Gia Lai

Những phận đời mưu sinh trong ngày đầu năm

(Dân trí) - Dưới cái lạnh của những ngày đầu năm, đâu đó lại có những mảnh đời đang phải xa gia đình để mưu sinh kiếm sống. Hàng chục năm, ước ao duy nhất của họ đơn giản chỉ là đón tết cùng gia đình.

Giữa cái lạnh của đêm giao thừa, tiếng “xoèn xoẹt” của các công nhân đội vệ sinh môi trường đô thị thuộc Cty Cổ phần công trình đô thị Gia Lai lại càng hối hả, gấp gáp hơn.

Tâm sự đầu năm của những cô công nhân đô thị

Hơn 19 năm đón tết…“cùng rác”, cô Nguyễn Thị Hương (Tổ 3, Phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai) chỉ mong muốn làm cho đến tuổi hưu để về đón tết với gia đình. Gặp cô trong lúc đang tranh thủ cùng đồng nghiệp mình ăn miếng cơm cháy rồi dọn tiếp đống rác “khổng lồ” mà đêm giao thừa để lại.

Theo cô Hương tâm sự, đây là năm thứ 19 cô đón tết ngoài đường. Những ngày tết này thì công việc càng gấp đôi, gấp 3 hơn ngày thường. “Vì công việc nên 19 năm nay, tôi chưa bao được ở bên gia đình để bầy mâm cơm cúng giao thừa. Những người thân nhớ mẹ nên gọi điện hỏi thăm, chúc sức khỏe giữa đêm làm tôi rưng rưng nước mắt. Nhưng bên tôi luôn có những đồng nghiệp, họ luôn an ủi, động viện nhau để sớm hoàn thành công việc để trở về đón xuân cùng gia đình…”, chị Hương bộc bạch…


Cô Nguyễn Thị Điệp đang cố gắng hoàn thành nhanh công việc để về với gia đình

Cô Nguyễn Thị Điệp đang cố gắng hoàn thành nhanh công việc để về với gia đình

Tương tự, cô Nguyễn Thị Điệp (46 tuổi, đường Phạm Văn Đồng, TP.Pleiku, Gia Lai) đã cùng chồng có hơn 15 năm không có mặt trong đêm giao thừa bên gia đình. Mọi việc mua sắm và soạn mâm cơm cúng đều “ủy quyền” cho người con gái của cô.

“Tôi dọn từ 3 giờ sáng của ngày 29 tết đêm 5h sáng của 1 tết. Khối lượng công việc những ngày tết rất nặng vì rác nhiều nên tất cả mọi người cùng cố gắng để làm xong...Thường những năm trước, chồng tôi và tôi cùng đi dọn rác xong thì cũng phải đến hơn 7h sáng mồng 1. Lúc đó, hai vợ chồng về rồi cùng dọn mâm cơm đầu xuân để chúc mừng năm mới…Đó là điều vui nhất trong những ngày đầu năm của tôi…”.


Phút nghỉ ngơi của những cô lao công làm việc xuyên Giao thừa

Phút nghỉ ngơi của những cô lao công làm việc xuyên Giao thừa

“Nếu làm thêm ngày tết thì mức hỗ trợ tăng ca cũng cao hơn một chút. Lúc đó có thêm chi phí để đầu tư cho người con lớn đang học đại học và người con nhỏ học cấp 3. Chứ không làm bình thường thì chật vật lắm, vì hai vợ chồng làm cùng nghề nên ai cũng hiểu vào thông cảm cho nhau, cùng động viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”, chị Điệp cho biết thêm.

Ước mơ của cô Hương là có bữa cơm xuân bên gia đình (Cô Hương, bên phải qua)
Ước mơ của cô Hương là có bữa cơm xuân bên gia đình (Cô Hương, bên phải qua)

Trên tay đang còn một xếp vé số dày, chị Nguyễn Thị Thương (Làm nghề bán vé, quê Quảng Ngãi) vẫn đang lang thang trên khắp thành phố để mời chào người mua. Tâm sự với chúng tôi, chị Phương kể, những ngày tết thường người mua rất đông nên tôi tranh thủ đi bán, chứ ở nhà cũng nhớ gia đình rồi khóc ạ. Dự tính thì tôi bán giờ đến ngày 8/3 (dương lịch) rồi về thăm gia đình luôn. Trước đêm giao thừa tôi cũng đã gọi về hỏi thăm gia đình chuẩn bị tết sao rồi. Nhưng các con đều nhớ mẹ, nhưng vẫn bảo mẹ đi làm nhanh rồi về với các con…

Chị Thương đang mưu sinh bên xấp vé số trong ngày đầu năm
Chị Thương đang mưu sinh bên xấp vé số trong ngày đầu năm

“Đêm nay cũng sinh nhật tròn 42 tuổi của tôi, do đứa con lớn nói chúc mừng sinh nhật mẹ nên tôi mới nhớ. Lúc đó tôi rưng rưng nước mắt, nhưng không dám khóc lên thành tiếng. Hiện nay, chồng tôi làm nghề phu đá thu nhập cũng ít, lại nuôi thêm 3 con nhỏ nên tôi mới phải đi xa vậy để kiếm thêm chút thu nhập. Cứ khoảng 3-4 tháng, tôi lại tranh thủ về thăm nhà và đưa tiền cho bố nó chăm lo việc học cho các con…".

Phạm Hoàng