Trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP - nâng cao thu nhập cho người dân
(Dân trí) - Trong 5 năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long áp dụng mô hình lúa trồng theo tiêu chuẩn SRP vào sản xuất đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mới.
Lúa SRP cho năng suất cao đặc biệt là thân thiện với môi trường đem đến những mùa lúa gạo không chỉ sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn đảm bảo sức khỏe cho người dân trồng lúa.
Mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP
Từ năm 2017 đến nay, tổ chức Rikolto đã hỗ trợ triển khai mô hình "Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP" tại các HTX ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Đồng Tháp, Kiên Giang với diện tích 4.300 ha cho trên 1.500 nông dân. Để có thể tham gia mô hình này, nông dân, HTX sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác và thực hiện các tiêu chí mà Bộ tiêu chuẩn này đưa ra.
SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững, bao gồm 41 tiêu chí, và 12 chỉ số đánh giá hiệu quả về lợi nhuận, năng suất lao động, sử dụng phân bón và nước, đa dạng sinh học, khí phát thải nhà kính, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và lao động…
Đến nay, tính riêng trên địa bàn dự án ở Đồng Tháp và Kiên Giang, trong tổng số hộ nông dân tham gia dự án mở rộng trong 2 năm 2020-2021, đã có hơn 97% nông dân tham gia mô hình trồng lúa theo bộ tiêu chuẩn SRP đạt từ 80-89 điểm. 100% nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp và 92,5% ở Kiên Giang đạt trên 80 điểm SRP trong vụ đông xuân 2021. Số diện tích canh tác đạt từ 80-89 điểm cũng đạt gần 90%.
Ông Ngô Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: "SRP đã mang lại hiệu quả tích cực với lúa gạo, áp dụng 4 đúng, tăng cường sử dụng phân hữu cơ … làm tăng giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng."
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết:
Để có được kết quả này, tổ chức Rikolto đã thường xuyên hỗ trợ tập huấn kĩ thuật canh tác cho nông dân, hướng tới sản xuất cho năng suất, chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho nông hộ, bảo vệ môi trường và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.
Tham gia mô hình, nông dân, HTX còn được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV để khuyến khích nông dân thay đổi nhận thức về canh tác lúa gạo.
Nông dân trồng lúa SRP tại Đồng Tháp
Với diện tích 8ha trồng lúa SRP, ông Nguyễn Văn Khi, nông dân ở xã Thắng Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vui mừng chia sẻ: Từ năm 2018, ông bắt đầu canh tác lúa SRP trên diện rộng. Ban đầu khi tham gia, ông còn bỡ ngỡ khi được tập huấn về cách ghi chép nhật ký, cách diệt trừ sâu bọ áp dụng công nghệ thông tin. Trước kia, 1 công đất phải sử dụng 20kg giống, hiện nay chỉ cần 6 kg. Nhận thấy các lợi ích của việc áp dụng canh tác lúa SRP, gia đình ông đã theo mô hình được 4 năm, vụ nào cũng thu hoạch vượt trội, lúa bán được giá cao.
Trồng lúa SRP không chỉ tiết kiệm chi phí về giống, lượng phân bón mà thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể do được hướng dẫn phun thuốc phòng trừ đúng loại, đúng thời điểm, liều lượng... Để kiểm soát quy trình canh tác, nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất. Việc làm này còn giúp nông dân hạch toán chi phí sản xuất và lợi nhuận rất dễ dàng. Sau thu hoạch, rơm rạ không được đốt mà tận dụng làm phụ phẩm trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Mai Văn Đảm, nông dân ở xã Thắng Lợi, Tháp Mười, Đồng Tháp đã từng trăn trở về cách phun thuốc cho lúa để tránh rầy nâu phá hoại, nay ông được tập huấn cách giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ông chia sẻ: Hiện nay, bà con ngừng xịt thuốc khoảng 20-25 ngày trước thu hoạch, thay vì 10 ngày so với trước đây. Vì vậy, lúa có chất lượng cao, an toàn nên được thương lái thu mua cao hơn từ 200-300 đồng/kg. Với việc áp dụng mô hình SRP, nông dân ước tính giảm 12% chi phí sản xuất trên 1 đơn vị ha, tương đương gần 3 triệu đồng.
Tại Đồng Tháp, nông dân trồng lúa SRP sau khi thu hoạch được HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Thắng Lợi và công ty Lương thực Hồng Tân, Đồng Tháp bao tiêu đầu ra. Bà Lưu Thị Yến Hằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Lương thực Hồng Tân, Đồng Tháp cho biết: Chúng tôi cam kết với HTX và nông dân đầu tư giống, vật tư. Sau sản xuất, chúng tôi bao tiêu 3 tháng với giá ổn định hoặc giá thời điểm cộng thêm 50 đồng/kg lúa tươi để khuyến khích HTX canh tác lúa SRP.
Bà Hoàng Thị Lụa, Điều phối Chương trình Tổ chức Rikolto cho biết: Trong giai đoạn 2022-2026, tổ chức Rikolto sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân và các HTX triển khai và nhân rộng mô hình SRP, tiến tới công bố chứng nhận SRP và phối hợp với một số doanh nghiệp đưa gạo đạt chứng nhận SRP ra thị trường. Đồng thời, Rikolto sẽ tập trung hơn nữa vào việc tạo tác động trên diện rộng nhằm mục tiêu giảm phát thải khí carbon, trong đó nhấn mạnh hơn nữa việc áp dụng mô hình tưới ngập khô xen kẽ (AWD) và xử lý rơm rạ và triển khai trên diện rộng.