Gia Lai:

Những phó chủ tịch trẻ đưa “vùng khó” thoát nghèo

(Dân trí) - Từ năm 2009, Tỉnh ủy Gia Lai triển khai đề án 03 nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã vùng sâu, vùng sa. Hơn 8 năm thực hiện, những cô, cậu sinh viên nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt cho chính quyền cấp xã, huyện. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, họ đã không ngừng nổi lực để gieo những mầm xanh nơi vùng khó, góp thiết thực giúp bà con đồng bào phát kinh tế.

Gần 30 tuổi, 2 lần làm phó chủ tịch xã vùng khó

Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi tìm về gặp Phan Nguyễn Vi Sa (Phó Chủ tịch xã Kon Thụp, Mang Yang, Gia Lai). Được biết, Sa cũng là một sinh viên tốt nghiệp đại học được chọn về công tác tại xã vùng sâu theo đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai. Dù chỉ gần 30 tuổi, nhưng anh đã 2 lần giữ chức phó chủ tịch thuộc 2 xã vùng sâu của huyện Mang Yang. Sa tâm sự: “Tốt nghiệp ngành Nông nghiệp, thuộc ĐH Nông Lâm (TP.HCM).


Anh Phan Nguyễn Vi Sa (Phó Chủ tịch xã Kon Thục, Mang Yang) tuy còn trẻ nhưng đã 2 lần giữ chức phó chủ tịch ở xã “vùng khó”

Anh Phan Nguyễn Vi Sa (Phó Chủ tịch xã Kon Thục, Mang Yang) tuy còn trẻ nhưng đã 2 lần giữ chức phó chủ tịch ở xã “vùng khó”

Sau khi ra trường tôi rất mong muốn được về phục vụ quê hương. Nghe về đề án 03 của Tỉnh ủy, nên năm 2010 tôi đăng kí và được trúng tuyển. Đầu năm 2016, tôi được phân về giữ chức Văn phòng ủy ban xã Đê Ar (huyện Mang Yang). Lúc đó từ nhà đến UBND xã mất hơn 80km, lương lại thấp nhưng được sự động viên của lãnh đạo, còn tin tưởng giao cho tôi những trọng trách trong việc giúp dân phát triển kinh tế, triển khai có mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo.

Đến cuối năm 2016, tôi được bầu làm phó chủ tịch xã Đê Ar. Lúc này tôi đã mạnh dạn đề xuất cho lãnh đạo xây dựng các mô hình trồng lúa nước, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu. Nhờ thế chỉ hơn 3 năm, bà con đồng bà dân tộc thiểu số đã biết trồng cây lúa để bán, biết trồng cây cà phê phải bỏ phân bón…Đến đầu năm 2017 này, tôi được điều về giữ chức phó chủ tịch xã Kon Thục cùng với lãnh đạo chính quyền triển khai nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo bền vững…”.

Anh Sa bộc bạch thêm: “Mới ra trường, mức lương có gần 2 triệu nhưng bao nhiêu thứ phải chỉ tiêu. Gia đình cũng đã động viên về tìm việc khác để có lức thu nhập cao hơn. Nhưng vì người dân luôn tin tưởng và tôi cùng đã cùng người dân triển khai nhiều mô hình trồng lúa, các cây lâm nghiệp. Nếu tôi bỏ ngang thì mô hình hình cũng đi vào ngõ cụt, chính vì vậy đã thôi thúc tôi tiếp tục với những trọng trách mà lãnh đạo ủy ban đã tin tưởng giao cho…”.

Đưa “ốc đảo” Kon Pne thoát nghèo

Cũng với vai trò là một phó chủ tịch của xã Kon Pne (huyện Kbang), anh Lê Văn Quang (34 tuổi) đã đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 91% (năm 2010) giảm xuống còn 35,2 ( năm 2017). Năm 2007, Quang tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn-Khuyến nông (Đh Nông lâm TP. Hồ Chí Minh).

Đến năm 2010, sau khi được Tỉnh ủy chọn theo đề án 03, anh Quang mới chính thức được nhận nhận nhiệm vụ tại một xã đặc biệt khó khăn, nằm xa trung tâp TP.Peiku nhất là xã Kon Pne. “Ngày đầu một mình cưỡi xe máy đi vào xã nhận nhiệm vụ mới. Tôi khởi hành từ huyện lúc 8 giờ sáng, nhưng mãi đến hơn 4 giờ chiều mới đến được xã. Lúc đó Kon Pne còn là một “ốc đảo”, muốn đi vào xã phải men theo những dãy núi dài hơn 80km.

Một bên thì vách núi cheo leo, bên là vực sâu rất nguy hiểm. Qua một ngày gian nan tôi cũng đến được xã. Nhưng khung cảnh trước mắt tôi rất hoang vắng, bốn bề là rừng núi, điều này càng khiến tôi bối rối với quyết định ban đầu của mình”, Quang bộc bạch.


Lê Văn Quang cùng người dân triển khai mô hình trồng sâm đá trên ốc đảo Kon Pne

Lê Văn Quang cùng người dân triển khai mô hình trồng sâm đá trên ốc đảo Kon Pne

Tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn, nhiệt huyết cống hiến của chàng trai trẻ này lại thêm một lần nữa được đem ra thử thách. Khi gần 4 tháng, Quang không định hình được mình phải làm gì, không ai phân công nhiệm vụ...Thế nhưng, một luồng gió mới đến với chàng trai trẻ khi xã Kon Pne có Bí thư mới thì chuyên môn của Quang mới có “đất dụng võ”.

Khi được lãnh đạo tin tưởng và giao cho Quang quản lý về ngành nông nghiệp. Từ những kiến thức ở trường kết hợp với những quan sát, tìm hiểu về khó khăn của bà con đồng bào trên ốc đảo Kon Pne, Quang đã mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Từ vài ha, đến nay diện tích đã tăng lên đến 250 ha. Cũng vì giao thông đi lại khó khăn nên Quang mở vườm ươm giống tại xã để cung cấp cho bà con trồng. Đồng thời, tận tình hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc và trị bệnh…


Lê Văn Quang, Phó chủ tịch đưa xã Kon Pne thoát nghèo

Lê Văn Quang, Phó chủ tịch đưa xã Kon Pne thoát nghèo

Chưa hết, cách đây 6 năm khi bà con đồng bào nơi đây mỗi khi trồng lúa là cho trâu dẵm nát đất rồi mới trồng lúa. Mỗi sào lúa lúc đó người dân chỉ thu được vài bao thốc, nhưng nay đã là 4 tạ. Chàng phó chủ tịch trẻ đã mạnh dạn sử dụng máy cày, thay cho việc dùng trâu dặm như trước đây nên nhờ vậy mà năng suất đã tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, Quang cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất nhằm giúp bà con có thêm nhiều nguồn thu nhập. Từ những diện tích đất hoang hóa nay đã phủ xanh hơn 100ha mì.

Quang nhớ lại: “Ngày xưa người dân ở đây còn đói, bây giờ thì không ai đói nữa mà nay chỉ lo sản xuất để nâng cao thu nhập. Cái khó trước là phải thay đổi từ tập quán canh tác lạc hậu của bà con, cũng chính vì vậy mà tôi đã cùng với những thanh niên trẻ trong làng đi đầu đưa các giống cây vào trồng. Từ đó người dân thấy hiệu quả thì mới làm theo…”.

Theo đề án 03 của Tỉnh ủy Gia Lai, từ năm 2009 đến năm 2014 đã tạo điều kiện cho 165 sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại 165 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cũng theo đó đã lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết như: Phan Nguyễn Vi Sa (hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Kon Thục, Mang Yang), Võ Thị Lại (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun, Huyện Mang Yang); Đào Thị Minh (cán bộ Tỉnh đoàn Gia Lai); Lê Văn Quang (Phó chủ tịch xã Kon Pne, Kbang)… và còn rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày nào giờ đã được tuyển dụng vào công chức cấp xã, huyện…

Họ là những cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực, là nguồn nhân lực bổ sung, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ tại cơ sở. Đồng thời góp phần vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.

Phạm Hoàng