Ước mong mùa dưa ngọt trên sông Trà
(Dân trí) - Cứ vào độ cuối tháng 2, trên những bãi bồi giữa lòng sông Trà lại mọc lên những túp lều tạm của "di dân" trồng dưa hấu. Họ đến từ nhiều nơi để ươm vào lòng đất bãi bồi những mầm xanh và hy vọng về một mùa dưa... ngọt.
Phận đời của những "di dân" trồng dưa hấu...
Người dân sống ven sông Trà đoạn chạy qua địa bàn xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) gọi những người đến thuê đất bãi bồi trồng dưa là những "di dân". Bởi, cứ vào thời điểm này trong năm, người nông dân trồng dưa khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi lại đến đây thuê đất bắt đầu mùa vụ mới. Phần đông trong số họ đến từ xã Bình Chương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nơi có hàng trăm hộ dân có truyền thống trồng dưa hàng chục năm qua.
Thuê 25 sào đất bãi bồi với giá 1 triệu đồng/sào, 4 người trong gia đình ông Võ Văn Cần (xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải mất gần nửa tháng để dọn dẹp, làm đất, lên luống và xuống giống. Cần mẫn sửa lại từng cây dưa mới trồng được 1 tuần, ông Cần chia sẻ: "Năm rồi sông Trà có lũ lớn nên đất bãi bồi màu mỡ lắm. Hy vọng vụ dưa này sẽ đạt năng suất cao".
Người nông dân cần mẫn chăm sóc những ruộng dưa hấu
Cũng giống ông Cần, 20 hộ dân khác cùng đang cần mẫn chăm chút từng mầm dưa vừa mới nhú với hy vọng về một vụ mùa bội thu. "Mình làm thì phải có hy vọng. Nhưng không "dễ ăn" đâu chú, để thu được đồng tiền từ quả dưa hấu phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Suốt 3 tháng trời phải ăn, ngủ cùng dưa giữa bãi bồi mênh mông", chị Hồ Thị Diệu - chủ của 15 sào đất trồng dưa chia sẻ.
Để “sống” cùng với một vụ dưa, người nông dân phải dựng những căn lều tạm để ở trên mênh mông bãi bồi giữa dòng sông Trà đến 3 tháng. "Phải dựng lều để ở vì trồng dưa hấu cực lắm. Sau 1 tháng trồng xuống là ngày nào cũng phải làm quần quật, có khi ban đêm cũng phải đội đèn pin chăm sóc cho cây dưa phát triển khỏe mạnh. Làm suốt ngày, tối về ăn tạm gì đó rồi ngủ nên cũng quen, hết thấy buồn", chị Dịu cho biết.
Ở giữa lòng sông Trà nên những lều tạm không có điện. Vì vậy, cứ đến đêm, vùng dưa giữa bãi bồi lại chìm trong màn đêm đen đặc giữa ánh điện sáng rực của thành phố hai bên bờ sông Trà.
Ước mong mùa dưa ngọt
Làm một sào dưa hấu cho đến lúc thu hoạch tốn khoảng 8 - 9 triệu đồng tiền thuê mướn nhân công, chi phí dầu chạy nước, phân thuốc... Đây là một khoản kinh phí lớn bởi mỗi hộ trồng vài chục sào dưa nên chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Thế nên, suốt mấy tháng gieo trồng người nông dân cứ phập phồng lo sợ.
"Làm dưa sợ nhiều thứ. Dưa chết, rồi sâu bệnh, mất mùa... nhưng cái sợ nhất là dưa mất giá. Nhiều năm thê thảm lắm. Dưa đến kỳ thu hoạch mà thương lái Trung Quốc không mua đành phải cho bò ăn", ông Võ Văn Cần trải lòng.
Theo người nông dân, chỉ cần dưa được mua với giá 4 ngàn đồng mỗi kg là công sức người trồng dưa được đền đáp. Ở mức giá đó, sau khi trừ chi phí mỗi sào dưa hấu mang về cho người nông dân nguồn thu nhập 20 - 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, cái điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" vẫn cứ đeo đẳng những người nông dân cần mẫn trên bãi bồi từ năm này sang năm khác. Nhưng với họ, trồng dưa như là cái nghiệp, năm trước có lỗ vốn năm sau cũng phải tiếp tục với ước mơ về một mùa dưa hấu được mùa, được giá.
Giữa mênh mông bãi bồi sông Trà, giữa cái nắng hanh hao và lồng lộng gió... những "di dân" trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi vẫn ngày đêm cần mẫn ươm vào lòng đất ước mơ bao đời của người nông dân, ước mơ về một mùa dưa hấu... ngọt.
Hà Xuyên