Vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Hòa Bình thoát nghèo
(Dân trí) - Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế.
Sau 20 năm đồng hành cùng người dân Cao Phong, vốn chính sách đã làm thay đổi bộ mặt của huyện, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thạch Yên là xã thuộc vùng khó khăn của huyện Cao Phong, hầu hết người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian gần đây, đời sống của bà con nơi đây đã có nhiều đổi khác với những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang. Kết quả đó có được là nhờ sự cần cù, chịu khó và sự song hành suốt một thời gian dài của vốn chính sách.
Trước đây, đời sống của gia đình chị Bùi Thị Mư, xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong, Hòa Bình) bộn về khó khăn, vất vả vì nhà cửa xuống cấp, kinh tế bấp bênh vì không có vốn để đầu tư.
Vài năm gần đây, gia đình chị Mư duy trì chăn nuôi trâu đực vỗ béo, đem lại nguồn thu nhập ổn định hơn. Căn nhà mới của gia đình cũng đã được xây dựng kiên cố, vườn tược được cải tạo để trồng loại cây có hiệu quả kinh tế.
Chị Mư chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, gia đình đã mua được trâu để chăn nuôi nên cuộc sống bớt dần khó khăn. Sau khi thoát khỏi diện hộ nghèo tiếp tục được ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay gần 100 triệu đồng từ các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hỗ trợ nhà ở và vốn cho hộ dân tộc thiểu số.
Đây là nguồn vốn rất quan trọng để gia đình vượt qua đói, nghèo, ổn định cuộc sống".
Cũng giống như chị Mư, ở xóm Rớm Khánh còn có nhiều gia đình khác như chị Bùi Thị Huệ hay ông Bùi Đức Nhung cũng đã thoát nghèo nhờ sử dụng vốn chính sách hiệu quả.
Ông Nhung mạnh dạn vay vốn chính sách để nuôi cá, trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Còn chị Huệ gần đây được vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi 5 con trâu và trồng 1 ha keo.
"Gia đình rất cảm ơn ngân hàng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho vay vốn và giảm lãi suất cho vay để phát triển kinh tế. Đây là số tiền lớn nên gia đình tôi sẽ cố gắng sử dụng hiệu quả để vừa phát triển kinh tế, vừa có tiền trả lãi hàng tháng cho ngân hàng", chị Huệ chia sẻ.
Từ khi triển khai tín dụng chính sách đến nay, huyện Cao Phong đã có trên 8 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 1,5 nghìn hộ nghèo được xây dựng nhà ở mới; trên 12,4 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới.
Ông Đặng Hoàng Hoán, Giám đốc Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Cao Phong cho biết: "Đơn vị đã nỗ lực huy động nguồn vốn, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đến người nghèo, đối tượng chính sách, nhất là khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 332 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị được phân giao 13 tỷ đồng cho vay ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".