Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 "ông lớn công nghệ" nhận thực tập

Lệ Thu

(Dân trí) - Vũ Đức Hùng chia sẻ về hành trình nỗ lực ròng rã để được các tập đoàn công nghệ danh tiếng Microsoft, Google, Snapchat, Stripe… "gọi tên" trở thành thực tập sinh. Tỉ lệ thành công chỉ là tầm 2%.

Thử thách khó nhằn nhất là phỏng vấn hành vi (behavioral interview)

Để đạt thành quả này trong vòng 2 năm, Hùng đã nộp đơn đến gần 300 công ty, được mời làm khoảng 20 thử thách lập trình (coding challenge), được 15 công ty mời phỏng vấn và kết quả là 8 lời mời phỏng vấn từ các công ty uy tín.

Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 ông lớn công nghệ nhận thực tập  - 1
Vũ Đức Hùng, chàng trai Việt nhận lời mời thực tập từ 8 công ty công nghệ danh tiếng Mỹ.

Sinh năm 1999, Vũ Đức Hùng tốt nghiệp THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam. Em hiện là sinh viên đại học trường Case Western Reserve University, Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ.

Nam sinh từng đạt Giải nhất Học sinh giỏi tin học thành phố Hà Nội năm 2017; Giải nhì Học sinh giỏi tin học thành phố Hà Nội năm 2016; Đứng thứ 6 trên 200 đội tại giải ICPC East Central North America 2019; Thành viên đội đại diện trường thi đấu ICPC North American Championship 2020.

Quyết định du học khá muộn, Đức Hùng vẫn nỗ lực giành vé vào 8 trường đại học Mỹ. Em chọn trường Case Western Reserve University theo đuổi chuyên ngành khoa học máy tính.

Lí do chàng trai Việt lựa chọn theo học trường Case Western Reserve University là bởi vì trường có đội ngũ giáo sư các ngành khoa học và kĩ thuật như khoa học máy tính, kĩ thuật y sinh, kỹ thuật cơ học đứng hàng đầu nước Mỹ giúp em có thể hiện thực ước muốn nghiên cứu chuyên sâu vào ngành khoa học máy tính, nhất là lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing).

Mùa hè 2020 em đã thực tập tại Microsoft và mùa thu vừa qua em đã thực tập tại Google về mảng kĩ thuật phần mềm.

Ngoài việc được nhận vào các công ty công nghệ của Mỹ, em còn tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. Em là Phó chủ tịch câu lạc bộ Khoa học máy tính của trường (Hacker Society) chuyên tổ chức các buổi tọa đàm về công nghệ, các cuộc thi lập trình, và định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên trong ngành.

Em còn là thành viên của đội lập trình đại diện cho trường thi đấu tại giải vô địch lập trình Bắc Mỹ với sự tham gia của 60 trường hàng đầu của Bắc Mỹ năm 2020.

Nhớ lại thời điểm giành loạt lời mời thực tập tại một số công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Microsoft, Google, Snapchat, Stripe, Salesforce, Etsy, Doordash,… Đức Hùng kể: "Em đã gần như mất ngủ một tuần trước khi nhận được lời mời đầu tiên đến từ Microsoft vì quá hồi hộp. Em vẫn nhớ khoảnh khắc mở email trúng tuyển của Microsoft lúc 5h sáng và em đã nhỡ đánh thức các bạn cùng phòng của em.

Cảm giác lúc đó với em rất thoải mái và nhẹ nhõm bởi vì sau bao nhiêu nỗ lực và thất bại, cũng có nhiều lúc em tưởng mình không làm được, đã được đền đáp bằng lá thư này.

Ước mơ được làm việc cho một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới cuối cùng đã thành hiện thực. Em luôn muốn được sử dụng kiến thức của mình để đóng góp một phần nhỏ cho những sản phẩm mà hàng triệu người dùng mỗi ngày".

Từ khi còn nhỏ, Đức Hùng đã biết đến các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ khi được sử dụng các phần mềm của họ như Microsoft Windows, Microsoft Office, Google Search, Gmail,…

Các sản phẩm này hỗ trợ em rất nhiều và em luôn hâm mộ những người có tạo ra nó. Chàng trai nuôi quyết tâm từ khi học trung học là sẽ trở thành một kĩ sư phần mềm để góp phần xây dựng những sản phẩm có ích như thế.

Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 ông lớn công nghệ nhận thực tập  - 2
Chàng trai Việt (thứ 2 từ trái sang), thành viên đội thi đấu ICPC North American Championship 2020.

Chính quyết tâm đó thôi thúc 9X Việt vào các trang tuyển dụng của các công ty để tìm kiếm các cơ hội việc làm và nộp hồ sơ qua đó. Em cũng có sử dụng thêm các nền tảng tuyển dụng khác như LinkedIn, Jumpstart, hoặc Glasssdoor. Ngoài ra các mạng xã hội như Reddit, Discord, Facebook cũng là những nơi cho em được nhiều thông tin về quá trình tuyển dụng của các công ty.

Cuối cùng, một phần không thể thiếu là kinh nghiệm và lời khuyên của các anh chị đi trước, có rất nhiều các anh chị người Việt đã và đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn, em thường hay liên lạc và hỏi thăm kinh nghiệm của họ.

Theo Đức Hùng, quá trình tuyển dụng của các công ty công nghệ khá là khắt khe và phức tạp, tuy nhiên, em có thể tóm gọn nó trong 3 bước: vòng nộp CV, vòng thử thách lập trình, và cuối cùng là vài vòng phỏng vấn chuyên môn.

"Đối với em, thử thách khó nhằn nhất đó là các vòng phỏng vấn hành vi (behavioral interview) để xem mình có phù hợp với văn hóa của công ty mình đang ứng tuyển hay không. Em nghĩ kĩ năng chuyên môn là rất cần thiết, nhưng kĩ năng phỏng vấn hành vi cũng là một kĩ năng mà nhiều người bỏ qua.

Em đã nhiều lần vượt qua được các vòng phỏng vấn chuyên môn nhưng lại phải dừng lại ở vòng phỏng vấn hành vi vì em không có sự chuẩn bị kĩ càng và nghiên cứu sâu về công ty mình đang ứng tuyển", Hùng cho hay.

Tỉ lệ thành công chỉ là tầm 2%

Đối với Microsoft, đó là lời mời thực tập đầu tiên em được nhận nên nó rất ý nghĩa với em. Sau khi phỏng vấn tại trường đại học của Đức Hùng, đội ngũ kĩ sư Microsoft mời em đến phỏng vấn tại trụ sở chính của Microsoft tại Seattle, Washington. Tập đoàn này chi trả hết tất cả các chi phí đi lại và ăn uống trong 3 ngày đến Seattle của em.

Ở vòng này, em trải qua hai cuộc phỏng vấn trực tiếp với các kĩ sư của Microsoft. Đặc biệt, cuộc phỏng vấn cuối cùng với một quản lí cấp cao khác hoàn toàn so với bất kì cuộc phỏng vấn nào em có trước đây.

Thay vì trả lời các câu hỏi mà vị quản lí này đưa ra, Hùng đã có một cuộc trò chuyện thú vị về hành trình đến với ngành công nghệ và đam mê của mỗi người. Đó cũng là lí do em nhận lời mời đến Microsoft sau này.

Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 ông lớn công nghệ nhận thực tập  - 3
Đức Hùng tại trụ sở tập đoàn Microsoft.

Google cũng là một quá trình nộp hồ sơ cực kì "đáng nhớ" của em, đáng nhớ là bởi vì quá trình này diễn ra trong hơn 1 năm ròng rã. Em đã nộp hồ sơ đến tận 4 lần và mãi đến lần cuối cùng em mới có cơ hội được làm việc thực tập ở Google. Lần đầu tiên, em không vượt qua được vòng nộp hồ sơ vì em chưa thực sự trau chuốt với CV của mình nên em quyết định phục thù năm tiếp theo bằng một CV nghiêm chỉnh hơn.

Trong lần thứ 2 này, em vượt qua được vòng CV và được gửi thử thách lập trình của công ty nhưng vì 1 lí do nào đó, em lại bị từ chối đến vòng phỏng vấn. Đến lần thứ ba nộp hồ sơ đến Google, em vượt qua được 2 vòng phỏng vấn lập trình của Google đặt một chân đến Google, chỉ còn vòng cuối là chọn dự án để thực tập cho kì thực tập mùa thu, nhưng không may mắn là dự án em được chọn vào bị hủy, và em lại lỡ hẹn với Google một lần nữa.

Phải đến tận lần cuối cùng em mới được chọn vào làm dự án của trình duyệt Chrome trên nên tảng di động Android. Tuy quá trình này diễn ra dài cùng với bao nhiêu lần thất bại, em rất vì em đã kiên trì chiến đấu đến cùng và giành được lời mời của Google như ngày hôm nay.

Đối với Stripe, đây là một trong những công ty hiếm hoi mà Hùng gặp nhiều khó khăn không thể trả lời hết những câu hỏi phỏng vấn của họ nhưng vẫn nhận được lời mời thực tập.

Hùng chia sẻ, điều đặc biệt ở những cuộc phỏng vấn của Stripe là em có cơ hội sử dụng các công nghệ và phần mềm của công ty qua đó biết rõ hơn về công việc hàng ngày của các kĩ sư.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong những cuộc phỏng vấn, các kĩ sư của Stripe lại rất tận tình hỗ trợ em qua từng câu hỏi, em được cảm giác như mình đang thực sự là một nhân viên của công ty.

Nhìn lại hành trình dài để đạt được mục tiêu của mình, Đức Hùng nghĩ rằng lời khuyên có ích nhất của em với bất cứ bạn trẻ nào tìm cơ hội thực tập ngành Khoa học máy tính ở Mỹ là hãy tự tin với chính bản thân mình và đừng bỏ cuộc. Để đạt được những lời mời thực tập kia, em đã phải trải qua rất nhiều thất bại.

"Em đã nộp đơn đến gần 300 công ty, được mời làm khoảng 20 thử thách lập trình, được 15 công ty mời phỏng vấn và kết quả là 8 thư trúng tuyển. Tỉ lệ thành công chỉ là tầm 2%, một con số cực kì thấp.

Ngoài ra, các bạn nên tích cực tham gia các cuộc thi, hội thảo, diễn đàn, và mạng xã hội công nghệ, qua đó mở rộng được mạng lưới liên lạc của mình.

Em có một nhóm bạn khá nhiệt tình trong việc này nên khi cần thông tin về các công ty bọn em có thể chia sẻ cho lẫn nhau, bọn em còn giúp nhau phỏng vấn thử rất nhiều nữa!", Hùng nhấn mạnh.

Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 ông lớn công nghệ nhận thực tập  - 4
Sau khi thực tập ở 2 tập đoàn công nghệ lớn là Microsoft và Google trong năm 2020, em quyết định đầu quân cho Snapchat và Stripe trong thời gian sắp tới.

"Lí do em chọn 2 công ty này là bởi vì em muốn thử sức mình ở những môi trường mới lạ và trẻ trung hơn. Cả Snapchat và Stripe đều là 2 công ty có tuổi đời khá non trẻ, không có nhiều nhân viên bằng Microsoft và Google, điều đó đồng nghĩa với việc em sẽ có nhiều cơ hội được trực tiếp phát triển các sản phẩm của công ty hơn".

Ở Snapchat, Đức Hùng sẽ làm trong mảng phát triển cở hạ tầng dữ liệu của công ty. Em rất hứng thú với mảng phát cơ sở hạ tầng triển dữ liệu (big data) và muốn theo đuổi nó trong tương lai.

Trong thời kì hiện đại này, dữ liệu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, với sự phát triển của công nghệ và các mạng xã hội, số lượng dữ liệu càng ngày càng lớn khiến xây dựng những hệ thống đáp ứng nhu cầu xử lí dữ liệu là một bài toán thú vị đối với em.

Còn ở Stripe, Hùng sẽ làm trong mảng thanh toán điện tử của công ty (Stripe xử lí 50% số lượng các giao dịch online ở Mỹ). Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh cuộc sống của con người, mua sắm và thanh toán cũng là một trong số đó.

Con người nay đã bắt đầu chuyển sang mua sắm online nhiều hơn, Stripe cung cấp những công cụ giúp các doanh nghiệp đơn giản hóa các thủ tục phức tạp trong việc thanh toán online.

Nộp 300 đơn ứng tuyển, 9X Việt được 8 ông lớn công nghệ nhận thực tập  - 5
Chiếc mũ dành cho thực tập sinh Google.

Ước mơ lớn nhất của Đức Hùng là đưa giáo dục đến nhiều người hơn nữa trên thế giới. Bởi vì em nhận thức được sự bất bình đẳng trong giáo dục hiện hành, có nhiều người có khả năng nhưng không được tiếp cận với các cơ hội học tập. Vì vậy, em có mong ước thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để đưa giáo dục đến tất cả mọi người.

"Em nghĩ một khi tất cả mọi người đều có cơ hội học tập như nhau, nhiều phát minh và ý tưởng đột phá sẽ được đưa ra hơn!", Hùng tâm sự.