Bình Định:
Thơm lựng hương vị bánh chưng, bánh tét ngày Tết
(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, những ngày cuối tháng Chạp, xóm bánh chưng, bánh tét ở tổ 39, khu vực 6, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn, Bình Định) lại tất bật. Những nồi bánh đỏ lửa, tỏa hương thơm lựng cả một góc phố như báo hiệu Tết đang đến rất gần.
Khoảng từ 25 tháng Chạp là thời điểm những hộ dân chuyên làm bánh chưng, bánh tét ở xóm Bàu Sen lại tất bật với công việc gói bánh, nấu bánh. Mỗi dịp Tết hàng các hộ dân ở xóm này cung cấp gần cả trăm ngàn chiếc bánh chưng, đòn bánh tét phu vụ nhu cầu mua bánh Tết của người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Cũng như mọi năm, xóm bánh chưng, bánh tét thường “đỏ lửa” từ 25 đến hết ngày 30 Tết. Tuy nhiên, năm nay khách hàng đặt hàng nhiều hơn nên có cơ sở bắt đầu gói bánh từ 24 Tết cung cấp không chỉ trong tỉnh mà còn đi các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Gia Lai,…
Theo chủ cơ sở bánh chưng, bánh tét Bà Xê, cho biết: Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà cho ra lò khoảng 2.000 đến 2.500 cái bánh. Riêng ngày 29, 30 Tết, nhu cầu bánh lớn gấp đôi nên thợ phải làm hết công suất để cho ra khoảng 4.000 cái bánh. Giá bánh năm nay dao động từ 60 - 70 ngàn đồng/cái, cao hơn 10 ngàn đồng so với năm 2014.
Đến xóm bánh chưng, bánh tét Bàu Sen, không khí tất bật hẳn lên. Dọc theo con hẻm vào khu nhà dân những dãy nồi bánh cỡ lớn đang đỏ rực lửa, khói bốc nghi ngút kèm theo vị thơm của bánh. Những thợ nấu bánh người lắm lém mồ hôi, cặm cụi chêm củi, chêm nước, canh lửa cháy đều để bánh chín đều, mềm, dẻo. Trong nhà, người cắt, lau sạch lá chuối, người rửa thịt, người làm nhân bánh; người khéo tay thì đảm nhận việc gói bánh.
Có thâm niên trong nghề gói bét tét, bà Huỳnh Thị Mỹ Ngọc (60 tuổi, ở thôn Kỳ Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), cho biết: Ở quê lớp phụ nữ như tôi không ai mà biết gói bánh tét bởi thời trước nếu không biết gói bánh tét coi như ế chồng. Nhưng không phải người nào cũng gói bánh đẹp được để gói được cái bánh đẹp thì ngoài biết kỹ thuật gói còn phải có sự khéo léo “hoa tay” của mỗi người.
Với tay nghề gói bánh đẹp nên nhiều năm qua, cứ đến 25 Tết bà Ngọc lại xuống Quy Nhơn để gói bánh thuê cho các cơ sở bánh tét, bánh chưng, kiếm mỗi ngày 250.000 đồng công để lo cho cái Tết của gia đình. “Gói bánh tét hay bánh chưng thì công đoạn gói và cột dây đều khó và tốn nhân công. Nhưng so với người nấu bánh thì người gói đỡ vất vả hơn nên tiền công ít hơn”, bà Ngọc chia sẻ.
Công đoạn cuối cùng là nấu bánh, tưởng như đơn giản nhưng lại quyết định chất lượng của bánh ngon hay dở. Anh Đặng Thành Tân (39 tuổi, ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), nấu bánh thuê tại cơ sở bánh chưng, bánh tét Bà Xê, chia sẻ: “Một lò nấu bánh khoảng 120 - 130 bánh, nấu trong 12 – 13 tiếng đồng hồ nên thường phải thức trắng đêm. Trong khi phải canh cùng lúc 5-6 nồi bánh nên đòi hỏi phải chịu khó, canh lửa cháy đều, chêm nước, đủ thời gian thì bánh mới mềm, dẻo ngon được”.
Người nấu bánh phải bỏ nhiều công sức nên số tiền được trả cũng gấp đôi so với những người gói bánh hay làm các công đoạn khác. “Một ngày đêm chủ trả tôi 500.000 đồng, nếu làm đến hết ngày 30 Tết tôi cũng có một khoản kha khá sắm đồ Tết cho gia đình”, anh Tân tâm sự.
Bánh chưng, bánh té là một công phu thể hiện nét văn hóa truyền thống trong Tết của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bánh chưng, bánh tét của người dân xóm Bàu Sen không chỉ đơn giản là kinh doanh mà đòi hỏi bánh không chỉ đẹp mà phải ngon và đảm bảo các yếu tố vệ sinh.
Doãn Công