Tam giác Bermuda có nguy hiểm thật không?
(Dân trí) - Huyền thoại về Tam giác Quỷ bắt đầu vào lúc 2 giờ10 phút chiều ngày 5/12/1945, chính là thời điểm số phận của Chuyến bay 19 đột ngột bị kết liễu.
Đó là sự kiện đầu tiên, cũng là sự kiện bí ẩn nhất, được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử của tam giác Bermuda. Trong ngày định mệnh ấy, 2 viên phi công dày dạn kinh nghiệm đã cất cánh theo đúng lộ trình thông thường hướng vào trời trong sáng như pha lê. Vậy mà chẳng mấy chốc, họ đánh điện về trung tâm thông báo bị lạc hướng trong cơn hỗn loạn và hoảng sợ, sau đó thì biến mất không tăm tích.
Kể từ đó tới nay, huyền thoại về Tam giác Quỷ bắt đầu được thêu dệt bằng hàng trăm câu chuyện kỳ bí. Vùng biển Bermuda nằm giữa mũi Gatterac, bán đảo Florida và quần đảo Puerto Rico của Cuba thoắt biến thành ác thú khát máu, nổi tiếng với vô số vụ nuốt chửng tàu bè và máy bay.
Vả chăng, người đời cũng thích lý giải bí ẩn này bằng những niềm tin huyễn hoặc: nào là người ngoài hành tinh lẩn trốn dưới làn nước đen vĩnh cửu, nào là dưới biển Bermuda có cánh cửa dẫn tới chiều không gian khác, thậm chí có người còn vẽ ra quả cầu sôi ùng ục khí me-tan với kích thước khổng lồ...
Thực ra, câu trả lời chỉ gói gọn trong một phép suy luận logic cực kỳ đơn giản: Tam giác quỷ là vùng biển tập trung nhiều tàu bè qua lại nhộn nhịp nhất, tuy nhiều tai nạn là vậy nhưng tính ra tỷ lệ cũng chỉ ngang bằng với những vùng biển khác mà thôi.
Thêm nữa, do đặc trưng về vị trí địa lý mà vùng nước này thường xuyên chịu tác động của bão lốc bất ngờ. Theo Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, dòng hải lưu từ vịnh Mexico qua Đại Tây Dương đến châu Âu, trên đường ghé ngang qua đây luôn xóa sạch mọi tàn tích thảm họa, một cách tích cực và nhanh chóng không ngờ.
Độ sâu lòng biển tới 30.000 feet (gần 9.000 mét) ở vùng nước này cũng đóng một vai trò không nhỏ trong những vụ mất tích bí hiểm trên tam giác Bermuda.
Còn về Chuyến bay số 19, các nhà điều tra tiết lộ sự thật bị giấu diếm rằng: hai viên phi công “nhiều kinh nghiệm” ngày hôm đó thực chất chỉ là 2 tay lái tập sự, và thời tiết không có dấu hiệu gì để có thể gọi là “trong sáng như pha lê”.
HM
Theo Live Science