả được báo trước. Người mới vác chuyện bị ngã rách toạc cả tay chân, bong gân thậm chí gãy tay gãy chân là chuyện bình thường.
Mặc hiểm nguy chờ chực, những người phu khuân vác hàng ngày vẫn đều đặn vắt mồ hôi ở con đường núi này đã qua cuộc “sàng lọc” khắc nghiệt của nghề và hoàn cảnh. Miếng cơm manh áo đã ghì chặt đôi vai và bắt họ phải bước tiếp trên hiểm nguy để đi tới.
Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc. Nhìn xa núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Núi nằm trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh. Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ, được xem là “nóc nhà” Đông Nam bộ và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh |