Đề nghị thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch

(Dân trí) - Ngày 14/11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo Chính sách du lịch có trách nhiệm do Dự án “Chương trình phát triển năng lượng du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội thảo nhằm hướng tới việc thực hiện các giải pháp về du lịch bền vững và có trách nhiệm trong chính sách và vận hành, để kích cầu đối thoại công tư trong thiết kế chính sách nhằm phổ biến những chính sách phát triển du lịch cấp tỉnh, điểm đến. Du lịch có trách nhiệm là lựa chọn duy nhất đối với ngành du lịch mang tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng với những sản phẩm và dịch vụ tốt. Du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ mở ra thị trường cao cấp, gia tăng trải nghiệm của du khách và sự hài lòng của họ, đóng góp cho sự thịnh thượng của kinh tế và xã hội Việt Nam.

Thách thức từ tăng trưởng du lịch

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, trong suốt 2 thập kỷ qua, du lịch Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế; 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013, số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc đố đó, ước tính năm 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu đạt 195.000 tỷ đồng.  Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên gấp đôi, tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2013 đã cán đích trước 2 năm. Có thể thấy đây là bước tăng trưởng ấn tượng ngoạn mục trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch

Tuy nhiên cũng theo ông Tuấn, tăng trưởng du lịch đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nhưng nó cũng được xem là những thách thức không đơn giản đối với sự phát triển bền vững.

Đó là sự tăng trưởng về khách du lịch nói chung, đặt biệt là xu hướng du lịch đại trà dẫn đến phát triển quá mức, phát triển nóng ở một số nơi và phát triển không đồng đều giữa các địa phương tạo nên sự mất cân đối. Gia sự tăng sức ép lên môi trường do du lịch tăng trưởng: ô nhiễm, quá tải hoặc thiếu quản lý khai thác quá mức, bừa bãi tài nguyên du lịch và văn hóa.

“Thách thức trong việc giải quyết sự mất cân bằng trong phân chia lợi ích kinh tế do tăng trưởng du lịch mang lại: sự xung đột lợi ích giữa các ngành, giữa các địa phương, các nhóm đối tượng dẫn đến những tác động tiêu cực nhiều mặt. Sự xung đột về văn hóa, tiếp thu văn hóa lai căng, mất kiểm soát những thay đổi về lối sống, những tệ nạn xã hội…”, ông Tuấn cho biết thêm.

Chính sách thúc đẩy du lịch phát triển bền vững

Theo ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, gần đây du lịch có xu hướng chững lại, tốc độ phát triển không cao. Kỳ vọng về một ngành kinh tế mũi nhọn đang suy giảm. Một nguyên nhân chủ quan gây nên tình trạng này là chính sách phát triển du lịch còn chậm đổi mới, nhiều chính sách còn làm cản trở sự phát triển của du lịch, nhiều địa phương ban hành các chính sách cục bộ, áp đặt, phi du lịch…

Vì vậy, ông Bình đã đưa ra một số chính sách cần thiết triển khai để phát triển nhanh kinh tế du lịch. Đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể ban hành quy định các địa phương khi xây dựng quy hoạch phát triển du kịch phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và ý kiến các doanh nghiệp du lịch. Có quy định tách bạch các dự án bất động sản và dự án khách sạn, resort. Khi thẩm định dự án có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và Hiệp hội du lịch.

Hội thảo nhằm hướng tới việc thực hiện các giải pháp về du lịch bền vững
Hội thảo nhằm hướng tới việc thực hiện các giải pháp về du lịch bền vững

Đề nghị Chính phủ cho thành lập nhanh lực lượng cảnh sát du lịch, trước mắt là ở Hà Nội và TPHCM, sau đó ở các trung tâm du lịch cả nước. Lực lượng chuyên trách này không chỉ bảo vệ du khách mà còn đảm bảo cho các hoạt động du lịch được thuận lợi.

Bên cạnh đó cần tái thành lập Thanh tra chuyên ngành du lịch để bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các hoạt động du lịch. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch với một số ưu đãi về thuế, về phí để thúc đẩy du lịch đặc biệt là các mùa thấp điểm, các thời gian có khủng hoảng.

Khánh Hồng