Người Việt còn bất bình huống gì du khách!

Có thể nói trở ngại lớn nhất cho sự phát triển ngành du lịch Việt Nam chính là nạn “chặt chém” và thái độ phục vụ du khách thiếu chuyên nghiệp. Người Việt trong nước còn bất bình, khó chịu… nói gì tới du khách nước ngoài.

Du
khách nước ngoài ở Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam. Ảnh: Thái Phương
Du khách nước ngoài ở Thánh địa Mỹ Sơn - Quảng Nam. Ảnh: Thái Phương

Cô tôi là Việt kiều Canada rất thích du lịch. Lần nào về nước cô cũng đi đó, đi đây nhưng sau vài chuyến du ngoạn trong nước cô đã thấy… ngán du lịch Việt. Cô bảo: “Việt Nam có quá nhiều điểm du lịch hấp dẫn, cảnh quan rất đẹp nhưng thái độ phục vụ thì kém chuyên nghiệp, thiếu văn minh tới mức khó hiểu”. Cô tôi không xa lạ với nạn “chặt chém” ở Việt Nam vì đã nghe và gặp nhiều nhưng điều làm cho cô bực mình nhất lại phát sinh từ chính những người làm du lịch.

Ngay chuyện thuê xe để đi du lịch tự túc đã gặp vô số chuyện phiền hà, rồi đến chuyện mướn khách sạn tới tìm quán ăn. Thấy Việt kiều là tăng giá, “chặt chém”, hoạnh họe đủ thứ. Một lần đoàn chúng tôi đến Nha Trang lúc nửa đêm, thuê khách sạn nghỉ đến sáng mà họ đã tính một ngày với cái giá không rẻ chúng nào. Còn vào quán cơm thì hên xui! Ăn mà cứ phập phồng lo sợ, không biết giá cả ra sao.

Ngán ngẫm với kiểu du lịch tự túc, cô tôi chọn cách mua tour của các công ty lữ hành để đỡ lo chuyện ăn chuyện nghỉ nhưng lại gò bó giờ giấc, thiếu tự do, khó thay đổi hành trình, địa điểm tham quan… Một lần về nước, cô tôi chọn mua tour cho hơn 10 người trong gia đình tham quan Nha Trang – Đà Lạt. Và điều làm cô khó chịu cho chuyến đi này đến từ chính anh hướng dẫn viên.

Trên đường đi anh hướng dẫn viên giới thiệu nơi này nơi nọ nhưng khi khi chúng tôi đề nghị ghé một địa điểm để tham quan thì anh bảo không có trong chương trình, không có thời gian (đúng là xem lại lịch trình thì những điểm đó chỉ “đi qua” nhưng họ thể hiện hết sức mập mờ, dễ làm cho khách mua tour lầm tưởng).

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi bực mình nhất là khi cô tôi bảo muốn đến điểm mua quà lưu niệm (chủ yếu là tranh ảnh) mà bạn cô ở Canada cho địa chỉ nhưng hướng dẫn viên lại đưa đến nơi khác với những lời hứa hẹn tốt đẹp. Đến nơi, anh này “bám sát” cô tôi như hình với bóng cũng như luôn miệng tâng bốc những bức tranh đẹp có giá cả ngàn USD, anh bảo: “mấy bức tranh này mới xứng tầm với cô!”. Bực bội nhưng vì lịch sự và không muốn làm chuyến đi mất vui, cô cũng mua một vài món quà nho nhỏ. Anh hướng dẫn viên tỏ ra hụt hẫng, còn với cô tôi là cả một sự thất vọng. Khi chúng tôi đề nghị đến địa chỉ khác thì anh này bảo không còn thời gian, nhà xe phải về cho kịp chuyến sau.

Thật ra những chuyện hướng dẫn viên đưa du khách đến những điểm bán hàng lưu niệm quen biết để nhận hoa hồng là không xa lạ gì, ai cũng biết. Nhưng tôi nghĩ họ cần chuyên nghiệp, chín chắn hơn, làm tốt phận sự của mình, đừng quá đặt nặng chuyện tính toan quyền lợi, phải đặt vai trò, vị trí, trách nhiệm nghề nghiệp lên trên hết. Tất nhiên, làm tốt và nhiệt tình thì đáng được khen thưởng.

Những chuyện phiền phức do chính những người làm du lịch tạo ra mà tôi vừa kể cũng đã hơn 5 năm nhưng xem ra vẫn xảy ra hằng ngày và chưa có cách nào khắc phục. Điều đó phần nào đã khiến du khách quay lưng với du lịch Việt Nam. Không chỉ du khách nước ngoài mà cả du khách trong nước cũng thế. Họ tìm đến Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí Lào, Campuchia, Myanmar... vì chi phí rẻ và cách làm du lịch khá chuyên nghiệp.

Thanh Vân (Trà Vinh)

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm