Những vật cũ mòn tôi luyện nên 4 tài năng vàng thành công vang dội tại Việt Nam
(Dân trí) - Ở đỉnh cao sự nghiệp, Công Vinh vẫn luôn trân quý đôi giày cũ mòn thuở mới vào nghề; Stefan Nguyễn gìn giữ những trái bóng sờn rách như báu vật; trong khi Châu Tuyết Vân vẹn nguyên ký ức về chiếc đai võ đầu tiên bước qua trong đời…
Là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho tuyển quốc gia (51 bàn thắng), song ít ai biết rằng, Công Vinh từng rất tự ti về tài năng bóng đá thua kém bạn bè. “Đó là những ngày tập luyện vô cùng cực nhọc tại tuyển quốc gia. Tôi không có yếu tố thiên bẩm nào, trong khi đồng đội, người rất nhanh, người cực kỳ khéo léo, người lại có sức càn lướt dũng mãnh. Nhưng chơi bóng đá, tôi hiểu rằng, ý chí quyết tâm, nỗ lực bền bỉ mỗi ngày mới là yếu tố then chốt tạo nên một cầu thủ giỏi. Vì vậy tôi ra sức luyện tập theo giáo án riêng, giày có hao mòn, áo đẫm mồ hôi… thì tự nhủ trong lòng thành công sắp tới gần”, Công Vinh chia sẻ.
Ở tuổi 35, Công Vinh vẫn còn giữ những đôi giày cũ mòn, minh chứng cho những nỗ lực từ thuở mới theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp. Trong đó, có một đôi giày “bảo bối” cùng anh luyện tập rõng rã suốt từ năm 2004 đến 2006 – hai năm liền Công Vinh giành được “Quả bóng vàng Việt Nam”. Trong 100 bàn thắng mà nam cầu thủ ghi tại V.League, đôi giày đã cùng anh chinh chiến và đoạt thắng lên tới 20 bàn.
“Đôi giày này không chỉ đẫm mồ hôi, mà còn cả máu nữa. Có những buổi đấu tập, hai móng chân cái của tôi bật ra, đau nhức. Mỗi cuộc rượt đuổi trên sân, những cú đá nảy lửa, lại làm giày cũ hơn. Mọi khoảnh khắc cảm xúc trong trận đấu, nó đều cùng tôi trải qua hết. Sau này tôi không mang nữa, nhưng đôi giày vẫn được đặt ngay cạnh 3 trái bóng vàng danh giá. Bởi tôi muốn mỗi lần nhìn vào vinh quang của sự nghiệp, thì luôn nhớ, “trái ngọt” đó là do quyết tâm và bền bỉ mà có.”
Thành công nào cũng phải trả giá bằng xương máu và nỗ lực. Với Stefan Nguyễn, cầu thủ châu Á đầu tiên thi đấu cho đội tuyển bóng rổ quốc gia Thụy Điển, đó còn là hành trình dài bứt phá khỏi định kiến người da vàng khi sống tại đất nước Bắc Âu.
“Khác biệt màu da khiến tôi tìm đến bóng rổ như một nguồn động viên tinh thần. Mỗi lần chơi thể thao, tôi quên hết tất cả buồn chán, suy nghĩ tiêu cực hay bất công về cuộc sống. Bóng rổ dần trở thành niềm yêu thích và đam mê mãnh liệt của tôi. Tôi cứ tập luyện đều đặn 4h/ngày, cho đến một ngày U15 của đội tuyển quốc gia Thụy Điển tuyển thành viên, cơ hội chứng tỏ bản thân của tôi đã đến. Vượt qua 1.000 người dự thi để lọt vào top 12, cảm giác lúc ấy rất tự tin và tự hào người châu Á nhưng khả năng, tầm vóc, thể chất không thua kém ai”, Stefan nói về trái bóng rổ đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu.
Song trái bóng rổ cũ nhất, ý nghĩa nhất mà Stefan Nguyễn cất giữ phải kể đến thời điểm chơi cho đội tuyển quốc gia Thụy Điển U16. “Trái bóng này đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của tôi. Hồi đấy, tôi tập luyện đam mê đến mức tối đi ngủ cũng ôm lên giường, ăn và ngủ cùng trái bóng. Về Việt Nam tôi vẫn mang theo nó như một kỷ niệm, một người bạn chứng kiến hành trình chơi bóng chuyên nghiệp của bản thân, vất vả và vinh quang đến chừng nào. Có trái bóng cũ mòn ngày hôm đó, 13 năm về trước, mới có Stefan ngày hôm nay”, Stefan chia sẻ.
Cũng từng “ôm vợt đi ngủ”, tuyển thủ Lý Hoàng Nam vô địch giải nhà nghề Men’s Fortunes 2017 và 2018, Wimbledon 2015… không ngại chia sẻ về những kỷ niệm thuở bé thơ. Từ một cậu bé 9 tuổi chỉ biết nhặt bóng, kiên định theo đuổi đam mê cuối cùng đã mang lại thành công vang dội cho Hoàng Nam 6 năm sau.
Trong sự nghiệp thi đấu, anh từng thay bỏ hơn 20 cây vợt, nhưng vẫn cất giữ riêng một cây vợt hiệu Prince. Đó là cây vợt Hoàng Nam chơi trong suốt 2 năm đầu tiên bắt đầu sự nghiệp thể thao, chứng kiến anh trở thành “Tay vợt trẻ nhất vô địch quốc gia” khi chưa đầy 16 tuổi (năm 2012), “Tuyển thủ đầu tiên giành huy chương vàng Á Vận hội Trẻ” (năm 2013).
Hoàng Nam cho biết: “Cây vợt chất lượng rất tốt, giờ không còn sản xuất nữa, nên tôi càng quý trọng hơn. Quần vợt là bộ môn rèn luyện dài hơi, mất nhiều thời gian rèn luyện thể lực và cả tâm lý thi đấu vững vàng. Tuy thuận tay phải, nhưng tôi đã cố gắng khổ luyện rất nhiều cho tay trái, để có thể đánh tốt cả hai tay từ cuối sân. Mỗi lần ngắm nhìn cây vợt lại có động lực rất lớn, bởi nó không chỉ đánh dấu cột mốc sự nghiệp của tôi, mà còn đem về thành tích về cho cả quần vợt Việt Nam”.
Nếu vật cũ mòn rèn nên nhà vô địch, thì món đồ làm nên Châu Tuyết Vân 6 lần vô địch Taekwondo thế giới chính là chiếc đai bạc màu theo cô suốt 10 năm. “Tấm đai này, là thầy giáo tặng tôi khi bắt đầu bước chân vào đội tuyển quốc gia. Mỗi lần đi thi đấu tại bất cứ giải nào, tôi cũng mang theo bên mình như thần hộ mệnh.”
“Với tôi, chiếc đai cũ, như một nhân chứng, một người thầy giám sát mọi quá trình rèn luyện chăm chỉ. Hồi nhỏ, tôi thể trạng vốn yếu ớt, nhờ võ thuật mà khỏe mạnh và tự tin hơn. Khoảng thời gian cực nhất là năm lớp 12, vừa phải chuẩn bị cho 2 kì thi quan trọng trong đời học sinh, vừa phải đều đặn đến Quân khu 7 tập luyện tới khuya. Mỗi lần lên bục nhận huy chương vàng, tôi lại nắm chắc chiếc đai, nghe Quốc ca Việt Nam cất lên, bật khóc trong hạnh phúc vì những cố gắng đã được đáp đền”, Vân chia sẻ kỷ niệm sâu đậm nhất cuộc đời.
“Khi một vật dụng cũ mòn đi, cuộc sống đón chào một nhà vô địch mới”. Triển lãm "Vật cũ mòn... chuyện chưa kể" do Nestlé Milo tổ chức đã thực sự truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường thực hiện ước mơ trở thành nhà vô địch và giúp mọi người hiểu rằng đằng sau mỗi vật dụng thể thao cũ mòn là quá trình luyện tập bền bỉ, học cách đứng lên sau thất bại, nỗ lực chiến thắng bản thân với quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê.