Cà Mau:

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Thu hoạch cá đìa có nhiều cách, nhưng có lẽ chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất của người dân ở vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau).

Xem tái hiện chụp đìa bắt cá ở U Minh Hạ, Cà Mau
Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 1

Vùng đất miệt rừng U Minh Hạ (Cà Mau) như huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời… được xem là "thủ phủ" của cá đồng. Từ hàng chục năm trước, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một cái đìa (ao) hoặc kênh, mương... là nơi trú ngụ cho các loài tôm cá.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 2

Nghề đìa cá (bắt cá) cũng bắt đầu hình thành, trở thành một nghề mưu sinh, cũng như là nét văn hóa truyền thống của cư dân ở xứ này. Thu hoạch đìa cá có nhiều cách như tát đìa, kéo lưới, mò cá…, nhưng chụp đìa được xem là cách sáng tạo nhất.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 3

Nhiều người dân địa phương cho rằng, chụp đìa xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Để chụp đìa, người dân dùng một tấm lưới ni-lông dài và rộng hơn khổ đìa. Sau khi dọn sạch cỏ trên mặt nước đìa, họ cuộn lưới thả giữa lòng đìa rồi căng viền ra hai bên thành đìa...

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 4

... và dùng ghim bằng một đoạn cây sậy dài chừng 4 tấc để ghim viền lưới vào thành đìa ngập dưới mặt nước chừng 2 tấc, với khoảng cách giữa các cây ghim khoảng 6 tấc.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 5

Sau khi ghim toàn bộ viền lưới vào thành đìa xong, tức là toàn bộ cá nằm dưới mặt lưới, khi cá thấy ngợp sẽ men vào thành đìa tìm chỗ hở để chui lên. Đợi một giờ sau, hầu như cá đã chui hết trên mặt lưới phía trên, người dân bắt đầu ghim lại lần hai với mật độ dày hơn để không cho cá chui ngược trở xuống. 

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 6

Tiếp đó, họ kéo hai viền lưới ghim lại trên bờ đìa rồi mới kéo lưới gom cá về một đầu đìa để bắt cá. Song song đó, tiến hành thu vớt rác đọng lại trên mặt nước để lưới nhẹ hơn, dễ dàng kéo lưới hẹp lại ở một góc.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 7

Toàn bộ cá sẽ nằm gọn trên lưới sau khi gom lại một góc. Chụp đìa như thế thì cá bắt được vẫn còn khỏe mạnh, nước dưới đìa còn nguyên vẹn và dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 8

Do quá nhiều cá không thể kéo lưới lên một lần nên người dân phải dùng vợt để vớt thành từng đợt vài ký cá đưa lên bờ.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 9

Tùy theo diện tích lớn, nhỏ, mà mỗi lần chụp cá đìa cho thu hoạch số lượng cá ít hay nhiều. Có đìa, kênh mương bắt được hàng trăm ký cá các loại.

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 10

Từng loại cá được phân riêng ra để dễ sử dụng khi cần thiết. Ở vùng U Minh Hạ, chủ yếu cá bắt được là cá lóc, cá rô, cá trê, cá sặc...

Xem người dân miền Tây bắt cả trăm ký cá đầy sáng tạo  - 11

Có những con cá lóc to đến 2 - 3kg. Số cá được cư dân dùng làm thực phẩm hoặc để bán mưu sinh.

Ngoài chụp ở đìa thì do địa hình nên ở Cà Mau người dân còn chụp bắt cá ở các kênh, rạch, mương... 

Người dân U Minh Hạ cũng cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ngày nay nghề chụp cá đìa còn rất ít được sử dụng và nghề này cũng đang tàn lụi dần, bởi không phải ai cũng có thể làm được nếu như không có kinh nghiệm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm