Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam cần sớm loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi

(Dân trí) - Nếu con người ăn phải sản phẩm vật nuôi có lượng tồn dư kháng sinh cao sẽ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, rất khó điều trị và nguy cơ tử vong cao. Các nước châu Âu đã loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi, tiến tới Việt Nam cũng dần phải sớm loại bỏ.

Liên quan đến thực trạng người dân sử dụng tràn lan kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, dẫn đến lượng tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm vật nuôi cao, gây hại cho chính nền sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Nếu con người ăn phải các sản phẩm vật nuôi có lượng tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cao sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh hay nói cách khác là nhờn kháng sinh. Khi bị kháng kháng sinh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do quá trình điều trị không hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo Thứ trưởng Long, trong vài thập kỷ gần đây loài người mặc dù có rất nhiều tiến bộ về khoa học công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng riêng đối với kháng sinh thì loài người đang trong một quá trình phát triển chậm hơn. Nếu như để tình trạng kháng kháng sinh lan rộng sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe loài người.

“Vấn đề quản lý kháng sinh ở các nước trên thế giới cũng như chúng ta chỉ có 2 bộ là Y tế và NN&PTNT quản lý. Nếu ngành y tế làm tốt công tác quản lý kháng sinh cho người, ngành nông nghiệp làm tốt công tác quản lý cho thú y thì sẽ dẹp bỏ được thực trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Các nước châu Âu họ đã xóa bỏ kháng sinh dùng cho chăn nuôi, mà chỉ dùng các loại liên quan đến thiên nhiên, cây cỏ. Việt Nam tiến tới cũng phải dần xóa bỏ kháng sinh trong chăn nuôi” – Thứ trưởng Long nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích thêm, nếu 2 bộ quản lý tốt công tác nhập khẩu và sử dụng kháng sinh, sức khỏe con người sẽ được cải thiện, không có hiện tượng kháng kháng sinh mà phải điều trị dài ngày. Ngoài ra, làm tốt vấn đề này còn tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nói về công tác quản lý nguồn kháng sinh nhập khẩu, ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế quản lý khâu nhập kháng sinh rất chặt chẽ, các đơn vị khi nhập vào đều phải giải trình về mục đích sử dụng, nếu sai mục đích mà bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, năm 2016, Bô Y tế có sửa đổi lại luật dược, thì qui định nhập kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh còn chặt chẽ hơn rất nhiều. Ví dụ, đơn vị nào chuyên kinh doanh kháng sinh, thì khi nhập hàng về phải giải trình thật cụ thể là bán cho đơn vị nào, địa chỉ ở đâu để cơ quan quản lý biết được đường đi của lô kháng sinh đó.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế).
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế).

“Trong luật dược sửa đổi năm 2016, còn qui định đối với các đơn vị nhập khẩu kháng sinh là lô hàng trước còn tồn với số lượng cụ thể theo qui định là bao nhiêu mới cho phép nhập khẩu tiếp. Các đơn vị không được nhập khẩu liền lúc 2-3 lô hàng” – ông Đông nói.

Ông Đỗ Văn Đông thông tin thêm, hiện nay Cục Quản lý Dược đang quản lý trên 100 nhà máy có sản xuất kháng sinh, số đăng ký trong nước có tới gần 2.000 số đăng ký kháng sinh ở trong nước, ở nước ngoài khoảng 1.300 số đăng ký đang lưu hành ở thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn có hơn 40.000 cơ sở bán lẻ thuốc kháng sinh; chưa kể ở các bệnh viên trung ương, địa phương.

Vẫn theo ông Đông, ngoài Thanh tra của Bộ Y tế còn có Thanh tra chuyên ngành của các phòng, lực lượng này thường xuyên đi kiểm tra tại các cơ sơ, nhà máy sản xuất thuốc, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay. Bên cạnh đó, Cục quản lý Dược còn chủ động phối hợp với C49 – Bộ Công an, cung cấp cho họ những cơ sở nào nhập các nguyên liệu kháng sinh khống về để thực hiện quá trình điều tra, làm giả,…

Nguyễn Dương