Thầy Văn Như Cương dạy con

Với 3 con gái đều làm việc trong ngành sư phạm, nhà giáo Văn Như Cương luôn dạy con cách nghĩ không phụ thuộc vào người khác.

Bài học từ lao động

Tự nhận mình là người nghiêm khắc, thầy Cương luôn kiểm tra sát sao chuyện thực hiện công việc, học tập của con. Ông luôn nhất quán một quan điểm là cùng với việc học, con trẻ cũng cần được lao động và làm việc. Cha mẹ nên tập cho trẻ làm những việc vừa sức mình chứ không nên chỉ biết học.

Vì thế, từ khoảng 7 đến 8 tuổi, lần lượt cả 3 con gái của PGS Văn Như Cương đều tham gia cùng với bố mẹ trong việc nhà. Kỷ niệm “rèn con” mà thầy nhớ nhất gắn liền với mảnh đất rộng 100m2 ở Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 1975, giá đất rẻ nên vợ chồng thầy mua được nhờ vào tiền nhuận bút thầy viết sách và bán chiếc xe đạp Thống Nhất cô được mua theo diện phân phối, bình xét trước tập thể. Đất rộng nhưng căn nhà lợp mái dầu chỉ khoảng 25m2, gia đình thầy bắt đầu trồng rau, cây ăn quả trên phần đất còn lại. Hàng ngày, ngoài giờ học, thầy đều bảo các con cùng ra vườn trồng rau, tưới nước cho cây.

“Thời đó chưa có hệ thống đường dẫn nước vào vườn, nên muốn có nước tưới cho cây phải đi gánh. Thế là các con phải làm quen với việc dậy từ 3h sáng để đi gánh nước tưới cây”, thầy Cương kể. Đến khi rau trái thu hoạch được, để các con biết được giá trị của đồng tiền và công sức đã bỏ ra, thầy Cương để các con tự cắt rau, bó lại, rồi cùng bố mẹ mang ra chợ bán. Cứ thế, ngoài việc học, cả 3 con gái của thầy đều lần lượt thay nhau phụ giúp bố mẹ tăng thu nhập cho gia đình từ khi còn bé.


Thầy Văn Như Cương cùng vợ con và các cháu - Ảnh: NVCC

Thầy Văn Như Cương cùng vợ con và các cháu - Ảnh: NVCC

Thầy Cương kể lại một kỷ niệm vui: “Lúc còn khó khăn, con gái tôi chỉ có hai cái quần. Có hôm, một cái thì mẹ đã giặt, cái còn lại mặc trên người đi trời mưa bị ướt nhẹp. Sáng dậy không có quần để mặc nên con phải cho quần vào nồi... rang cho khô. Không biết thế nào lại cháy luôn cả cái quần”. Lần đó, để con tự lo, thầy Cương biết rằng con đã có sáng kiến chứ không chịu bó tay trước khó khăn. Cũng qua lao động, con  gái của thầy đã rút ra bài học về sự cẩn thận. “Qua lao động cũng có sự giáo dục nhất định bởi có lao động thì mới sáng tạo được. Lần đầu có thể sự sáng tạo đó chưa trọn vẹn, thậm chí đi theo hướng mà chúng ta không mong muốn nhưng ở những lần sau kết quả sẽ tốt hơn”, thầy Cương nói.

Không dựa dẫm

Một trong những kỷ niệm mà thầy Cương và những thành viên trong gia đình khó có thể quên được là thời điểm con gái đầu của thầy thi vào ĐH. Chị này thích vào khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đang là giảng viên khoa Toán, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Cương cũng động viên con nộp hồ sơ bởi nghĩ, con theo nghề của bố cũng là điều tốt. Thời điểm đó, Sư phạm Toán là một trong những ngành lấy điểm tương đối cao nhưng thi xong, con gái của thầy lại thiếu nửa điểm. “Lúc ấy người thân và gia đình tôi có hỏi, liệu có tiêu chuẩn ưu tiên con em cán bộ trong trường không? Tôi bảo là không có. Thực ra, nếu muốn thì có thể phúc tra, rồi “nhờ vả”, chuyện lên được nửa điểm chắc không khó. Tôi nói với con rằng thiếu nửa điểm là kém người ta nửa điểm, không được vào, phải học lại thôi”, thầy Cương nhớ lại.

Mãi sau này các đồng nghiệp trong khoa Toán mới biết năm đó con của thầy thi vào ĐH Sư phạm. “Mọi người cũng hỏi nhưng rồi vì ai cũng biết tính tôi cứ “sòng phẳng mà làm” nên không nhắc lại chuyện đó nhiều”, thầy Cương kể. Bằng nỗ lực của bản thân, sau một năm, con gái của thầy cũng thỏa ước mơ vào ĐH Sư phạm. Lần này, chị đỗ vào Sư phạm Ngoại ngữ.

Giờ đây, đã gần 80 tuổi nhưng thầy Cương vẫn thường dặn các con: Đừng nghĩ đến chuyện dựa dẫm vào vị trí của bố để “chạy chọt” hay làm bất cứ điều gì không chính đáng, bởi dựa dẫm vào ai đó, đơn giản là điều không nên.

PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học… Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Theo Phụ nữ Việt Nam