Những sai lầm biến điện thoại di động thành “hung thần”

(Dân trí) - Hiện nay, nhiều người có thói quen phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị kỹ thuật số, đặc biệt là điện thoại di động. Bên cạnh những lợi ích thì chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại khôn lường cho sức khỏe nếu sử dụng sai cách.

Để điện thoại trong túi quần, túi áo

Nếu thường xuyên để điện thoại di động trong túi quần sẽ làm giảm tỷ lệ tinh trùng khỏe mạnh của nam giới xuống 8%. Trong khi đó, những người không tiếp xúc với điện thoại di động số lượng tinh trùng di chuyển bình thường là 50-85%. Đây là phát hiện của nhóm nghiên cứu khoa sinh học Trường ĐH Exeter (Anh).

Tác giả cho rằng, nguyên nhân có thể do việc tiếp xúc với bức xạ điện từ phát ra từ điện thoại di động ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng, khiến chúng chuyển động chậm và có thể gây vô sinh. Ngoài ra, việc để điện thoại trong túi áo, túi quần tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch do cơ thể hấp thụ trực tiếp sóng từ.

Cũng theo kết quả nghiên cứu trên thì có tới 14 % các cặp vợ chồng gặp khó khăn khi thụ thai trong số những người trưởng thành dùng di động.

Thường xuyên để điện thoại trong túi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng ở nam giới (Ảnh: Internet)
Thường xuyên để điện thoại trong túi sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng ở nam giới (Ảnh: Internet)

Để điện thoại bên cạnh khi ngủ

Theo một cuộc khảo sát, có tới 44% số người cho biết họ thường có thói quen để điện thoại và nhiều thiết bị nghe nhìn phát ra ánh sáng xanh bên cạnh khi ngủ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc để điện thoại bên cạnh khi ngủ sẽ gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại hay các thiết bị nghe nhìn khác sẽ gây ức chế việc sản xuất hoóc-môn melatonin và phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể. Ngoài ra, nếu để điện thoại bên mình lâu dài (đặc biệt là khi ngủ) không chỉ ảnh hưởng tới giấc ngủ mà còn gây đau đầu, đau cơ và thậm chí là suy giảm trí nhớ.

Nghe điện thoại ở khoảng cách quá gần

Não bộ của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thường xuyên nghe điện thoại ở cự li quá gần. Đặc biệt, với những trường hợp tín hiệu điện thoại kém, theo bản năng, nhiều người càng để sát điện thoại vào tai. Tuy nhiên, lúc này sóng điện từ của điện thoại lại tăng lên rõ rệt càng làm bức xạ ảnh hưởng tới não bộ tăng lên gấp nhiều lần.

Các chuyên gia khuyên rằng, khoảng cách lý tưởng giữa tai và điện thoại khi nghe máy là 5 cm. Ngoài ra, để tránh tiếp xúc nhiều với sóng điện thoại, chúng ta nên sử dụng tai nghe hoặc đổi tai nghe liên tục khi trò chuyện.

Não bộ của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nghe điện thoại ở cự li quá gần (Ảnh: Internet)
Não bộ của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nghe điện thoại ở cự li quá gần (Ảnh: Internet)

Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại

Đây được xem là thói quen rất nguy hiểm, nhưng lại vô cùng phổ biến mà nhiều người mắc phải. Theo các chuyên gia, việc vừa sạc pin vừa dùng điện thoại sẽ mang đến nhiều nguy cơ cháy, nổ, điện giật…

Nguyên nhân được cho rằng trong quá trình sạc, nếu các linh kiện điện tử không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục, gây ra các hiện tượng trên. Về lâu dài, vừa sạc vừa sử dụng điện thoại sẽ làm tiêu hao tuổi thọ của pin mà còn làm giảm cả lượng điện nạp vào.

Đặc biệt, thời gian gần đây, không ít vụ chết người nghi bị điện giật trong lúc sạc iPhone xảy ra khiến nghiều người hoang mang. Chỉ một vài phút chủ quan, hay thiếu sót, người dùng sẽ phải trả những cái giá rất đắt.

Không vệ sinh điện thoại thường xuyên

Điện thoại di động chính là một trong những con đường lây truyền vi khuẩn gây bệnh mà ít người chú ý. Do được sử dụng thường xuyên với cường độ cao nên điện thoại thường dính nhiều bụi bẩn, mồ hôi...

Kết quả một cuộc thử nghiệm đã đưa ra rằng số lượng vi khuẩn ở điện thoại di động nhiều hơn 18 lần nhà vệ sinh. Do vậy, lời khuyên cho chúng ta là thường xuyên vệ sinh điện thoại để đảm bảo sức khỏe bản thân.

Điện thoại di động  là một trong những con đường lây truyền vi khuẩn gây bệnh
Điện thoại di động  là một trong những con đường lây truyền vi khuẩn gây bệnh

Để độ sáng màn hình quá cao

Thói quen để độ sáng màn hình điện thoại quá cao khiến người dùng bị mỏi, nhức mắt và thậm chí tác động không tốt tới võng mạc. Do đó, khi ở trong nhà hoặc trời tối, tốt nhất ta nên để độ sáng không quá 50%.

Nhữ Trang

 

Những sai lầm biến điện thoại di động thành “hung thần” - 4

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm