Số phận gốc cây cuối cùng của sa mạc Sahara
(Dân trí) - Được mệnh danh là kẻ cô đơn nhất hành tinh, trong suốt mấy chục năm trời, sồi Ténéré đứng trơ trọi giữa sa mạc Sahara với 400 km chung quanh không một dáng cây ngọn cỏ làm bầu bạn.
Hồi còn sống, sồi Ténéré đã là cái cây nổi tiếng thế giới - vật thể tự nhiên duy nhất được đánh dấu trên bản đồ sa mạc Sahara, cột mốc quan trọng dẫn đường cho các đoàn lữ hành đi qua vùng mênh mông cát nắng.
Trước khi biến thành chảo rang nóng cháy, khá nhiều cây cỏ đã sinh sôi trên mảnh đất Sahara. Quá trình sa mạc hóa ngày càng khắc nghiệt khiến cho các loài lần lượt bỏ đi dần, chỉ còn cây sồi vững vàng trụ lại qua hàng chục năm trong nắng gió như thiêu như đốt.
Mùa đông năm 1938, người ta thử đào 1 cái giếng ngay bên cạnh sồi Ténéré và ngỡ ngàng phát hiện ra: rễ cây đã cắm xuống lòng đất tìm nước ở độ sâu tận 36 m.
Đáng buồn thay, thiên nhiên hà khắc không mảy may làm sồi Ténéré suy chuyển thì ngày mùng 8 tháng 11 năm 1973, bậc đại thụ từ trần “lãng xẹt” khi một gã say rượu người Libi lái xe tải tông vào sồi một phát chí tử.
Xác cây sồi được đưa về Bảo tàng quốc gia Nigeria tại thủ đô Niamey. Tưởng nhớ bậc cao niên oai hùng nhất trong thế giới thực vật, người ta đã dựng một mẫu điêu khắc bằng sắt trên tuyến đường mòn băng qua vùng Ténéré.
Ngày nay, khách qua đường vẫn thấy sừng sững cột mốc này và thầm tiếc nuối cho số phận cá cây cuối cùng của sa mạc Sahara.
Thùy Vân
Tổng hợp