Thầy giáo kể sai lầm khi dạy bơi, chỉ tích tắc lơ là sẽ khiến trẻ mất mạng
(Dân trí) - Theo thầy giáo Tuấn Anh, khi dạy bơi, giáo viên có đủ việc cần làm từ quan sát học trò, hướng dẫn các kỹ thuật... Thời gian một phút không rảnh huống chi nói tới việc dùng điện thoại hay buôn chuyện.
Vụ việc nam sinh lớp 9 ở Hà Nội đuối nước do thầy giáo thiếu quan sát, ngồi lướt điện thoại suốt buổi dạy khiến dư luận bức xúc. Từ đây, câu chuyện về việc dạy bơi, giám sát cứu hộ ở bể bơi được nhiều người bàn luận sôi nổi.
Chị Nguyễn Hà Chi (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, vì xác định bơi lội là một kỹ năng quan trọng phòng tránh đuối nước nên mùa hè vừa rồi, chị đã đi tìm lớp học bơi cho con.
Tuy nhiên, khi đi thực tế tại một số điểm dạy bơi, chị cảm thấy chưa thật an tâm về mức độ an toàn nên chần chừ lùi kế hoạch lại năm sau.
"Mùa hè trẻ em đi học bơi rất đông, có trung tâm rơi vào quá tải. Tôi sợ một giáo viên dạy nhiều học sinh cùng lúc sẽ không kiểm soát hết được nên chưa cho con đi học", chị Chi nói.
Thầy giáo Đặng Tuấn Anh, giáo viên giáo dục thể chất Trường Tiểu học Xuân Vinh (Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ, ngày càng có nhiều cha mẹ cho con đi học bơi để rèn luyện sức khỏe, phát triển chiều cao, phòng tránh đuối nước. Ở nhiều trường học, bơi lội được chọn là môn học thể chất chính.
Nhiều trung tâm bơi lội, bể bơi công cộng vì thế được mở ra và hoạt động hết công suất trong dịp hè. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy bơi thành công, trang bị cho trẻ các kỹ năng bơi lội và đảm bảo được an toàn là điều không hề dễ dàng.
"Thực tế vẫn xảy ra tình trạng giáo viên nhận dạy quá đông khiến bản thân không để mắt hết được. Ngoài ra, khi giảng dạy hay đảm nhiệm vị trí cứu hộ có người còn làm việc riêng, nói chuyện, xem điện thoại", giáo viên này nói.
Theo thầy giáo Tuấn Anh, khi dạy bơi, giáo viên có đủ việc cần làm từ quan sát học trò, hướng dẫn các kỹ thuật bơi, cách thở... Thậm chí khi ai đó có việc riêng thì cũng phải chờ có người thay thế mới dám rời vị trí. Thời gian một phút không rảnh huống chi nói tới việc dùng điện thoại hay buôn chuyện.
Nhìn chung, mỗi người luôn phải tập trung 100% tinh thần vào công việc của mình, tuyệt đối không được lơ là bất cứ giây phút nào. Bởi một tích tắc lơ là có thể khiến trẻ bị đuối nước, mất mạng.
"Nước là môi trường để trẻ bơi lội nhưng cũng tiềm ẩn vô số nguy hiểm. Là người dạy, các giáo viên chúng tôi luôn phải lường trước được nguy hiểm để đề phòng và hướng dẫn trẻ bình tĩnh xử lý", thầy giáo Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo thầy giáo thể chất này, để đảm bảo an toàn, mỗi giáo viên chỉ nên phụ trách dạy tối đa cho 10 trẻ trong một buổi dạy.
Trước mỗi buổi dạy bơi, giáo viên phải dành thời gian phổ biến các quy tắc, căn dặn các em những điều cần lưu ý như: Không được xuống bể khi giáo viên chưa cho phép, không được ấn đầu các bạn xuống nước trong khi bơi, cách xuống nước, cách thở...
Đặc biệt, trước khi học sinh xuống bể, giáo viên phải chỉ cho học sinh những vùng nguy hiểm, tuyệt đối không được bơi ra.
Nhiều bể bơi có các mức độ sâu khác nhau. Học sinh chỉ được phép bơi ở những vùng nước có độ sâu phù hợp với mình. Thậm chí, trong cùng một lứa tuổi, có trẻ thấp, có trẻ cao nên dù ở độ sâu nào thì giáo viên cũng phải quan sát trò suốt buổi học.
Về những cái khó khi dạy bơi, thầy giáo này chia sẻ, trẻ em, học sinh vốn tính hiếu động, thích khám phá. Nhiều trẻ thậm chí chưa biết bơi nhưng đã nhảy ùm xuống nước.
Nhiều trẻ đến bơi ở các bể công cộng, dù đã biết bơi nhưng không khởi động trước khi xuống bể, ham ra vùng nước sâu… nên rất dễ gặp tình trạng chuột rút, chới với, hụt hơi, mất sức không thể bơi vào vùng an toàn.
Chính vì vậy, theo thầy giáo Đặng Tuấn Anh, để không xảy ra các tình huống bất trắc vì trẻ bơi quá sức, giáo viên dạy bơi chỉ nên cho các em bơi những khoảng cách phù hợp với lứa tuổi, không bơi quá xa.
Chẳng hạn từ lớp 1 đến lớp 3 các em chỉ nên bơi từ 5-10m, từ lớp 3 đến lớp 5 chỉ nên bơi 20m, lớp 8-9 chỉ nên bơi 25-30m.
Giáo viên này cũng nhấn mạnh, kỷ luật tại bể bơi rất quan trọng. Người học cần nghe theo hiệu lệnh của giáo viên còn người dạy thì phải làm việc bằng cái tâm, bảo vệ học trò như chính con em, người thân của mình.
"Hè vừa rồi, chúng tôi có tổ chức dạy bơi cho các em học sinh trong huyện. Ngoài các giáo viên dạy bơi, chúng tôi phải thuê thêm một lượng lớn nhân viên cứu hộ để đảm bảo cứ 10m bể bơi sẽ có một nhân viên cứu hộ đứng quan sát liên tục.
Chỉ cần thấy trẻ chấp chới là nhân viên sẽ lao ngay xuống nước để đưa các em lên. Chúng tôi chấp nhận trả mức thù lao cao lên tới 1 triệu đồng/ngày cho các giáo viên dạy bơi để đảm bảo an toàn cho trẻ em học bơi", thầy giáo này chia sẻ.
Từ những vụ việc đuối nước thương tâm gần đây, thầy giáo này cũng cho rằng, với trẻ nhỏ, dù đã biết bơi thì bố mẹ vẫn phải lưu tâm đến vấn đề an toàn, có người giám sát đi cùng.
Khi cho con học bơi không nên đặt mục tiêu quá cao là con sẽ biết bơi giỏi, bơi dài. Điều quan trọng nhất các con cần ghi nhớ là khả năng bình tĩnh, kỹ năng nổi, kỹ năng đứng nước, thả lỏng cơ thể để bơi vào bờ... khi không may gặp các tình huống ngoài dự tính.
Liên quan tới câu chuyện an toàn khi dạy bơi, TS. Nguyễn Thị Hiền Thanh - Trưởng ngành kinh tế thể thao, Trường Đại học Hoa Sen cũng cho rằng, tại bể bơi, giáo viên và huấn luyện viên phải tập trung hướng dẫn, quan sát, kịp thời nhận biết nguy cơ và phát hiện sự cố.
Trong các ngành nghề khác, hoặc trong chính nghề dạy học ở các môn học khác, thiếu trách nhiệm có thể không gây ra hậu quả nhìn thấy được. Nhưng trong lĩnh vực bơi lội, thiếu trách nhiệm là thấy hậu quả ngay, thậm chí là hậu quả rất đau lòng.