Những thứ miễn phí mang đậm tình người trên đường phố Hà Nội
(Dân trí) - Nước uống, quần áo, đồ ăn,… đó là những thứ miễn phí mà bạn có thể vô tình bắt gặp trên đường phố Hà Nội. Dù không mang nặng giá trị vật chất, nhưng những món quà này còn đắt giá hơn tất cả, bởi nó đong đầy hơi ấm tình người.
Bình nước lọc miễn phí giữa phố cổ
Trên phố Hàng Bông (Hà Nội), thỉnh thoảng người ta lại thấy có chị bán hàng rong hoặc người thu mua sắt vụn ghé vào một góc đường và tự nhiên rót nước uống từ chiếc bình đã được đặt sẵn. Ở Hà Nội, những điểm nước uống miễn phí thế này không ít, từ Hàng Bông, Hoàng Cầu,… cho đến Tôn Đức Thắng. Những cốc nước dù chẳng mang giá trị vật chất lớn lao nhưng cũng đủ làm mát lòng người lao động nghèo.
Ghé vào trước số nhà 65 Hàng Bông, sau khi đon đả cất lời chào chủ nhà, chị Hoa (40 tuổi, Thanh Hóa) nhanh tay rót đầy nước vào chiếc chai mang theo. Chị vui vẻ kể chuyện: “Có những bình nước thế này quả thật không gì sánh bằng. Thực ra, một cốc trà đá hay một chai nước giải khát không đáng là bao, nhưng tôi không thể có điều kiện để ngày nào cũng mua uống mấy lần. Tôi thường ghi nhớ hết các địa chỉ có nước miễn phí rồi “canh” sao cho chuẩn để mỗi lần đi qua có thể lấy được đầy chiếc chai này. Thực sự rất biết ơn những người có tâm đã đỡ cho chúng tôi một khoản chi phí”.
Trao đổi với PV Dân trí, chú Trương Thanh (chủ nhà 65 phố Hàng Bông) cho biết, trước đây bình nước này được đặt ở Bờ Hồ cho mọi người cùng uống, nhưng nay chú quyết định để ngay trước cửa nhà cho tiện việc di chuyển. Sang tháng sau, chú Thanh sẽ để thêm bánh mỳ miễn phí cho những người có nhu cầu.
“Tôi không làm việc này để lấy tiếng tăm hay vì bất cứ mục đích gì. Tôi chỉ có suy nghĩ đơn giản thế này, bất cứ ai cũng mong muốn nhận được lòng tốt từ người khác, và họ uống nước ở đây tức là nhận lòng tốt từ tôi. Trước khi làm điều gì xấu, họ sẽ nhớ đến những cốc nước hay những điều tốt mà người khác đã hi sinh cho họ mà dừng hành động đó lại”, chú Thanh tâm sự.
Đều đặn, cứ 2 lần trong một ngày, xe chở nước lại đem đến nhà chú Thanh những bình nước đầy ắp. Chú nhớ lại đợt nắng nóng đỉnh điểm năm ngoái có hôm hết đến 30 bình. “Lúc đầu còn nhiều người e ngại, nhưng sau thành quen, họ truyền tai nhau địa chỉ và ngày càng có nhiều người đến dùng nước. Tôi không coi đây là từ thiện mà chỉ là lòng tốt đơn thuần. Nhìn thấy nụ cười hay nhận được lời cảm ơn từ họ, tôi cũng thấy mình giàu rồi”, chú Thanh chia sẻ.
Trạm sạc xe điện miễn phí đầu tiên tại Hà Nội
Vào giữa năm 2016, tại Thủ đô Hà Nội đã xuất hiện những trạm sạc xe đạp điện miễn phí được đặt tại 3 địa điểm trên phố Thái Hà, Điện Biên Phủ và Bà Triệu.
Theo quan sát, những trạm sạc điện này khá nhỏ, gọn và được gắn trong tường của các cửa hàng với đủ các loại đầu sạc của các dòng xe đạp điện khác nhau. Hướng dẫn sử dụng an toàn cũng được ghi đầy đủ trên trạm sạc. Thêm nữa, ở mỗi điểm sạc sẽ có nhân viên bảo vệ giúp đỡ nếu người dùng có nhu cầu.
Theo tìm hiểu, việc lắp trạm sạc xe điện miễn phí cho người đi đường là sự hợp tác của một hãng thời trang và một công ty chuyên cung cấp xe điện tại Hà Nội. Việc lắp đặt các trạm nạp điện nhằm khuyến khích người dân sử dụng các loại năng lượng sạch.
Chị Nguyễn Thị Hiền, cửa hàng trưởng của một chi nhánh hãng thời trang nêu trên cho biết, từ khi lắp đặt, các trạm sạc điện đều đón nhận những phản hồi rất tốt của người tham gia giao thông. Mỗi ngày trung bình có khoảng 15-20 người mang xe qua sạc và con số này “nhỉnh” hơn một chút vào cuối tuần, chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên và người cao tuổi.
“Chúng tôi lắp sạc điện không nhằm mục đích để quảng cáo mà chỉ muốn khuyến khích mọi người đi xe đạp điện và sử dụng các loại nhiên liệu bảo vệ môi trường”, chị Hiền cho hay.
Mỗi trạm sẽ sạc điện được cho 2 xe cùng một lúc. Thời gian sạc kéo dài khoảng 30 phút sẽ giúp cho xe đạp chạy thêm quãng đường là 16,7 km.
Tủ quần áo “ai thừa ủng hộ, ai thiếu đến lấy”
Xuất hiện từ đầu năm 2017 , cho đến nay, tủ quần áo trên phố Nguyễn Chí Thanh đã trở thành “địa chỉ” quen thuộc của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Với khấu hiệu “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến lấy”, tủ quần áo này thỉnh thoảng lại có người đến cho và nhận đồ.
Chiếc tủ được đặt nép gọn vào góc tường, bên trong treo kín quần áo các loại dành cho mọi lứa tuổi, đủ cả mùa đông lẫn mùa hè. Chị bán hàng nước gần đó được giao giữ chìa khóa tủ cho biết: “Người ta cho nhiều quần áo quá nên phải để cả ra ngoài. Đối tượng đến đây toàn là người lao động nghèo, việc có được tấm áo mới là điều xa xỉ, nên khi tìm được cái nào vừa vặn họ vui lắm.
Tần ngần mãi trước đống quần áo mới chọn cho mình được một đôi dép vừa vặn, bà Lan (75 tuổi) cảm động: “Không có tiền nên tôi phải nhờ vào lòng tốt của các cô, các chú. Tầm tuổi già như tôi muốn tìm quần áo trong tủ này thì hầu như không có, nhưng có được đôi dép để đi chợ là mừng rồi”.
Tủ quần áo cho người nghèo này do một nhóm xã hội có tên “Áo quần từ thiện" lên ý tưởng và thực hiện. Các thành viên của nhóm là những người trẻ đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội. “Đối với nhiều người đó chỉ là một manh áo cũ bỏ đi, nhưng với người nghèo đó là món quà của trái tim, tình người giúp họ vượt qua khó khăn”, chị Hoàng Thị Xuân- thành viên trong nhóm chia sẻ.
Chị Xuân cho biết thêm: “Nhiều người muốn tặng quần áo cũ cho người nghèo nhưng không biết làm thế nào. Giờ đây, tủ quần áo như là một địa điểm để tiếp nhận tấm lòng thơm thảo của họ, là cầu nối mang hơi ấm và niềm hạnh phúc đến tận tay người nghèo. Ngược lại, có những người có hoàn cảnh khó khăn khi được tặng quần áo thường ngại, họ không muốn nhận dù mình biết họ đang rất cần. Thế nên nhóm mình làm tủ quần áo này để tạo cảm giác không ai giám sát, cho người đến lấy không có cảm giác ngại ngùng. Quần áo hoàn toàn miễn phí. Người có nhu cầu chỉ cần đến và lựa chọn đồ cần thiết”.
Hoàng Ngọc