Tết đến, người miền Tây không thể thiếu tiếng đờn tài tử, lời ca vọng cổ
(Dân trí) - Đờn ca tài tử được xem như một “món ăn” văn hóa tinh thần không thể thiếu với người dân miền Tây Nam Bộ. Những dịp Tết đến, Xuân về, tiếng đờn, câu ca vọng cổ lại vang lên rộn ràng khắp nơi.
Có thể nói, với người dân Bạc Liêu nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói chung, ai cũng biết đến bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử. Với nhiều người, tiếng đờn, câu ca vọng cổ đã “ăn sâu” vào lòng người mộ điệu.
Chính vì thế, những dịp Tết đến, xuân về, hầu như khắp xóm làng nào trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng rộn ràng tiếng hát đờn ca để góp thêm không khí vui tươi đón năm mới.
Đờn ca tài tử không chỉ được thể hiện trong những cuộc vui của bà con làng xóm mà còn được nhiều địa phương chọn làm nên những cuộc “thi tài”. Do đó, liên hoan Đờn ca tài tử thường được tổ chức vừa tạo ra sân chơi vừa có thêm hoạt động phong phú để mừng Đảng, mừng Xuân mới.
Như huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) vừa tổ chức thành công Hội thi Đờn ca tài tử đón Tết Kỷ Hợi 2019. Cuộc thi đã diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp và không kém phần sôi nổi, gay cấn từ những đội tham gia tranh tài.
Theo một đội thi cho biết, hầu hết người đờn và người ca trong đội thi được chọn từ những người có tiếng ở địa phương ở lĩnh vực này, đặc biệt là rành về 20 bản tổ Đờn ca tài tử như nam xuân, lưu thủy, xuân tình,… Và đặc biệt, những bản vọng cổ mỗi khi được cất lên luôn làm đắm say lòng người.
Phát biểu trong một đêm khai mạc hội thi Đờn ca tài tử, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lợi khẳng định, chúng ta rất tự hào về những bậc tiền bối Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã có công sáng tạo và truyền bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, việc giữ gìn, phát huy, làm cho nó ngày càng phát triển và trường tồn là nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân và người mộ điệu.
Huỳnh Hải