Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố?

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Đối với những người lần đầu đến Sài Gòn, một cảnh tượng khá lạ là rất ít người nghe điện thoại khi di chuyển trên phố. Vậy, đâu là lý do?

Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố?
Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố? - 1
Người dân TPHCM ít khi nghe điện thoại trên đường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lương Văn Hiền (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: "Bình thường, tôi tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang đi bộ hoặc đi xe máy. Nguyên nhân vì thành phố đã xảy ra nhiều vụ cướp nên tôi cũng hơi lo lắng vì có thể mất tài sản. Nếu bắt buộc phải dùng điện thì tôi sẽ chạy xe lên lề, đồng thời vừa nghe điện thoại vừa quan sát 2 bên để đề phòng".

Cũng theo chú Hiền, chú cũng đã tận mắt chứng kiến 2 đối tượng giật điện thoại của một người phụ nữ đang chạy xe máy. Hậu quả khiến cho cô gái này giật mình, lái xe loạng choạng và té ngã gây chấn thương, tâm lý hoảng loạn.

Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố? - 2

Những ai có việc gấp phải sử dụng điện thoại cũng phải quan sát khá kỹ xung quanh. 

"Sau khi chứng kiến vụ việc, tôi thấy các đối tượng cướp giật rất manh động, liều lĩnh. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần "giật mình" khi đang nghe điện thoại của người thân thì bất ngờ có tiếng xe máy rồ ga chạy nhanh đến.

Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chính bản thân mình và tài sản đó là không sử dụng điện thoại khi đi ra đường. Nếu trong trường hợp buộc phải nghe thì phải đi đến một nơi an toàn và có tầm nhìn bao quát xung quanh để có thể chủ động cảnh giác, đề phòng", chú Hiền cho biết.

Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố? - 3

Việc người dân ít dùng điện thoại trên phố khá lạ đối với những người lần đầu đến Sài Gòn. 

Cũng cảnh giác với nạn cướp giật điện thoại khi ra đường, em Hoàng Kim Minh Vũ (18 tuổi, ngụ quận 3) cho hay, nguyên tắc chính của em khi ra đường là không sử dụng điện thoại di động vì nếu sử dụng điện thoại thì em sẽ trở thành "mồi ngon" cho các đối tượng xấu.

"Mặc dù em chưa được tận mắt chứng kiến cảnh giật điện thoại nhưng thông qua báo đài và mạng xã hội thì em xem được một vài clip cảnh các nạn nhân bị cướp giật rất nguy hiểm và đáng sợ. Đôi khi, em tưởng tượng mình là nạn nhân trong các clip thì chắc sẽ hoảng loạn và không biết phải làm gì", em Vũ cho hay.

Cũng theo Vũ, hiện nay, TPHCM thường xảy ra các vụ cướp giật, nhiều vụ gây nguy hiểm cho các nạn nhân. Đây cũng có thể là lý do chính để người dân, đặc biệt là phụ nữ sẽ ái ngại trong việc vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại.

Vì sao người Sài Gòn không nghe điện thoại trên đường phố? - 4

Nhiều vụ cướp giật trên phố khiến người dân cẩn trọng hơn. 

Bản thân là nữ giới nên em Nguyễn Thị Đỗ Quyên (18 tuổi) rất lo sợ vấn đề cướp giật khi đi bộ ở thành phố. Em cho biết: "Con gái tụi em khi đi bộ đến nơi nào đều hay cầm điện thoại trên tay, để có thể tiện cho việc chụp ảnh, xem bản đồ,…Nhưng mỗi khi cầm điện thoại như vậy thì em rất lo và sợ chính bản thân của mình bị cướp. Những năm gần đây, mỗi lần em đi bộ thì thường bỏ điện thoại ở trong balo và rất ngại khi sử dụng điện thoại ở ngoài đường".

Cô gái 18 tuổi cho biết bạn bè cũng từng là nạn nhân của những vụ cướp giật kể lại nên rất lo lắng. Cùng với đó, bản thân hay lên mạng xã hội nên cũng được xem nhiều clip các thành phần xấu cướp giật.

"Bản thân em đã từng được xem một clip về một chị gái khi đang đi bộ qua đường thì bất ngờ có 2 người đàn ông chạy xe lại giật điện thoại rồi bỏ trốn, rất may chị ấy không sao chỉ bị trầy ngoài da. Nếu là em chắc em hoảng sợ và không giữ được bình tĩnh, có thể em sẽ xỉu tại chỗ", Đỗ Quyên cho biết.

Nhiều vụ cướp giật dẫn đến chết người

Theo báo cáo của Công an TPHCM, năm 2020 ghi nhận xảy ra 4.409 vụ xâm phạm trật tự an toàn xã hội (so với cùng kỳ giảm 13 vụ và cũng là năm thứ 06 liên tiếp kéo giảm phạm pháp hình sự); đã điều tra khám phá 3.220 vụ (đạt tỷ lệ 73,03%), bắt 5.119 tên. 

Trong nhiều năm qua, nhiều vụ cướp giật ở TPHCM khiến người bị cướp giật tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn.

Trong năm 2019 đã xảy ra vụ cướp giật nghiêm trọng, cụ thể vào ngày 26/2, với ý định cướp giật tài sản nhằm lấy tiền tiêu xài, Nguyễn Văn Nam điều khiển xe mô tô chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM để tìm "con mồi" sơ hở.
 
Đến khoảng 14h00 cùng ngày, Nam phát hiện chị Hứa Thị Mỹ D chạy xe máy trên đường 32 (ở quận Bình Tân, TP.HCM). Nam chạy theo sau xe chị D, đợi lúc nạn nhân mất cảnh giác, Nam giật mạnh chiếc túi xách đeo ở hông sườn bên phải của chị, làm chị D té ngã xuống đường. Tai nạn khiến chị D bị chấn thương vùng đầu, ngực và gối trái, tỷ lệ thương tích là 76%.
 
Vào chiều tối 15/4/2020, ông M. đang dừng xe máy bên lề đường sử dụng điện thoại, trước một quán cà phê thuộc khu vực chung cư Bưu điện, đường hẻm Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10. Lúc này, 3 đối tượng Phạm Xuân Trường, Trần Quang Minh, và Nguyễn Văn Lai lái xe máy áp sát ông M. rồi Trường dùng tay cướp giật chiếc điện thoại của ông M. đang cầm trên tay, rồi cả hai tăng ga tẩu thoát.
 
Bị cướp giật, ông M. tri hô "cướp, cướp", sau ít phút, ông M. gục xuống nằm bất tỉnh. Dù được người dân đưa đi cấp cứu nhưng ông đã qua đời.
 

Gần đây nhất, vào tối 19/2/2021, một nam thanh niên điều khiển xe máy chở theo B.M.T. (25 tuổi, ngụ quận 11) lưu thông trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú). Khi đến trước quán trà sữa ở địa bàn phường Tây Thạnh thì phát hiện đôi nam nữ dừng xe bên đường, trên xe có treo túi xách. Hai thanh niên trên áp sát, giật chiếc túi xách rồi tăng ga tháo chạy trên đường Lê Trọng Tấn hướng về đường CN1.

Khi chạy được một đoạn thì va chạm với xe máy do anh Tr. cầm lái chạy cùng chiều. Hai thanh niên cướp giật té xuống đường, T. ngồi sau tử vong tại chỗ, thanh niên còn lại dựng xe máy tiếp tục tháo chạy. Vụ tai nạn cũng khiến anh Tr. bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm