Xin đừng… quỳ gối!

Tấm hình chàng trai trẻ được cho là quê ở Gia Lâm (Hà Nội) quỳ gối ngay phố xá đông người giữa trung tâm Thủ đô với tấm bìa các- tông treo trước ngực khiến cư dân mạng mấy hôm nay không ngớt bàn ra, tán vào.

Không kêu oan, không phản đối điều gì, đơn giản chàng ta quỳ gối với tấm bìa căng trước ngực chi chít những chữ chỉ để… xin việc! Người đời thương cảm hỏi han, mới hay rằng, chàng ta xin “bố thí” một việc làm nào đó không cần tới cái gọi là… tri thức?! Bởi, như chàng ta nói, ngay cả cái việc bán hàng thôi, người ta cũng đòi hỏi phải có bằng cấp. Mà, vì một lý do nào đó, điều này chàng ta không đáp ứng được?!

Rất nhiều người đi qua dừng lại nơi này! Rất nhiều người mủi lòng thương trước cảnh rất “hoàn cảnh” của chàng trai trẻ. Rồi nữa, rất nhiều bạn đọc đã “còm” dưới tấm hình này trên mạng xã hội với những thái độ khác nhau. Người cho rằng, xã hội vì sao lại nặng nề với chuyện bằng cấp đến vậy? Rằng một cái việc đơn giản như  thế với một chàng trai trẻ lại cứ yêu cầu phải có bằng cấp là sao? Nhưng, bên cạnh “nước mắt xót thương” bức ảnh này cũng “hứng” không ít “gạch đá”. Người ta bảo, sức dài vai rộng, hà cớ gì lại phải… đi xin? Dẫu không là xin ăn, nhưng cái điệu bộ, kiểu cách xin việc này cũng thảm hại khác nào “cái bang” giữa chợ?

Xin đừng… quỳ gối! - 1

Thương có cái tình của thương! Giận có cái lý của giận! Chúng tôi không phán xét ai, không bàn đúng sai mà chỉ thấy đau đớn một điều rằng, cái cách con người lựa chọn để đạt mục đích sao ngày càng “thấp” đến vậy? Chuyện quỳ gối giữa đường để van xin dường như đã trở thành một điều gì đó dễ làm, nhất là với giới trẻ. Nào chuyện chàng trai quỳ gối van xin tình yêu năm trước đến chuyện cô gái quỳ gối “xin hôn” năm kia… Những cách quỳ gối để tìm kiếm những thứ cho mình, dẫu “cao sang” như tình yêu hay đơn giản như tìm việc làm (mà thực ra cũng là tìm kiếm một miếng ăn!) sao mà dễ dàng đến vậy?

Và, nhìn thấy chàng trai sức dài vai rộng quỳ gối giữa đường phố kia chỉ vì van xin một việc làm, ta có lý do để lo lắng. Lo vì chàng trai trẻ, sinh ra và lớn lên ngay giữa đất Thủ đô, sao có thể “thất học” đến mức không kiếm nổi một cái “bằng cấp” dẫu chỉ là đơn giản nhất để được đi… bán hàng? Lo vì nếu chẳng phải muốn “nổi tiếng” theo cách quái đản, chàng trai kia có quá dễ dãi với chính mình không khi còn đủ tay chân, mắt mũi mà vẫn chọn con đường “ăn mày lòng thương”? Lo vì cái cách mà không ít bạn trẻ trong thế hệ trẻ, dẫu có được học hay không được học, đang tự hạ thấp tri thức của chính mình khi đụng chạm vào một khó khăn nào đó!

Bởi, quỳ gối trước khó khăn quá khứ, sao có thể “thẳng lưng” với thành đạt tương lai?

Theo Gia đình & Xã hội