Yêu cầu của vị khách lúc 0 giờ khiến hướng dẫn viên phát hoảng

12 giờ đêm, một vị khách gọi cho anh Trường yêu cầu anh chuẩn bị nước nóng tắm, đồ ăn đêm cho vợ chồng ông ta.

Anh Ngô Xuân Trường (SN 1994, quê Thanh Hóa) có thời gian 5 năm làm hướng dẫn viên tự do cho các công ty du lịch ở Hà Nội.

Anh tâm sự: “Nghề hướng dẫn viên du lịch được đi nhiều nơi, gặp gỡ tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên cũng không ít lần các hướng dẫn viên phải “nuốt ngược" nỗi uất ức vào trong khi gặp những vị khách khó tính".


Anh Ngô Xuân Trường trong một chuyến dẫn khách vào Huế tham quan (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Anh Ngô Xuân Trường trong một chuyến dẫn khách vào Huế tham quan (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Theo anh Trường, các hướng dẫn viên du lịch khi dẫn đoàn thường phải tất bật phục vụ, chuẩn bị mọi việc từ bữa ăn, giấc ngủ cho khách.

“Mang tiếng là đến các cảnh đẹp nhưng chúng tôi đâu có thời gian vãn cảnh. Dù nhiều lúc đói và mệt nhưng hướng dẫn viên vẫn phải mỉm cười, vận động hết công suất… ”, anh Trường trải lòng.

Anh Trường cho biết, công việc vất vả là vậy nhưng có sai sót dù là nhỏ nhất thì các du khách cũng thường tìm đến hướng dẫn viên chỉ trích đầu tiên. Nhiều khách hàng sẵn sàng xúc phạm hướng dẫn viên bằng lời lẽ vô cùng thô tục.

Chưa hết, khi khách hàng báo về công ty, các hướng dẫn viên có thể bị cắt lương hoặc đuổi việc.

Kỷ niệm khiến anh Trường nhớ đến bây giờ là lần dẫn đoàn công nhân của một doanh nghiệp sản xuất linh kiện Hàn Quốc đi nghỉ mát ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đoàn công nhân này chủ yếu là nữ.

Ảnh: Windy City Travel
Ảnh: Windy City Travel

Theo hợp đồng của lãnh đạo công ty với nhà cung cấp dịch vụ du lịch, chỉ tiêu phòng ngủ cho mỗi công nhân chỉ giới hạn trong 200 nghìn/người. Vì vậy, phía nhà cung cấp dịch vụ du lịch chỉ đặt phòng loại bình dân cho khách.

Suốt cuộc hành trình, anh Trường và đoàn khách khá vui vẻ nhưng đến khách sạn nhận phòng thì anh Trường bị một nữ công nhân thẳng tay “xử lý” vì tội để chị ta ở trong căn phòng chật chội, rẻ tiền.

Anh Trường chia sẻ: “Lúc đó, tôi vừa bố trí cho mọi người nhận phòng, đang lên thực đơn ăn trưa cho đoàn thì một chị khoảng 45 tuổi, thân hình to béo, tính tình có vẻ nóng nảy, chạy trên tầng xuống, ném chiếc vali vào người và tát tôi một cái.

Chị này mắng xối xả, bảo tôi coi thường họ là công nhân nên cho họ ở khách sạn tồi tàn”.

Vẫn theo lời anh Trường, nữ công nhân này sau đó bắt anh Trường phải bố trí cho chị ta ở một mình, thuê một phòng khách sạn hạng sang ở bên cạnh nếu không nữ công nhân này sẽ khiếu nại về công ty.

Thấy yêu cầu của khách hàng thái quá, anh Trường phải gọi trưởng đoàn công ty đó đến, đưa hợp đồng cung cấp dịch vụ ra, nữ công nhân này sau đó không dám phản ứng nữa mà tự xách đồ đi thuê phòng khác ở.

“Nguyên tắc của các công ty du lịch là khách hàng luôn luôn đúng vì thế khi thấy khách hàng nóng giận, chúng tôi thường phải khéo léo, lựa lời giải thích cho họ hiểu”, nam hướng dẫn viên bộc bạch.

Một nam đồng nghiệp của anh Trường còn bị khách hàng quấy nhiễu, đưa ra yêu cầu “quái gở” khiến anh này phải cầu cứu lễ tân khách sạn.

Lần đó, bạn anh Trường dẫn đàn khách 30 người từ TP.HCM đi Hạ Long, Quảng Ninh trong 4 ngày 3 đêm.

Trong đoàn có hai vợ chồng ở độ tuổi trung niên. Người chồng rất ham mê bơi lội, thể thao vì vậy khi vừa đến nhận phòng, ông ta đã rủ anh Trường đến địa điểm chơi quần vợt cùng ông ta.

Anh Trường thấy không thể phục vụ riêng một người mà bỏ mặc 29 người còn lại trong đoàn nên anh bố trí xe đưa vị khách này đến điểm chơi quần vợt, còn mình chuẩn bị bữa tối cho đoàn.

Đến 12 giờ đêm, anh Trường vừa chợp mắt, lấy sức cho ngày kế tiếp thì điện thoại anh bất ngờ đổ chuông.

Vị khách trung tuổi lúc sáng gọi cho anh, bảo ông ta đang trên đường về khách sạn. Ông ta yêu cầu anh chuẩn bị nước nóng tắm và đồ ăn đêm cho hai vợ chồng họ. Nam hướng dẫn viên thấy vậy, liền gọi điện cho lễ tân khách sạn chuẩn bị giúp.

Hôm sau, vị khách này phàn nàn, trách móc anh Trường không chu đáo. Ông ta gay gắt nói rằng, ông ta cho phép hướng dẫn viên chuẩn bị đồ chứ không cho lễ tân phục vụ.

Những ngày còn lại, anh Trường đành phải tự tay phục vụ, chăm sóc từ chiếc khăn tắm đến dầu gội đầu cho người khách này. Vì nếu không làm, ông ta đe dọa sẽ phản hồi về công ty là hướng dẫn viên không hoàn thành trách nhiệm. Khi đó, anh Trường sẽ bị công ty khiển trách và trừ lương.

Một tai nạn khác, khiến anh Trường thấy mình bị tổn thương nặng nề là lần anh dẫn khách du lịch đi Quy Nhơn. Nam hướng dẫn viên này từng nhiều lần đặt chân đến đây nên biết được những điểm ăn ngon, điểm mua quà tặng giá cả phù hợp.

Nam hướng dẫn viên vì muốn điều tốt cho khách nên dẫn họ đến đó. Không ngờ mấy vị khách nhìn anh đầy nghi hoặc, có người còn mắng anh: “Dẫn khách đến mua ăn chia phần trăm hả?”.

"Nghe họ mắng như vậy, tôi không kìm lòng được, lần đầu tiên trong nghề hướng dẫn viên, tôi thấy ca cay nơi sống mũi. Chẳng lẽ, con người với con người mất niềm tin với nhau như vậy sao?

Hôm đó, tôi thấy chán nản nhưng nghề đã ăn vào máu thịt, mỗi chuyến đi với tôi chính là hơi thở cuộc sống, nản đến mấy tôi vẫn không bỏ được", hướng dẫn viên sinh năm 1994 nói.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm