GS Trương Nguyện Thành: “Kẻ gây bạo lực học đường ở Mỹ có thể bị bỏ tù”
(Dân trí) - GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Hoa Kỳ) cho hay, ở Mỹ bạo lực học đường, xâm hại người khác là vi phạm luật pháp (theo Luật Hình sự) và sẽ được xử lý theo luật hình sự của Chính phủ. Nếu trong trường hợp tương tự nữ sinh Hưng Yên bị bạn lột đồ đánh hội đồng giữa lớp, nhà trường Mỹ sẽ gọi cảnh sát. Cảnh sát đến lập biên bản và bắt các học sinh vi phạm bỏ tù (ở Mỹ có tù cho trẻ em).
Liên quan đến vụ một số vụ bạo lực học đường diễn ra liên tiếp gần đây, nổi lên là vụ nữ sinh Hưng Yên bị 5 bạn lột đồ đánh hội đồng giữa lớp khiến nhập viện, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS. Trương Nguyện Thành (công tác tại ĐH Utah, Hoa Kỳ) về vấn đề bạo lực học đường và biện pháp xử lý.
PV: Là một nhà giáo dục, giáo sư có suy nghĩ thế nào khi thời gian gần đây, học đường Việt Nam liên tục chứng kiến những vụ bạo lực mang tính chất nghiêm trọng. Điển hình gần đây nhất là vụ nữ sinh Hưng Yên bị 5 bạn lột đồ đánh hội đồng ngay giữa lớp học hay vụ nữ sinh lớp 7 ở Nghệ An bị bạn bắt quỳ, đánh hội đồng?
GS Trương Nguyện Thành: Những sự kiện ấy phản ảnh vấn đề xã hội chúng ta chưa coi trọng nhân cách đúng mức trong phát triển con người. Học đường là nơi các em thanh thiếu niên tuổi học phổ thông sinh hoạt phần lớn thời gian và đấy cũng là nơi các em thể hiện nhân cách của mình với những người xung quanh.
Thật sự ra bạo lực học đường thì ở nơi nào và thời điểm nào cũng có kể cả ở Mỹ và các nước tiên tiến. Khác biệt là ở cách xử lý và phương án giải quyết vấn đề.
Thời tôi còn học trung học, những mâu thuẫn giữa các học sinh thì rủ ra ngoài trường (đánh lộn) để giải quyết chứ không dám làm trong sân trường huống gì trong lớp vì sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc và thậm chí bị đuổi học.
Theo giáo sư, nguyên nhân gì khiến bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng diễn ra ngày một phổ biến như vậy?
Một số nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy trẻ em ngày nay bỏ nhiều thời gian chơi video game trên máy tình hay trên điện thoại thông minh.
Các trò chơi này thường có nhiều cảnh bạo lực hoặc người chơi tham gia hoạt động trên trò chơi. Những hoạt động ấy gây thích thú vì cơ thể tiết ra kích thích tố và do đó các trò chơi bạo lực có khả năng gây nghiện.
Khi người chơi tham gia các hoạt động này thì tâm lý sẽ dần trở nên vô cảm với những hành vi bạo lực và từ đó dể dàng đem những hành động trong thế giới ảo ra ngoài đời thật. Nói một cách khác giới trẻ chơi video game bạo lực thì dần trở nên vô cảm và có khả năng trở nên bạo lực.
Có những sự việc bị che giấu một phần do nạn nhân không dám lên tiếng dù bị bắt nạt nhiều lần vì sợ bị trả thù, nhưng cũng có trường hợp thầy cô biết nhưng vẫn im lặng, không can ngăn, thậm chí bao che, xí xóa sự việc để bảo vệ danh dự của nhà trường và đội ngũ sư phạm... Vậy lỗi chính ở đây thuộc về ai, thưa ông?
Điều quan trọng trước tiên đó là nạn nhân không có lỗi. Vấn đề ở đây giống như một tế bào ung thư, thật sự đây là tế bào ung thư xã hội. Nếu không giải quyết một cách trực diện thì nó ngày càng trầm trọng và đến một lúc không thể chữa nổi. Chối bỏ sự hiện diện của nó cũng giống như tự chối bỏ trách nhiệm.
Lỗi thuộc về ai tôi cho không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta giải quyết vấn đề như thế nào để tương lai nó không trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề liên quan đến giáo dục gia đình và giáo dục phổ thông do đó nhà trường, cha mẹ các em bạo lực, cá nhân các em bạo lực và chính quyền cần đưa ra phương án giải quyết.
Còn gia đình của có "vô can" trong các sự việc bạo lực học đường?
Như bạo lực gia đình chúng ta không nên dung thứ cho biện luận “Tại vợ làm chồng giận lên làm chồng mất kiểm soát và do đó chồng đánh vợ phải nhập viện”.
Khả năng kiểm soát cảm xúc là một trong những kỷ năng cần thiết cho con người trong một xã hội văn minh. Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết trẻ em thể hiện hành vi bạo lực trong học đường thường xuất phát từ môi trường gia đình không được yêu thương và kể cả bạo lực. Ở học đường các em bộc lộ những cảm xúc bị ức chế ở nhà.
Đối với bạo lực và bắt nạt học đường, nước Mỹ sẽ xử lý như thế nào thưa giáo sư?
Ở Mỹ hành vi xâm hại người khác là vi phạm luật pháp (theo Luật Hình sự) và sẽ được xử lý theo luật hình sự của Chính phủ.
Ví dụ trong trường hợp nữ sinh Hưng Yên bị bạn lột đồ đánh hội đồng giữa lớp ở Việt Nam, nhà trường Mỹ sẽ gọi cảnh sát. Cảnh sát đến lập biên bản và bắt các học sinh vi phạm bỏ tù (ở Mỹ có tù cho trẻ em).
Nếu trên 16 tuổi và sự kiện nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử như người lớn. Nếu không thì sẽ xử ở tòa dành riêng cho người dưới tuổi vị thành niên.
Hình phạt cho trẻ vị thành niên thì nhẹ hơn cho người lớn và thường chú tâm hơn đến vấn đề đào tạo hơn như phải qua chương trình đào tạo của chính phủ.
Ví dụ, hình phạt có thể ở tù từ tuần đến vài tháng, tiền phạt vài trăm đô, làm công tác cộng đồng như làm vệ sinh công cộng vài chục đến vài trăm giờ và qua chương trình đào tạo nhân cách của Chính phủ từ vài tuần đến tháng. Đôi lúc cha mẹ phải tham gia một số khóa học.
Thêm nữa gia đình nạn nhân có thể tố nhà trường đã không đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh và do đó nhà trường phải rất nghiêm minh không thể giấu nhẹm sự việc được. Nhà trường thường có quy tắc three-strike (không quá 3 lần), nếu học sinh vi phạm kỷ luật quá 3 lần sẽ bị đuổi ra khỏi trường.
Kỷ luật hay hình phạt chỉ áp dụng khi sự việc đã xảy ra rồi để răn đe làm gương, vậy theo ông, chúng ta cần có những biện pháp gì để loại bỏ/ giảm tối đa bạo lực học đường?
Chúng ta thường nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nếu nó là bệnh ung thư thì xác suất người bệnh chết rất cao! Do đó biện pháp kỷ luật chỉ là phương án “chữa cháy”.
Như tôi nói trên chúng ta nên nâng cao tầm quan trọng của nhân cách trong xã hội và từ đó đưa đến việc cần phải giáo dục nhân cách trong gia đình.
Nhà trường đề cao giá trị nhân cách của học sinh không chỉ kiến thức thì không lâu tôi nghĩ sẽ giảm lần bạo lực học đường và kể cả bạo lực xã hội sau khi các em ra trường.
Xin cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!
Lệ Thu