Thêm nhiều tỉnh thành được hỗ trợ cải thiện cuộc sống người khuyết tật

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam với khoảng 60.000 người được hưởng lợi.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo và gặp mặt báo chí tuyên truyền về Dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam (Dự án Hòa nhập) tổ chức ngày 26/12, tại Hà Nội.

Ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng giám đốc NACCET, cho biết, Dự án Hòa nhập đến nay dự án đã thực hiện được 2 năm.

Dự án đang được triển khai trên địa bàn 8 tỉnh gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh. Trong 5 năm thực hiện (từ 2021-2026), dự án Hòa nhập được kỳ vọng sẽ hỗ trợ 60.000 nạn nhân với các dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc cải thiện sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, thiết bị hỗ trợ cũng như cải thiện sinh kế. Tổng giá trị tài trợ không hoàn lại là 65 triệu USD.

Ngoài 8 tỉnh thành đang triển khai, dự án cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật được mở rộng thêm 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Quảng Ngãi với nguồn hỗ trợ bổ sung 30 triệu USD từ Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID.

Như vậy, nạn nhân chất độc da cam của 11 tỉnh thành là những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất được hỗ trợ.

Thêm nhiều tỉnh thành được hỗ trợ cải thiện cuộc sống người khuyết tật - 1

TS Trần Đức Hùng, Phó tổng Giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) (Ảnh: T.T).

Thượng tá, TS Nguyễn Quốc Hùng - Thư ký Ban Dự án Hòa nhập, cho biết, đến nay có khoảng 15.000 người đã được khám sàng lọc, gần 10.000 người được phục hồi chức năng; 400 cán bộ y, bác sĩ phục hồi chức năng được đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đấy, Dự án cũng đã xây dựng hỗ trợ phát triển 20 cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

"Chúng tôi cũng tổ chức giới thiệu việc làm, chú trọng đào tạo việc làm cho các nạn nhân và hỗ trợ sinh kế tại nhà như trồng nấm tăng gia sản xuất, chăn nuôi, làm việc nhỏ lẻ cải thiện cuộc sống... Các thành viên gia đình người khuyết tật cũng được đào tạo hoặc nhận được sự hỗ trợ phù hợp", ông Hùng cho biết thêm.

Trong thời gian qua, các nạn nhân được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ hỗ trợ... Chất lượng cuộc sống của người khuyết tật được cải thiện, bảo đảm hòa nhập xã hội.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2021, dự án Hòa nhập trị giá 65 triệu USD với tài trợ từ USAID hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian thực hiện là 5 năm,  dự án đặt mục tiêu bảo đảm tất cả người khuyết tật đều có cơ hội tham gia đầy đủ vào xã hội và cải thiện được tổng thể chất lượng cuộc sống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm