Hà Tĩnh:
Theo chân thợ nhí săn “rồng" trên đất cát
(Dân trí) - Trời vừa chuyển sang hè, lũ trẻ vùng biển Mỹ Hòa (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại hí hửng với ngón nghề mới: săn nhông trên cát.
"Rồng đất" là tên mỹ miễu mà các tay nhậu đặt cho thứ đặc sản trên cát này. Giữa đồi khô cỏ cháy gần như hoang vu, có mấy cậu bé tầm 10 -15 tuổi đang lui cui đào xới trên các đồi cát ven biển. Dụng cụ cũng đơn giản chỉ 1 cái thuổng, 1 cái ven, 1 bao lưới nhỏ… vậy là chuyến săn nhông bắt đầu. Lũ trẻ gọi kỳ nhông theo tiếng địa phương là “con chôông”.
Tháng 3 âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển qua nắng nóng, con nhông xuất hiện trên các đồi cát cũng là lúc báo hiệu mùa săn nhông bắt đầu.
Không biết từ khi nào, cứ đến thời gian này, lũ trẻ ở làng biển Cẩm Hòa đã quen với việc săn nhông. Nhiều cậu bé mới 12 - 14 tuổi nhưng tỏ ra khá sành sỏi về thuộc tính cũng như các "mánh" để săn loài bò sát này.
Tú (14 tuổi) rành rọt kể: "Con nhông là loài động vật bò sát đào hang sống trên cát. Mùa đông chúng bít cửa hang ngủ đông nhưng trời nắng ấm thì chúng bắt đầu hoạt động. Ở đây bọn em săn nhông từ tháng 3 âm lịch đến gần hết tháng 8. Nhưng được nhất vẫn là từ tháng 5 - tháng 6 vì đây là mùa sinh sản của chúng".
Muốn bắt nhông nhiều nơi phải đánh bẫy, nhưng cách bắt nhông của lũ trẻ ở đây vô cùng đơn giản lại cực kỳ hiệu quả. Vừa phát hiện hố nhông, lũ trẻ xắn tay dùng thuổng, xẻng đào sâu xuống hố. Với con nhỏ chỉ tầm 1m nhưng có nhiều con lớn, hố sâu phải đào đến gần cả 3m. Đào gần đến sát hố, lũ trẻ dùng một chiếc que cứng thọc sâu vào hố. Thấy động, kỳ nhông lập tức bò lên vậy là bị tóm gọn.
"Đơn giản thế thôi, nhưng nhiều đứa mới đào không quen, dùng thuổng quá tay có khi cắt luôn đuôi hoặc mình con nhông. Mà nhông chết thì hết giá. Phải căn hố mà đào cho chuẩn. ", khoe chiến tích trên tay, cậu bé tên Tiến bật mí.
Kinh nghiệm là thế nhưng "thợ săn" Tiến cũng không ít lần bị tai nạn nghề nghiệp vì bị nhông cắn. Tiến cho hay: "Nhông mà cắn càng giãy thì chỉ có đứt nó mới thả. Cứ để yên chịu một chút nó tự nới lỏng răng mình giãy mạnh một cái mới thoát. Nhưng cũng đau lắm".
Cũng theo lũ trẻ, nhông ở đây thường xuất hiện nhiều ở một số nghĩa trang gần các bãi biển vì chủ yếu là đất cát hoặc các bãi cát ven biển. Nhưng nhiều nhất vẫn là những đồi cát, cao và khô. Chỗ càng nóng, kỳ nhông càng chọn làm nơi trú ngụ.
Để săn kỳ nhông lũ trẻ phải đạp xe xuống cả những vùng biển Thiên Cầm (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cách đó chừng 8 km hoặc sang tận Thạch Văn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) cách hơn 10km. "Ở đây nhiều người biết săn nên cũng con nhông cũng ít. Các vùng khác nhiều người không biết mình xuống săn được nhiều hơn", Tiến cho hay.
Sau một ngày lang thang trên các đồi cát, thành quả là những túi lưới đầy ụ kỳ nhông. Nhông to hay nhông nhỏ đều được bán với một mức giá như nhau.
Những năm gần đây, khi nhông trở thành đặc sản ở nhiều hàng quán, thịt nhông cũng được săn lùng nhiều hơn. Nhiều thực khách cho hay: "Thịt kỳ nhông ăn bùi, béo và thơm. Nhất là dùng băm nhỏ cuộn với lá lốt chiên lên càng dậy mùi và ăn không biết ngán".
Nhông thành đặc sản nên giá cũng nhông cũng đội lên. Cách đây khoảng ít năm, một con nhông chỉ có giá 5 ngàn đồng nhưng hiện nay các nhà hàng sẵn sáng trả từ 12 ngàn đồng - 20 ngàn đồng/ con tùy thời điểm. Có những khi gặp khách mua về nhà, lũ trẻ có thể bán được với giá cao hơn.
Nhiều "thợ săn" nhí lành nghề một ngày có thể kiếm được từ 100 đến 180 ngàn đồng/ ngày. "Bữa nay, bọn em chỉ tranh thủ ngày nghỉ đi kiếm nhông nên kiếm được ít, nhưng 3 tháng hè, nhiều thời gian rảnh có đứa kiếm được hơn 3 triệu trong mấy tháng hè đó", Tú nhanh nhảu.
Không chỉ nghề kiếm thêm thu nhập phụ gia đình, nhiều đứa trẻ ở vùng thôn Mỹ Hòa xem săn nhông như thú vui quen thuộc mỗi dịp hè.
Phượng Vũ