Những người "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời"
(Dân trí) - Đó là công việc thường ngày của những người công nhận điện trên đường dây cao thế. Đây là một công việc không những đòi hỏi về tay nghề kỹ thuật cao mà còn phải có sự say mê và tinh thần cống hiến.
Đúng với tên gọi “cao thế”, nghề của những người thợ điện này luôn phải thao tác trên những trụ điện cao chót vót, túc trực ngày đêm trên những đường dây truyền tải đảm bảo cho dòng điện được thông suốt, ổn định, có mặt ngay trên những điểm nóng, hoặc khi nào có sự cố về điện.
Những năm gần đây, hiện tượng El-Nino thường xuất hiện dẫn đến những sự thay đổi bất thường của thời tiết. El-Nino gây ra những thiên tai nặng nề như mưa lớn, bão, lũ, giông sét với cường độ mạnh và tần suất xuất hiện dày, hạn hán, cháy rừng, gây thiệt hại lớn về người, tác động xấu tới kinh tế - xã hội và đặc biệt là những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường, gây nên một số ảnh hưởng tiêu cực đến lưới điện, đặc biệt là các đường dây cao thế nằm trên các địa hình khu vực ngoại thành Hà Nội vốn đã có địa chất phức tạp.
Kìm, mỏ lết, dao cưa…
Chúng tôi may mắn được trò chuyện cùng anh Nguyễn Thế Nam (Đội đường dây – Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội – trực thuộc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội) trong một ngày đầu hè oi ả. Anh chia sẻ rằng, muốn làm được công việc đặc thù này, người thợ điện phải trải qua quá trình đào tạo, cộng với kinh nghiệm thực tế hàng ngày rất quan trọng.
Trong công việc này, kiểm tra đường dây là công việc đi bộ dọc tuyến đường dây, tăng cường kết cấu lưới, đắp bổ sung lốc cột bị sói mòn, thay thế các thiết bị điện bị hư hỏng để tạo độ vững chắc cho cột.
Anh em cao thế vừa phải biết tình hình mưa gió trên địa bàn, vừa phải thông thuộc địa hình rừng đồi. Sau những ngày mưa bão, cây cối mọc lên nhiều, anh em phải đi lên đồi kiểm tra để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa ngọn cây và đường dây điện cao thế. Những khu vực có cây cao ảnh hưởng đến khoảng cách an toàn lưới điện vẫn được thợ điện cao thế đến tận nơi để chặt tỉa cây hàng tháng, đặc biệt có những thời điểm cây mọc nhanh, mới tuần trước chặt mà tuần sau đã lên cao như cũ.
Anh Nam nói vui rằng: “Có những lần cả đội đường dây tham gia thao tác, anh em đều phải leo lên những cây thân to và cao, nhìn từ dưới lên trông còn điêu luyện hơn cả công nhân bên Công ty cây xanh vì leo trèo và chặt cây rất nhanh và thành thạo”.
Đường dây cao thế trên địa bàn Hà Nội phủ khắp trên diện rộng, phía Nam ra Hà Nam, phía Tây lên đến Vật Lại – Ba Vì, phía Bắc phủ đến Trung Dã – Sóc Sơn và hướng Đông vươn ra hết Phố Nối – Hưng Yên. Từ ngày địa bàn Hà Nội mở rộng, lưới điện phát triển về quy mô và diên tích nên anh em đi làm vất vả hơn.
Khác với những công nhân điện tại đường dây hạ thế, thợ điện cao thế luôn mang trong mình túi đồ gồm nhiều thứ như kìm, mỏ lết và dao cưa. Đặc thù công việc của các anh là ban ngày đi kiểm tra định kỳ trên lưới, ban đêm kiểm tra các đường dây và ứng trực liên tục khi có kiểm tra đột xuất trước các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của thành phố hay trước các kỳ thi quốc gia diễn ra tại Hà Nội.
Thời tiết bước sang mùa hè hay xảy ra mưa giông trên địa bàn. Nhiều đêm mưa bão sấm chớp, sét đánh vào đường dây, vừa tan ca đi làm về nhà, nhận được tin báo thời tiết gây ảnh hưởng tới đường dây, các anh thợ điện cao thế lại xách đồ và mặc áo mưa, đi đến nơi có vấn đề do thời tiết gây ra để kiểm tra kịp thời, phòng trường hợp gió lốc thổi bạt che bay vào đường dây, gây mất an toàn lưới điện.
Nhọc nhằn có lẽ là từ khái quát tương đối đầy đủ về những vất vả, cực khổ và hiểm nguy đối với những công nhân lưới điện cao thế trên địa bàn Hà Nội. Bất kể ngày đêm, mưa nắng, họ luôn sẵn sàng nhận lệnh, nhanh chóng lên đường khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất để nối thông dòng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Công việc của họ là vậy, điện thoại luôn phải thường trực 24/24, nhận được thông báo là lên đường, đến bữa nhiều khi chỉ ăn vội chiếc bánh mì, suất cơm hộp hay gói lương khô để tranh thủ thời gian xử lý sự cố... Vào mùa mưa, sự cố xảy ra nhiều không lường trước được. Trong khi đó, xử lý sự cố điện luôn phải chạy đua với thời gian để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng được sớm nhất.
Niềm vui đơn giản của người thợ điện từ sự chia sẻ và đồng cảm
Trải qua những tháng ngày khó khăn khi mới bước chân vào ngành Điện, anh Nguyễn Thành Chung, người đã có hơn 20 năm công tác trong ngành chia sẻ, kỷ niệm buồn vui đều có nhưng trên hết là niềm say mê công việc, coi công việc như một phần không thể thiếu trong những sinh hoạt hàng ngày.
Anh Chung cho biết, đặc thù của bên cao thế ngoài đi làm 6 ngày ra, thường sẽ có lịch cắt điện cuối tuần để sửa chữa như thay sứ, vệ sinh đường dây theo định kỳ, cho nên hầu như anh em đều phải đi làm cả tuần.
Trong quá trình công tác, do tính chất công việc đặc thù nên thời gian anh em ở nhà với gia đình không nhiều, đôi lúc giữa đêm khi có công việc phải xử lý, các anh em ở tổ đội lại thay đồ và đến giải quyết công việc ngay lập tức, đảm bảo không ảnh hưởng đến vận hành sản xuất. Thời gian đầu mới lập gia đình, anh Chung chia sẻ, vợ anh có lúc cũng chạnh lòng vì thấy chồng mình nửa đêm nghe điện thoại cơ quan lại xách túi đi luôn, sau khi nghe anh tâm sự về tính chất công việc và ý nghĩa mỗi khi kiểm tra lưới điện để đảm bảo an toàn vận hành và truyền tải điện ổn định, vợ anh đã thông cảm và cảm thấy tự hào về công việc của chồng mình. Trải qua những lúc khó khăn và áp lực trong công việc, anh Chung cảm nhận gia đình chính là hậu phương vững chắc về tinh thần cho các anh yên tâm công tác ngoài lưới điện. Điều này là nguồn động viên, khích lệ các anh cố gắng hoàn thành tốt công việc để mang lại nguồn điện an toàn, chất lượng và ổn định cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh những khi thao tác ngoài lưới điện cùng với đồ nghề và dây cuốn quanh người, mỗi anh em trong Đội đường dây đều ý thức bản thân là 1 tuyên truyền viên, đưa thông tin về ngành điện Thủ đô đến cho khách hàng sử dụng điện. Cung cấp cho người dân các nội dung về an toàn lưới điện để phòng tránh những nguy cơ gây mất an toàn điện do khí hậu, thiên tai gây ra.
Công việc nghề thợ điện không thể làm qua loa, đại khái. Người công nhân đường dây phải đi kiểm tra rất kỹ lưỡng thì mới có thể phát hiện kịp thời các hư hỏng hay các hiện tượng vi phạm hành lang an toàn đường dây dẫn điện… để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn của đường dây cáp điện. Những tưởng là đơn giản nhưng vất vả vô cùng, bởi người thợ điện không chỉ phải giỏi về nghiệp vụ mà còn phải có trái tim biết cảm thông, sẻ chia với mọi người.
Sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, đòi hỏi ngành Điện cũng phải ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng để đảm bảo “Điện luôn đi trước một bước”. Lưới điện 110kV liên tục phát triển, mở rộng phục vụ phát triển nền kinh tế và nhu cầu sinh hoạt của người dân đang ngày một tăng lên, những yêu cầu trong vận hành, cung cấp điện liên tục, ổn định vì thế mà khắt khe, chặt chẽ hơn.
Nhận thức được vai trò và nhiệm vụ quan trọng đó, Công ty Lưới điện Cao thế TP. Hà Nội luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật - vận hành, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, học hỏi nâng cao trình độ, nhằm đảm bảo lưới điện vận hành An toàn – Ổn định – Chất lượng.