Hội An:

Những nghề “hái ra tiền” mỗi dịp Tết về

(Dân trí) - Đánh bóng lư đồng, bán cát lư hương, chở cây cảnh… là những nghề chỉ xuất hiện dịp giáp Tết nhưng mang lại thu nhập kha khá đối với người lao động.

Nghề đánh bóng lư đồng

Trung bình mỗi dịp Tết, những người thợ đánh bóng lư đồng có thể bỏ túi hơn chục triệu đồng. Nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi người hành nghề phải tỉ mỉ, khéo tay và đặc biệt phải có “bàn tay lộc”.

Công việc đánh lư đồng thường xuất hiện dịp giáp Tết mang lại thu nhập khá cho người làm nghề
Công việc đánh lư đồng thường xuất hiện dịp giáp Tết mang lại thu nhập khá cho người làm nghề

Những ngày cận Tết, Hội An bỗng trở nên sôi động với sự xuất hiện của những người làm dịch vụ đánh bóng lư đồng trên phố và dịch vụ đánh bóng lư đồng tại nhà.

Với quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước "tài lộc" về với gia đình nên người dân khá quan tâm đến dịch vụ này. Chính vì thế, đây cũng là "dịp may" của thợ đánh bóng lư đồng "hốt bạc" dịp Tết.

Với quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước tài lộc về với gia đình nên người dân khá quan tâm đến dịch vụ này
Với quan niệm xua đi cái không may mắn của năm cũ, rước "tài lộc" về với gia đình nên người dân khá quan tâm đến dịch vụ này

Theo ông Lê Văn Năm (thợ đánh bóng lư đồng lâu năm tại Hội An) chia sẻ, làm nghề này phải có uy tín và có tay nghề. Không ai giao bộ lư đồng quý giá từ thời ông bà tổ tiên xưa cho người lạ, mới làm nghề bao giờ cả.

Làm nghề đánh bóng lư đồng phải có cái tâm, đôi bàn tay “lộc” để mang lại may mắn cho các gia đình. Đưa tay cầm bộ lư đồng làm phải nhìn trước nhìn sau, phải làm thật kĩ chứ không được sơ sài, qua loa cho xong chuyện.

Người làm nghề cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và quan trọng có “bàn tay lộc” mang lại may mắn cho gia chủ
Người làm nghề cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng và quan trọng có “bàn tay lộc” mang lại may mắn cho gia chủ

Mỗi bộ lư đồng theo kích thước to nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà có giá dao động từ 150-500 ngàn. Dịp giáp Tết, ông Năm có thể đánh gần 100 bộ, mang lại nguồn thu nhập lớn mỗi dịp tết đến xuân về.

Mỗi bộ lư đồng theo kích thước to nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà có giá dao động từ 150-500 ngàn
Mỗi bộ lư đồng theo kích thước to nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà có giá dao động từ 150-500 ngàn

Đang tranh thủ đánh bóng bộ lư đồng kịp giao cho khách, ông Nguyễn Tấn chia sẻ: “Mục đích của việc đánh bóng lư đồng, làm mới nó để thờ cúng trên bàn thờ chính là mong các cụ, các ông bà, bố mẹ… những người đã mất năm mới lại về với con cháu trong sự ấm cúng, xua đi cái không may mắn trong năm cũ, đón rước niềm vui tài lộc, sức khỏe về với tất cả mọi người, để con cháu nhớ đến, biết đến bàn thờ tổ tiên”.

Nghề bán cát lư hương

Theo phong tục của người Việt Nam, hằng năm vào ngày tết, mỗi nhà đều thay cát vào lư hương (bát hương) thờ cúng ông bà tổ tiên. Cát thay vào lư đồng phải là cát trắng, được sàng lọc kỹ lưỡng, phơi khô cho sạch để không còn dính sạn, sỏi.

Những người bán cát trắng chủ yếu là dân quê, đẩy xe bò, gánh, hoặc chở bằng xe đạp
Những người bán cát trắng chủ yếu là dân quê, đẩy xe bò, gánh, hoặc chở bằng xe đạp

Nhưng không phải ai cũng có nhiều thời gian để lo đãi cát, phơi phóng. Nắm bắt được nhu cầu lớn của thị trường, nhiều người bắt tay vào kinh doanh cát trắng dịp giáp Tết với mong muốn tăng thêm thu nhập.

Những ngày cuối năm, dạo quanh các khu chợ ở Hội An, những nơi công cộng, kể cả kiệt hẻm…, không khó để tìm mua cát trắng về thay lư hương. Những người bán cát trắng chủ yếu là dân quê, đẩy xe bò, gánh, hoặc chở bằng xe đạp.

Đây là một trong những nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều người dịp tết
Đây là một trong những nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều người dịp tết

Sau khi kết thúc việc đồng áng, cô Trần Thị Hồng (quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại chở cát trắng đi bán để kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Cô Hồng chia sẻ: “Tôi mua lại cát trắng ở những cửa hàng vật liệu xây dựng, sau đó về rửa sạch, nhặt các hạt cát sỏi đá rồi mang ra chỗ thoáng phơi cho khô. Nếu chẳng may gặp trời mưa liên tục thì phải dùng đến bếp than, củi để phơi. Sau đó bỏ cát vào từng túi nilon để bán cho khách, tùy từng bao lớn nhỏ có giá từ 5-10.000 đồng/bao”.

Cát thay vào lư đồng phải là cát trắng, được sàng lọc kỹ lưỡng, phơi khô cho sạch để không còn dính sạn, sỏi
Cát thay vào lư đồng phải là cát trắng, được sàng lọc kỹ lưỡng, phơi khô cho sạch để không còn dính sạn, sỏi

Anh Hà Văn Minh (trú xã Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam) quanh năm lăn lộn với mấy sào ruộng cùng con heo, con gà. Cuối năm, hai vợ chồng cùng nhau kéo xe bò đi khắp các chợ từ Hội An đến Đà Nẵng để phục vụ cát trắng cho người dân.

“Tranh thủ bớt việc nhà nông, vợ chồng tôi lại kéo cát ra phố bán kiếm thêm tiền tiêu tết. Những ngày qua hai vợ chồng lê la từ Hội An ra Đà Nẵng cũng kiếm được hơn 2 triệu đồng sắm tết cho con cái”- anh Minh chia sẻ.

Nghề chở cây cảnh thuê

Không khí Tết ngập tràn trên khắp các cung đường, ngõ ngách của TP Hội An, đặc biệt là những chợ hoa xuân, cây cảnh. Đây cũng chính là thời điểm những người làm dịch vụ chở mai, quất thuê kiếm thêm thu nhập chi tiêu cho dịp Tết sắp đến.

Khi những chợ hoa xuân bắt đầu thì cũng là lúc những người chở thuê cũng bắt đầu công việc của mình. Họ thường là những người dân nông, thợ hồ, xe thồ…giáp tết lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập
Khi những chợ hoa xuân bắt đầu thì cũng là lúc những người chở thuê cũng bắt đầu công việc của mình. Họ thường là những người dân nông, thợ hồ, xe thồ…giáp tết lại tranh thủ kiếm thêm thu nhập

Đối với những khách hàng mua ít, cây nhỏ, giá trị cây không lớn người chở thường chọn cách vận chuyển bằng xe máy. Thông thường, tùy theo giá trị cây, kích cỡ và quãng đường xa hay gần mà có giá khác nhau thường dao động từ 40-200 ngàn.

Ngược lại, đối với những cây cao, to, giá trị lớn, cồng kềnh thì người chở thuê bằng xe ba gác, xe bò, hay ô tô tải… thường có giá dao động từ 250-500 ngàn.

Thông thường, tùy theo giá trị cây, kích cỡ và quãng đường xa hay gần mà có giá khác nhau thường dao động từ 40-200 ngàn
Thông thường, tùy theo giá trị cây, kích cỡ và quãng đường xa hay gần mà có giá khác nhau thường dao động từ 40-200 ngàn

Người làm nghề này chủ yếu là người lao động phổ thông, thợ hồ, xe ôm, xích lô... đến gần Tết họ lại kéo về đây để chở thuê.

Đặc biệt, năm nay nhiều chủ hoa cây cảnh đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách trong nội thị Hội An như chở cây miễn phí, bảo hành cây giúp khách đến sau tết. Vì vậy, người chở thuê nào không muốn tự tìm khách thì có thể liên hệ các chủ buôn để nhận chở.

Người chở thuê tranh thủ chở dưới trời mưa
Người chở thuê tranh thủ chở dưới trời mưa

Anh Võ Ngọc Minh (người chở thuê) cho biết: “Ngày thường tôi làm thợ hồ, đến giáp Tết thì chở cây cảnh thuê kiếm thêm thu nhập. Ngày may mắn có thể kiếm được vài trăm đến 1 triệu, nhưng nếu ít khách thì được khoảng 200 ngàn đồng. Mấy hôm trước trời nắng có người mua dễ chở, nhưng hôm nay trời bỗng mưa về chiều nên cánh chở thuê cũng ế hơn”.

Nhiều chủ buôn có các chương trình khuyến mãi như chở miễn phí, nên các cánh chở thuê nếu không muốn tự tìm khách thì thường liên hệ với họ
Nhiều chủ buôn có các chương trình khuyến mãi như chở miễn phí, nên các cánh chở thuê nếu không muốn tự tìm khách thì thường liên hệ với họ

Mặc dù nghề “xe ôm” chở hoa, cây cảnh có ngày làm không hết việc, kiếm cả tiền triệu nhưng có ngày phải làm không công, chưa nói là việc bồi thường cho khách hàng.

Trên khắp các phố phường Hội An cờ hoa rực rỡ, những chuyến xe của những người mang hương xuân đến cho mọi nhà vẫn tấp nập, vội vã. Công việc tuy nặng nhọc, may rủi nhưng vẫn đầy ắp niềm vui về một cái Tết no ấm, đủ đầy.

N.Linh