Vì sao mẹ Việt cho con 2 tuổi đi du lịch 'hành xác'?
Con tự lập hơn, háo hức khám phá những thứ mới mẻ, khơi gợi tình yêu thiên nhiên, củng cố tình cảm gia đình... là những lợi ích con nhận được từ các chuyến đi phượt – loại hình du lịch bụi vẫn thường được gọi vui là “đi hành xác”.
Chị Tống Ngọc Anh, bà mẹ đưa con 2 tuổi “phượt” vòng quanh thế giới chia sẻ những lợi ích mà con nhận được từ những chuyến du lịch khám phá của gia đình.
1. Thư giãn: Việc thay đổi môi trường, tách biệt giữa học tập, làm việc và nghỉ ngơi là một điều cần thiết cho cả người lớn và trẻ em.
2. Mở rộng tầm nhìn: việc đi đến các địa điểm mới, gặp gỡ nhiều người mới, tìm hiểu về vùng thiên nhiên mới cho trẻ thêm nhiều kĩ năng giao tiếp xã hội, kiến thức thiên nhiên, tầm nhìn của trẻ được mở rộng hơn.
3. Rèn luyện kỹ năng tự chuẩn bị, quản lý hành lý cá nhân: Việc chuẩn bị cho những chuyến đi nhà mình hướng dẫn để trẻ có thể tự chuẩn bị quần áo, đồ đạc cá nhân của mình từ rất sớm, liệt kê những thứ cần chuẩn bị, đưa ra công thức như: Anh lớn thì đi bao nhiêu ngày chuẩn bị đúng số lượng quần áo như thế và thêm một bộ dự phòng, với em là hai bộ dự phòng cho những chuyến đi ngắn.
Những chuyến đi dài ngày thì chuẩn bị khoảng 7- 8 bộ vì có thể giặt trong thời gian đi, luôn có một áo khoác, mũ, chai đựng nước cho riêng mình, sách đọc, và một cái ví trong đó có một ít tiền để nếu có lạc bố mẹ có thể lấy tiền đó mua đồ ăn nếu đói, đồ uống nếu khát, hoặc đi gọi điện cho bố mẹ….
Trong quá trình đi anh lớn là người ghi chép những chi tiêu của cả nhà trên đường đi, bố mẹ sẽ cho biết dự trù kinh phí cho chuyến đi đó là bao nhiêu, anh có trách nhiệm ghi chép lại những chi phí và báo cho bố mẹ biết còn lại bao nhiêu để bố mẹ biết lựa cho những khoản chi tiếp theo. Bé tự lập nhiều hơn sau mỗi chuyến đi.
4. Các thành viên gia đình gắn bó hơn: Việc cả nhà đợi tầu điện ngầm, chạy thục mạng tới bến xe buýt cho kịp xe, hay ngồi lắc lư sợ sệt trên tầu hỏa cũ kỹ và nhiều người trông nhếch nhác hay ngồi ôm nhau ngủ trên xe lam ở Thái Lan hay Mã lai lại là những hình ảnh còn lại rất lâu trong bộ kí ức các chuyến đi, để lại dư vị rất thật về việc cả gia đình đã cùng nhau hành trình.
5. Thích thú với việc tìm hiểu cái mới: Việc tự tìm hiểu những cung đường sẽ đi, lò dò tìm đến và thấy những điều mới mẻ hiện ra y như việc mình mở được một cánh cửa của một căn phòng có chứa đựng bí mật, nó thú vị và thi vị với cả trẻ con và người lớn.
6. Đối mặt và xử lý các tình huống ngoài dự kiến: Khi đi phượt cả nhà cùng nhau đi bộ, leo dốc, tìm hiểu về nơi mình đến, ăn thử những món ăn địa phương…làm rất nhiều việc cùng nhau, bằng sức mình.
Trong quá trình tự tìm tòi, tự vận động đó sẽ có những tình huống khó khăn bất ngờ xảy ra, đi lạc, hết xăng dọc đường, gặp mưa to giữa đường, trễ xe, hỏi đường không ra, leo phải đoạn dốc núi quá khó, phải ngủ lại ở một căn nhà lộn xộn xa lạ… những tình huống này luôn xảy ra ngoai dự tính và cả nhà phải cùng nhau tìm cách xoay sở để vượt qua nó, rất thú vị, và để lại những kỉ niệm đáng nhớ, cảm giác các thành viên trong gia đình ở bên nhau cùng vượt qua những lúc như thế rất quí giá.
Việc này sẽ không xuất hiện ở những kỳ nghỉ thoải mái ở Resort hay chuyến du lịch theo tour được sắp đặt, được chuẩn bị sẵn cho tất cả lịch trình. Chính vì thế hương vị các chuyến phượt luôn đậm đà, nhiều mầu sắc, nhiều vận động hơn hẳn những chuyến du lịch salon. Phượt làm cho gia đình gắn bó khăng khít với nhau hơn, khả năng xoay sở để thích nghi với hoàn cảnh tăng lên rõ rệt.
Giải pháp cho cha mẹ bận rộn
Thực hiện các chuyến đi nhỏ vào cuối tuần: Gia đình chị Ngọc Anh thực hiện những chuyến du lịch dã ngoại nho nhỏ khá thường xuyên ngay cả trong năm học, chỉ cần hai ngày cuối tuần cả nhà xách ba lô, đi chuyến xe đò đến một địa điểm mới: lần thì chỉ để bắt hến, lần thì leo núi, lần thì ra đảo ngủ lại trạm canh gác hải đăng của các chú bộ đội, lần thì đi câu cá cắm trại ngủ lại bờ biển, lần thì chỉ để đi chợ hải sản của người dân vùng đó rồi vào vườn mua soài mang về…
Việc này ở Việt Nam rất dễ thực hiện, xe cộ đi lại rất dễ dàng, chi phí rẻ và ở những vùng xa thành phố cuộc sống vẫn rất đa dạng theo vùng miền đó, vùng thiên nhiên hoang sơ cũng nhiều, các bé luôn cảm thấy thú vị và hào hứng với các chuyến đi.
Dành chuyến đi dài cho dịp hè, nghỉ tết: Gia đình chị Ngọc Anh thường thực hiện một chuyến đi dài ngày hơn vào dịp hè, hoặc dịp tết. Sau khi chuyến đi kết thúc cả nhà sẽ quay về, bố mẹ làm việc và các bé sẽ tham gia học bơi, vẽ, đánh cầu lông, tư duy toán ở các trung tâm trong thành phố.
Tạo những chuyến đi nhỏ vừa sức con: Cũng trong dịp hè, chị Ngọc Anh cho các bé làm những chuyến đi nho nhỏ trong thành phố vào dịp cuối tuần như hai anhem tự quản lý nhau đi Pinic một ngày trong Thảo Cầm Viên không có bố mẹ đi cùng, phải chuẩn bị đồ ăn, khăn trải, đồng hồ, điện thoại để liên lạc với bố mẹ khi cần, tiền để dự phòng và tiêu vào những trường hợp cần thiết….
Hoặc hai anh em đi tìm hiểu về các loại hình nghề nghiệp của người lớn bằng việc đi đến chỗ đông người hỏi và lấy thông tin từ các cô chú ở đó, việc này làm cho các bé vừa có thêm nhận thức về việc khi lớn lên mỗi người sẽ làm một công việc để duy trì cuộc sống, thêm kiến thức về các loại hình công việc, thêm ý thức về giá trị tiền lương, ngoài ra cho bé rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp với người lạ.Hoặc cho các bé tham gia vào các hoạt động từ thiện có thể tham gia được.
Bố mẹ nghỉ phép theo lịch nghỉ học của con: Vợ chồng chị Ngọc Anh thường dành ngày nghỉ phép của mình vào những dịp nghỉ của con để thực hiện chuyến du lịch gia đình.
Các chuyến du lịch này rất đa dạng, có thể đi nước ngoài, có thể cả nhà kéo moto home đi vòng quanh một vùng nào nước Úc, hay chỉ là cả nhà kéo thuyền ra biển lênh đênh trên biển câu cá, ngủ nghỉ ở đó mấy ngày rồi trở lại nhà.
Theo Vietnamnet