Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Mới đây, Linh Phạm – cô gái 9X đã gây tiếng vang với triển lãm Bảo tồn và phát triển nghề dệt chiếu lác (cói) của Việt Nam trên đất Mỹ.

Linh Phạm tên đầy đủ là Phạm Hồng Linh, sinh năm 1992, tại Việt Nam. Cô đã hoàn thành khóa cử nhân kinh tế tại Đại học Brown (Mỹ) và Thạc sỹ Truyền thông trực quan tại đại học Royal College of Art (Anh quốc).

Cô đồng thời cũng là cựu sinh viên trường School of Poetic Computation (NY, Mỹ). Cô quan tâm đến việc tạo ra các môi trường giao tiếp mang tính cảm giác và tương tác nhằm kết nối và giao tiếp với nhau.

Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ - 1

Linh Phạm là nghệ sỹ kiêm nhà thiết kế ở Boston.

Một số tác phẩm của cô, bao gồm những khám phá về sự gắn bó tình cảm của con người với smartphone, phân biệt giới tính đằng sau các thuật toán nhận diện khuôn mặt và phỏng đoán tội phạm, và sử dụng mã để làm thơ.

Sau 10 năm xa Việt Nam, có cuộc sống ổn định ở miền Đông Bắc của Mỹ nhưng Linh Phạm chưa bao giờ nguôi hy vọng sẽ sử dụng các kỹ năng và kiến thức của mình đã lĩnh hội được để xây dựng quê hương, giúp đỡ người dân Việt Nam.

Hiện Linh Phạm là nghệ sỹ kiêm nhà thiết kế ở Boston, người tập trung vào giao tiếp trải nghiệm được hội tụ qua nghệ thuật, công nghệ và văn hóa.

Gần đây, cô đang thiết kế xe tự lái, nhằm làm tăng tính linh hoạt của xe trong tương lai. Cô rất thành công với việc đưa công nghệ vào các các tác phẩm nghệ thuật và văn hoá.

Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ - 2
Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ - 3
Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ - 4

Các tác phẩm trong triển lãm của Linh Phạm.

Vừa qua, Linh Phạm đã tổ chức một cuộc triển lãm trên đất Mỹ về chiếu lác (cói) của làng Cẩm Nê, xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, triển lãm là sự hoài niệm về tuổi thơ, về những người nông dân lam lũ với nghề thủ công truyền thống đang dần mai một với mong muốn lưu lại một di sản, một làng nghề truyền thống trong ký ức của Linh Phạm về quê hương.

Được biết, toàn bộ tiền thu được từ bán tranh ở triển lãm lần này, sẽ được cô gửi về tặng lại bà con nhân dân làng Cẩm Nê - nơi tạo nguồn cảm hứng cho cô sáng tác tác phẩm dự thi.

"Khi còn nhỏ, tôi sống ở Việt Nam và như nhiều gia đình khác thời đó, mỗi bữa ăn, gia đình tôi thường đoàn tụ trên chiếu dệt bằng cói.

Đôi lúc, bữa tối kéo dài đến mức vết lằn của những sợi cói trên chiếu in hằn trên da tôi, dấu vết của thời gian bên nhau, ký ức ấy sâu đậm ấy tôi chẳng thể nào quên...

Tôi vẫn mong về Việt Nam, lại được đến thăm và tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt chiếu ở làng Cẩm Nê, trở về với kỷ niệm xưa. Và tôi hiểu rằng, dệt chiếu ở Việt Nam là một nghề thủ công, gian nan nhọc nhằn nhưng có truyền thống tới cả ngàn năm", Linh Phạm chia sẻ.

Cô gái 9x gây tiếng vang với triển lãm chiếu cói Việt trên đất Mỹ - 5

Linh Phạm luôn mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về nghề dệt chiếu ở làng Cẩm Nê.

Tọa lạc ở mảnh đất di sản Quảng Nam, Cẩm Nê được biết đến như là một làng nổi tiếng với loại chiếu lác (cói) dệt tay tỉ mẩn và sặc sỡ sắc màu, một thời là những sản phẩm yêu thích của vua chúa Triều Nguyễn.

Để có một chiếc chiếu, phải mất rất nhiều công đoạn, từ làm lác đến làm đay, nhuộm rồi dệt, mà phải một ngày hai người mới dệt xong một chiếu chiếu hoa.

Người chao cói, người đập, cứ thế, từng sợi, từng sợi, trên khung cửi thủ công đơn giản. Tiếng sột soạt của cói và tiếng cót két của khung cửi chính là nhịp đập trái tim của cả làng cói Cẩm Nê vậy.

Ngày nay, người của làng đi làm ăn khắp nơi, số hộ dân sống bằng nghề dệt chiếu mai một dần. Chỉ còn một số người già ở làng vẫn dệt chiếu thủ công, một số gia đình vẫn theo nghề nhưng dệt chiếu bằng máy, nghề thủ dệt chiếu thủ công truyền thống đang dần dần mất đi...

Nhưng với Linh Phạm, một người luôn nhớ về tuổi thơ, thấm đẫm tình thân của gia đình, nhớ lắm những tối cả nhà quây quần trên chiếc chiếu cói, đã nghiên cứu để viết code, để vẽ lại về nghề dệt chiếu cổ truyền của dân tộc.