Nguyện làm “đôi chân” cho anh suốt đời
(Dân trí) - Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn còn hiện hữu. Có những người ra đi mãi mãi để lại những mối tình dang dở. Và không ít người trở về với nỗi đau thể xác…, nhưng những người phụ nữ bên họ vẫn nguyện một đời thủy chung. Những câu chuyện tình thời chiến cũng trở nên đẹp và day dứt hơn bao giờ hết.
Đã gần 30 năm qua, bà Dương Thị Hạnh (SN 1960) trú tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã nguyện một đời thủy chung, chăm sóc cho chồng mình là ông Ngọ Duy Khanh (SN 1959), người thương binh bại liệt hai chân. Câu chuyện tình của họ như cổ tích giữa đời thường.
Những bức thư tay và câu chuyện tình đẹp như cổ tích
Vừa từ thành phố Thanh Hóa trở về sau cuộc trò chuyện trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, bà Hạnh và ông Khanh đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở.
Sau những phút trò chuyện, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những tháng năm khốc liệt nơi chiến trường và đặc biệt là câu chuyện tình “bất chợt” nhưng đã đưa ông bà đến bên nhau.
Tháng 4/1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Ngọ Duy Khanh lên đường nhập ngũ tại Sư 442 Nông Cống. Sau một thời gian huấn luyện, ông được chuyển vào Trung đoàn 9, Sư 334, Quân khu 9 và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Đến tháng 3/1979, trong lúc chiến đấu tại chiến trường, ông bị địch bắn. Vết thương xuyên thấu phổi, liệt cánh tay, gãy xương bả vai và 2 xương sườn, phải cắt bỏ nửa cánh tay.
Theo lời kể của ông Khanh, sau trận chiến ngày hôm đó, đã có rất nhiều đồng đội ngã xuống và không ít người bị thương. Trong lúc điều trị tại bệnh viện, ông có quen một đồng đội và cũng là đồng hương Thanh Hóa tên Dương Văn Long. Thời gian này, hai người chiến sĩ cùng quê đã rất thân thiết với nhau và câu chuyện tình lãng mạn của ông bắt nguồn từ đó.
“Thấy tôi hiền lành nên cậu Long đã ngỏ ý giới thiệu em gái ở quê nhà cho tôi. Lúc bấy giờ, nói thế thôi chứ cũng có được gặp mặt nhau bao giờ. Thế là chúng tôi bắt đầu cho địa chỉ rồi gửi thư cho nhau. Sau nhiều lần gửi thư, hai đứa thấy thương nhau nhiều hơn, rồi bắt đầu gửi ảnh cho nhau”, ông Khanh kể.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những bức thư cứ liên tiếp được hai người trao cho nhau nhưng không một lời hẹn ước. Hai năm sau, khi ông Khanh cùng người bạn được chuyển về đoàn an dưỡng thương binh 585 Tây Hồ, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là lúc hai người mới bắt đầu cuộc gặp gỡ.
Nhớ lại lần đầu gặp nhau ấy, bà Hạnh tâm sự: “Khi đó tôi xuống để thăm anh trai mình. Khi vừa đến nơi thấy anh Khanh đang chống nạng đi ra. Nói thật lúc đó, tôi xúc động vô cùng vì nói chuyện đã lâu nay mới được gặp nhau. Ngày ấy anh trắng trẻo mà đẹp trai lắm, thú thật sau ngày hôm ấy tôi đã đem lòng yêu thương”.
“Tàn nhưng không phế”
Chỉ một thời gian ngắn tìm hiểu nhau, cuối năm 1981, được sự đồng ý của gia đình, hai người đã quyết định tổ chức đám cưới.
“Ngày đó chưa có phương tiện như bây giờ, nhà tôi lại ở xa nên việc tổ chức diễn ra rất khó khăn. Vì lý do sức khỏe nên anh Khanh không đi đón dâu như tục lệ mà ở nhà để đợi người thân đi xe đạp lên đón tôi về. Tôi chẳng thể nào quên được kỷ niệm đáng nhớ ấy”, bà Hạnh nhớ lại.
Hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ như được nhân lên gấp bội khi những đứa con lần lượt chào đời. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang thì nỗi đau lại ập về.
Năm 1989, do di chứng của vết thương nên ông Khanh đã bị tai biến dẫn đến bại liệt hai chân, mất sức 96 %. Kể từ đó, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Để có tiền chữa bệnh chồng và nuôi hai con nhỏ, bà Hạnh đã phải lam lũ, làm đủ mọi nghề, từ làm ruộng đến bán hàng rong.
“Thương anh, nhưng chẳng giúp được gì ngoài việc cố gắng làm việc để kiếm tiền chữa trị cho anh. Mỗi năm đưa anh đi viện ít nhất 12 lần, khi đó hai con đang còn nhỏ lắm nhưng cũng phải cố gắng chứ biết sao được. Tôi đã nguyện làm “đôi chân” cho anh suốt đời”, bà Hạnh chia sẻ.
Đã gần 30 năm qua, bà Hạnh tần tảo chăm sóc cho chồng. Đến nay, các con của ông bà cũng trưởng thành, bà cũng bớt đi phần nào gánh nặng. Hiện tại, ông bà đang ở cùng cô con gái.
Vượt qua mọi cơn đau về thể xác lẫn tinh thần, người cựu binh vẫn lạc quan, yêu đời. Không chỉ thế, những lúc buồn ông thường tìm đến thơ ca và luôn lấy vợ làm nguồn cảm hứng.
Với phương châm sống lạc quan, “tàn nhưng không phế”, hiện ông Khanh đang là Hội viên Hội thơ Đường luật Việt Nam với nhiều tác phẩm thơ xuất sắc, đạt giải trong các cuộc thi...
Thanh Tùng - Duy Tuyên