Trăm ngàn kiểu “bẫy” lừa bán hàng qua mạng
(Dân trí) - Bán hàng online đang ngày càng phổ biến và được nhiều người áp dụng bởi tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, cũng vì sự tiện lợi này mà tình trạng lừa đảo ngày càng có diễn biến phức tạp và rất khó kiểm soát.
Hàng hiệu giá rẻ, iphone… cho không
Ngày 27/2, một trang Facebook đăng tải thông tin về việc bán giảm giá sản phẩm của thương hiệu Zara. Cụ thể, page này cho biết, để kỷ niệm một năm ngày Zara có mặt tại Việt Nam, họ - với tư cách là cổng thông tin phổ biến các chương trình sale của Zara- đưa ra chương trình bán hàng ưu đãi đặc biệt. Chỉ với 100k, khách hàng sẽ được mua một chiếc túi xách của thương hiệu này.
Điều kiện kèm theo là like, share trang và chia sẻ bài viết lên tường. Page này cũng yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin như số điện thoại, địa chỉ để vận chuyển hàng sau khi đặt. Bài viết này ngay lập tức được nhiều người, mà phần lớn là các chị em phụ nữ thi nhau chia sẻ trên mạng xã hội.
Nhiều khách hàng không kiểm định thông tin mà nhanh chóng làm theo yêu cầu của tài khoản Facebook, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin từ số điện thoại đến địa chỉ nhà với mong muốn có cơ hội mua hàng giá ưu đãi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người lên tiếng chỉ ra sự đáng ngờ của trang bán hàng này. Những mẫu túi xách được đăng tải đều là mẫu đã được bán từ nhiều mùa trước đây của Zara, và hết hàng từ lâu. Thậm chí, trên website chính thức của thương hiệu này cũng không có bất cứ thông tin nào liên quan đến chương trình khuyến mại.
Cho đến thời điểm hiện tại, tài khoản Facebook này đã bị xóa. Và cũng không ai có thể chắc chắn, những thông tin mà nhiều người cả tin chia sẻ sẽ được dùng vào mục đích gì.
Đây không phải lần đầu tiên chiêu thức lừa đảo này xuất hiện. Nhiều tháng trước, cộng đồng mạng Việt Nam đã sôi sục về thông tin được tặng ô tô Mercedes Benz và iphone 6 miễn phí.
Vẫn là mô típ rất quen thuộc, yêu cầu người dùng like page và chia sẻ trên trang cá nhân. Điều kiện tham gia những chương trình mang tính chất lừa đảo dạng này quá đơn giản, lại đánh trúng tâm lý nhiều người nên lượt tương tác giữa người dung Facebook và trang bán hàng này đã tăng lên nhanh chóng.
Muôn nghìn chiêu thức lừa đảo
Khi hình thức mua hàng qua mạng ngày càng được nhiều người tin dùng thì các chiêu thức lừa đảo cũng ngày càng tinh vi.Thường thấy nhất vẫn là kiểu lừa bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.
Các sản phẩm thường hay được rao là “hàng xách tay”, được “cam kết” về chất lượng, giá lại chỉ bằng hai phần ba, thậm chí là một nửa so với nơi khác. Đến khi nhận hàng, khách hàng mới phát hiện ra thì đã quá muộn.
Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu lấy tiền của khách hàng vô cùng kín kẽ. Chiêu lừa đảo cơ bản nhất là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng.
Thậm chí, chúng còn cử đồng bọn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất món hời nên người mua đành vội vàng chuyển tiền và rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Lừa bán hàng online có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Mua sắm qua mạng đã là hình thức phổ biến hiện nay, tuy nhiên nếu không cẩn thận người tiêu dùng rất dễ dàng bị lừa đảo, lợi dụng. Không chỉ khó khăn cho người mua trong việc xem xét, lựa chọn sản phẩm trước khi mua, nếu không cẩn thận, người mua hàng có khả năng bị lợi dụng lừa đảo, chộp giật cao hơn so với hình thức mua bán thông thường.
Vì lòng tham, thấy việc bán hàng qua mạng dễ thu được lợi nhuận cao nên có không ít người bày ra những cách thức để lừa đảo. Việc xác định được danh tính và địa chỉ thật của các đối tượng này là rất khó. Do đó, khi tham gia mua bán hàng trên mạng, người mua cần thận trọng, chỉ nên giao dịch với các cửa hàng, công ty có uy tín và đặc biệt không nên chuyển tiền trước.
Một luật sư cho biết, hành vi này có thể bị cấu thành tội danh chiếm đoạt tài sản. “Khi bị tố giác, nếu số tiền lừa đảo dưới 2 triệu, người bán sẽ bị truy cứu xử phạt hành chính, người mua hàng có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu số tiền lớn hơn 2 triệu, hành vi lừa đảo nêu trên sẽ bị xử phạt theo bộ luật Hình sự, phải bồi thường hoặc bị giam giữ theo quy định của pháp luật.”
Hoàng Ngọc