Trở lại Sapa một ngày nắng đẹp

(Dân trí) - Lên Sapa một ngày có nắng dịu nhẹ, có mưa phùn se lạnh và có cả dư vị của một mùa đông sắp tới. Tôi lạc mình trước Sapa huyền ảo, bồng bềnh, cảm nhận Sapa với tâm trạng của một người say trong cảm để rồi bất chợt nhận ra: Sapa đã khác!

Đường lên Sapa không gập ghềnh, ghồ ghề nhưng những khúc uốn lượn làm cho chúng tôi như đang say trong men rượu của núi rừng nơi đây. Sapa nằm lọt giữa những đỉnh núi cao vút, có mây mù phủ trắng mộng mơ. Trong làn hơi sương nhè nhẹ, Sapa khiêm nhường lặng lẽ nhưng ẩn chứa một vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hoá ban tặng.
 
Sapa - một ngày nắng đẹp!

Dạo một lượt quanh chợ Sapa để mua sắm hàng thổ cẩm, trang sức để ngắm nhìn cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc

Lạ lùng thay! Trên từng cây số mà chúng tôi đi từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sapa mù sương, con người cảnh sắc thật đặc biệt, những cô gái Mông tay dắt dây cương của những con ngựa nhỏ bé.

Mỗi lần ngó đầu ra cửa xe để nhìn rõ hơn khuôn mặt đỏ bừng của người đàn ông và đôi chân lấm bẩn của người vợ Mông, lại bắt gặp ánh mắt tươi vui như quen lắm: “Đi đâu đó? Có khoẻ không?”

Giữa một thị trấn du lịch, chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh của những cô gái dân tộc vừa đi vừa xe sợi và bất giác thấy xốn xang khi nghĩ về câu nói của anh bạn đi cùng chúng tôi “ rằng một ngày cô cũng xe sợi may áo cho chồng nếu ở lại đất này”.

Cảm nhận Sapa những ngày đầu tuần, thị trấn này dường như tĩnh lặng hơn, lúc này du khách lên đây còn ít. Ban ngày Sapa nắng rất dịu nhẹ nhưng vẫn thấm lạnh khí trời vùng cao. Không ồn ào, không pha tạp các loại phương tiện, hầu như ở đây du khách ai cũng lang thang bằng đôi chân trần của mình.

Dạo một lượt quanh chợ Sapa để mua sắm hàng thổ cẩm, trang sức để ngắm nhìn cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc. Chợ Sapa chia thành hai gian, nhưng ấn tượng nhất là gian hàng của người Mông, bước vào đây như lạc vào thế giới đủ phẩm màu và sắc hoa của các loại trang phục. Điều lạ người bán hàng không chào mời khách mà cặm cụi làm những công việc thường nhật như ngôi xe sợi, may áo, cho con bú… khách thích mua gì thì lấy, xong rồi đưa tiền .

Bé con theo mẹ lên trị trấn bán hàng

Bé con theo mẹ lên thị trấn bán hàng
Phiên chợ Tình ở Sapa giờ đã thay đổi nhiều, không còn giữ được nét độc đáo, hoang sơ như trước

Phiên chợ Tình ở Sapa giờ đã thay đổi nhiều, không còn giữ được nét độc đáo, hoang sơ như trước

Tôi đặc biệt chú ý đến gian hàng của một bà cụ treo cặp kính dày cộp, thằng bé lấy của cụ một đĩa phim có tựa đề bằng thứ tiếng Anh rồi trả ba mươi nghìn đồng với khuôn mặt hồ hởi như vừa sưu tầm một thứ gì độc đáo lắm. Biết chúng tôi thắc mắc nó nhanh miệng nói ngay “tao mua đĩa phim người Mông về xem”. Hỏi ra thì mới hay những đĩa phim này được buôn bán từ Trung Quốc và Thái Lan, bà con Mông mua với giá rất đắt. Thế mới thấy đồng bào dân tộc vùng cao Sapa khao khát nghệ thuật thế nào!

Ngày đọng lại trong cảm xúc bằng cảnh sắc mê hoặc của núi Hàm Rồng, hồ Sapa và những cô bé nói “bồi” ngoại ngữ quá thạo. Đêm Sapa tràn về không khí giá lạnh hơn. Lúc này cả thị trấn rực sáng, du khách thả sức đi bộ để thưởng thức ẩm thực trên khu phố đồ nướng. Bên bếp than hồng trong cái lạnh của núi rừng vùng cao, nhấp một chút rượu để thấy trong lưỡi mình một chút ngọt ngào của hương vị lợn cắp nách, gà rừng, của trứng nướng và biết bao điều kỳ lạ khác.

Trong chuyến đi này, chúng tôi không chỉ cảm nhận Sapa bằng cảnh sắc mà muốn hoà mình vào cuộc sống thường nhật nơi đây. Khác với khu du lịch nghỉ dưỡng như Tam Đảo, Đà Lạt... Sapa vẫn giữ được cái vẻ đặc trưng vốn có. Nhưng trong cơn lốc thương mại hoá, du lịch Sapa vẫn găm những hạt sạn. Vẫn bắt gặp đâu đó hình ảnh những em bé, những cô gái Mông với trang phục sặc sỡ màu sắc mời gọi mời du khách chụp ảnh rồi giơ 2 ngón tay ra hiệu cho một cuộc ngã giá.

Ngay trước khách sạn Hoàng Liên, những đứa bé vùng cao tầm chưa đầy 10 tuổi mặt mũi nhem nhuốc, có cả một nghệ thuật “ mồi” khách Tây, khách ta mua những chiếc túi thổ cẩm, những chiếc vòng bạc bằng thứ tiếng Kinh, tiếng Anh bập bẹ. Nếu mua hàng cho chúng, may mắn sẽ nhận được nụ cười rất đẹp, còn không sẽ nhận được một câu chửi đổng bằng thứ tiếng không dịch nổi.

Chợ Tình hôm nay không còn là điểm hò hẹn của những chàng trai cô gái bản địa. Mà nó là điểm đến, điểm hoà mình của du khách, là nơi buôn bán, nơi trò chuyện, nơi tiếng cười của những người lạ lẫm. APhìn - một chàng trai Mông bức xúc tâm sự “Bây giờ tao với người yêu tao phải hẹn nhau ở vách đá, ở bờ suối chứ không lên Chợ Tình nữa, vì Chợ Tình bọn người Kinh chúng mày chiếm mất rồi”. Tự nhiên thấy đau lòng và bất giác tự hỏi “liệu ngày mai ngày kia Chợ tình còn tồn tại ở Sapa?”.

Bài và ảnh: Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm