9X Việt nhận loạt lời mời thực tập từ hơn 10 công ty công nghệ đình đám Mỹ
(Dân trí) - Lê Tuấn Dũng đã giành loạt lời mời thực tập tại hơn 10 công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Citadel, Facebook, Microsoft, Amazon, Tesla, Nvidia, Snapchat, Uber, Akuna Capital, Roblox, Quora…
Lê Tuấn Dũng, sinh năm 1999, cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, hiện là sinh viên đại học trường University of Rochester, Hoa Kỳ. Em cũng là thành viên Hiệp hội Kĩ thuật Tính toán Hoa Kỳ (Association for Computing Machinery); thành viên Viện Kỹ thuật Điện và Điện Tử Hoa Kỳ - Khoa Máy Tính (IEEE Computer Society); thành viên đội tuyển ACM - ICPC tại Kì thi Lập trình Quốc tế Bắc Mỹ (NAC)...
Tốt nghiệp THPT, Tuấn Dũng trúng tuyển vào nhiều trường đại học Mỹ như University of Rochester, Northeastern University, Case Western Reserve University, Syracuse University, University of Minnesota, University of Massachusetts Amherst, Worcester Polytechnic Institute, University of Miami - Ohio, Drexel University, …
Chàng trai Việt chọn theo học Đại học Rochester - nơi cấp cho em mức học bổng hơn 5,2 tỷ đồng (204.000 USD). Ngôi trường rất mạnh về nghiên cứu về AI/ Machine Learning và hệ thống, với rất nhiều giáo sư đầu ngành có nhiều nghiên cứu cũng như đảm nhiệm cương vị lớn ở những tổ chức có uy tín về Khoa học máy tính như ACM, IEEE, CRA, … Điều này phù hợp với định hướng của Tuấn Dũng trước khi vào trường: thiên hướng mạnh về học thuật và làm nghiên cứu.
Sang Mỹ, Tuấn Dũng tham gia một số cuộc thi về lập trình để thỏa mãn đam mê đồng thời thử sức mình với bạn bè quốc tế như: Google Tech Challenge, Google Cloud Hero Challenge.
Ngoài ra em cũng là thành viên đội tuyển ACM của trường cùng 2 bạn học, thay mặt trường đại học tham dự giải ACM - ICPC các cấp khu vực và quốc gia: Tây New York, khu vực Đông Bắc Mỹ, và cấp toàn quốc Mỹ (tổng hơn 500 đội từ các vòng).
Mới đây, Tuấn Dũng xuất sắc loạt lời mời thực tập tại hơn 10 công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Citadel, Facebook, Microsoft, Amazon, Tesla, Nvidia, Snapchat, Uber, Akuna Capital, Roblox, Quora,…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc chinh phục được loạt công ty hàng đầu mời thực tập của chàng trai Việt là điều không nhiều bạn trẻ làm được.
Tuấn Dũng tâm sự: "Mặc dù trong lúc phỏng vấn em có cảm giác mình diễn đạt khá mạch lạc và kết nối tốt với người phỏng vấn và sứ mệnh của các công ty, em vẫn thực sự rất bất ngờ khi nhận được nhiều lời mời đến vậy".
Mỗi khi có kết quả tốt từ một công ty, nam du học sinh đều gọi điện về thông báo cho gia đình, những người đã ở bên cạnh và giúp đỡ em trong những khoảng thời gian rất mệt mỏi và khó khăn, phải cân bằng giữa việc học tập trên lớp, làm dự án, tham gia kết nối mạng lưới quan hệ và tập cho phỏng vấn.
"Nhưng hơn ai hết thì em hiểu được là công sức của mình em sẽ không bao giờ đủ nếu không có sự trợ giúp và chỉ bảo từ những anh chị đi trước, nên em cảm thấy rất biết ơn những người đã luôn sẵn sàng giúp đỡ em mỗi khi em cần trong quá trình chuẩn bị, nộp hồ sơ và đặc biệt là những người bạn luôn luôn đồng hành bên cạnh với những lời động viên và khích lệ", Dũng nói.
Có thể nói, thành quả nhận được những lời mời thực tập danh giá của Tuấn Dũng là nỗ lực cố gắng từ sớm. Em biết đến cơ hội thực tập của các công ty này khá sớm thông qua việc kết nối và hỏi han các anh chị đi trước.
Điều khá may mắn cho những ai học bộ môn Computer Science (Khoa học máy tính) là cộng đồng người Việt làm công nghệ bên Mỹ đông đảo, rất sẵn sàng giúp đỡ các em lứa sau.
Ngoài ra tìm tòi những bản tin việc làm ở LinkedIn, em còn chịu khó tham gia nhiều diễn đàn của các bạn học sinh chuyên ngành được lập ra để giúp mọi người tìm việc làm như Jumpstart, CS Majors và cscareers.dev (Discord).
Để chinh phục các nhà tuyển dụng hàng đầu, Tuấn Dũng đã phải vượt qua nhiều thử thách. Theo Dũng, thường quy trình tuyển dụng của các công ty sẽ được chia thành các giai đoạn: Nộp hồ sơ -> Làm đánh giá trực tuyến - Online Assessment (OA) -> Phỏng vấn với Recruiters (nhà tuyển dụng) (Vòng này có thể có hoặc không) -> Phỏng vấn kỹ thuật chuyên môn - Technical Interview 1 -> Technical Interview 2 (vòng này có thể có hoặc không) -> Vòng phỏng vấn cuối - Finals Onsite Interview -> Phỏng vấn từ Ban quản lý nhóm/ phòng/ ban (Vòng này có thể có hoặc không) -> Lời mời thực tập/ từ chối tuyển dụng.
Đa số những công ty mà em ứng tuyển em đã đi theo lộ trình gồm có Nộp hồ sơ, làm OA, 2 hoặc 1 vòng phỏng vấn chuyên môn, một vòng phỏng vấn cuối, và cuối cùng là nhận được lời mời hoặc thư từ chối.
Năm 2021 này một số công ty có yêu cầu làm thêm một vòng phỏng vấn với Karat, và họ sẽ phỏng vấn mình những kiến thức cơ bản về lập trình và thuật toán trước khi quyết định liệu mình đủ trình độ để phỏng vấn tiếp hay không.
Một số công ty có vòng Manager Interview (phỏng vấn với người quản lý) cho phòng/ ban/ nhóm cụ thể, tức là sẽ cố tìm xem ứng viên có hợp với nhóm hay dự án nào của công ty không trước khi đưa ra quyết định lời mời hay từ chối.
Đối với Tuấn Dũng, cửa ải khó nhất của em là phải qua được vòng hồ sơ bởi tỉ lệ cạnh tranh ở vòng này sẽ là cao nhất. Các nhà tuyển dụng sẽ lọc hồ sơ của ứng viên và quyết định xem có cho ứng viên đi tiếp vào các vòng sau hay loại luôn hồ sơ của ứng viên đó.
"Để được các nhà tuyển dụng chú ý luôn là việc khó khăn vì hồ sơ của em phải cạnh tranh rất nhiều hồ sơ đẹp của các bạn khác tới từ những trường cao hơn và cao nhất, trong nước Mỹ và toàn thế giới", Dũng cho biết.
"Hé lộ" về vòng tuyển dụng của Microsoft, Tesla và Akuna Capital…
Khi được hỏi về 3 công ty khiến em ấn tượng nhất về quy trình, cách thức tuyển dụng, Tuấn Dũng cho biết đó sẽ là 3 cái tên: Microsoft, Tesla và Akuna Capital.
Với Microsoft, sau khi trải qua vòng phỏng vấn đầu tiên ở trường, họ mời Tuấn Dũng bay qua trụ sở của Microsoft và đài thọ toàn bộ chi phí đi lại và ăn uống để phỏng vấn trực tiếp với người quản lý và đội Cloud & AI.
Đáng nói, trong vòng phỏng vấn cuối này em phải trải qua 3 vòng nhỏ liên tục (trong vòng 4 tiếng) với 3 người khác nhau, với những câu hỏi bao trùm rất nhiều khía cạnh của bộ môn khoa học máy tính như tư duy giải thuật và lập trình, code convention (là tập hợp những nguyên tắc chung khi lập trình nhằm làm cho code dễ đọc, dễ hiểu - PV), phong thái làm việc, và cách giải quyết những vấn đề nội bộ với quản lý và các nhân viên khác trong những tình huống giả định.
Với riêng chàng trai Việt, họ còn yêu cầu một vòng trình bày dự án mà em đã làm trong hồ sơ ứng tuyển, vì họ rất quan tâm tới vấn đề mà dự án đang giải quyết cũng như những khó khăn về mặt con người cũng như kĩ thuật mà nhóm đã gặp phải trong quá trình xây dựng đội ngũ và phát triển sản phẩm.
Với công ty Tesla, Tuấn Dũng được gọi phỏng vấn khá muộn, vào chỉ 3 tháng trước khi kỳ thực tập bắt đầu. Lúc này bên Mỹ đang bùng dịch Covid-19 nên tất cả quá trình phỏng vấn với Tesla đã diễn ra online, và em không được bay qua tham quan Gigafactory và văn phòng làm việc của đội.
Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này, ngoài việc ôn tập về giải thuật, Tuấn Dũng đã đọc nhiều và viết nhiều tài liệu về Data Infra & Distributed Computing (Cơ sở hạ tầng dữ liệu và Điện toán phân tán) cho các trang web phải chịu lượng tải lớn cũng như các hệ thống xử lý Big data (Dữ liệu lớn).
Ngoài ra, em còn bắt tay vào xây dựng và phát triển một chiếc xe tự lái bản thu nhỏ có kích thước 1/10 xe thật, được chạy thử và kiểm nghiệm thực tế ngay trong chính phòng ký túc xá của mình.
"Ngoài kỉ niệm về việc phải chuẩn bị rất gắt gao cho vòng phỏng vấn với Tesla, một ấn tượng vô cùng khó phai của em với quy trình phỏng vấn của công ty là có sự tham gia của tỷ phú Elon Musk cũng như cũng như Văn phòng Kỹ sư phần mềm Software Engineer của công ty cho vòng phỏng vấn cuối cùng.
"Về chủ đề của cuộc nói chuyện, em xin phép được giữ kín vì em đã ký Thỏa thuận bảo mật thông tin với công ty, nhưng ấn tượng về buổi phỏng vấn đó sẽ mãi đi theo em trong quá trình theo đuổi giấc mơ ở Mỹ sau này", Tuấn Dũng chia sẻ.
Công ty thứ 3 gây ấn tượng với nam du học sinh Việt là Akuna Capital, vốn không nổi tiếng trong ngành như hai công ty trên, nhưng Tuấn Dũng đặc biệt thích quy trình tuyển dụng của công ty vì những câu hỏi được đưa ra trao đổi đều rất hay và khó.
"Trong hơn 20 công ty mà em phỏng vấn cho kì thực tập năm nay, Akuna Capital là công ty duy nhất lồng vào trong vòng phỏng vấn cuối cùng một câu hỏi về Thiết kế hệ thống (System design).
Mặc dù không thể tiết lộ chính xác câu hỏi, nhưng có thể nói rằng những câu hỏi về thiết kế hệ thống yêu cầu người trả lời phải có kiến thức sâu về thiết kế modules, kiến trúc hệ thống, APIs, cơ sở hạ tầng để đảm bảo cân bằng tải và mở rộng quy mô, đáp ứng được những yêu cầu mà người phỏng vấn đưa ra.
Cá nhân em luôn cảm thấy rất thích thú với những câu hỏi kiểu như vậy, vì nó cho em không gian để sáng tạo, phân tích, trao đổi, và học hỏi tư duy thiết kế và giải pháp phần mềm với những người có kinh nghiệm rất dày dặn hơn từ những công ty lớn", Dũng hé lộ.
Hiện, Tuấn Dũng hoàn thành xong 2 kì thực tập ở Amazon và Tesla, em đang làm cho Facebook và sắp tới em sẽ qua Citadel.
Nói về lý do chọn những công ty này cho kỳ thực tập, Tuấn Dũng cho biết, những vấn đề họ đang giải quyết thực sự rất hấp dẫn với em là một lập trình viên trẻ tuổi (Amazon: điện toán đám mây hay nền tảng hạ tầng cho các chương trình và phần mềm; Tesla: thiết kế và cải thiện phần mềm cho nền tảng xe tự lái Autopilot, giúp chuyển đổi công nghệ chạy xăng sang chạy điện an toàn với môi trường; Facebook: thiết kế và cải thiện khả năng truy vấn dữ liệu lớn cho khách hàng cũng như các đội phát triển khác của công ty; Citadel: nghiên cứu và phát triển công nghệ giúp định lượng thay đổi tài sản và tạo lợi nhuận cho các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường tài chính).
Khi làm việc ở những công ty này, em được học cách làm việc nhóm hiệu quả, trau dồi khả năng lập trình, học những công nghệ mới nhất, và được cạnh tranh với những người giỏi nhất.
Đó cũng là cách mà Tuấn Dũng lát những viên gạch để đi tới ước mơ lớn nhất của em: Tiếp thu kiến thức và kỹ năng ở Mỹ để trở về Việt Nam góp sức mình xây dựng hệ thống, cơ sở hạ tầng và những sản phẩm công nghệ của riêng Việt Nam.