Người cha 72 tuổi và 30 năm đồng hành cùng cậu con trai mắc bệnh down
(Dân trí) - Câu chuyện về nghị lực phi thường và tình thương vô bờ của người cha già 72 tuổi Mạc Văn Mỹ cùng 30 năm làm người đồng hành để con trai mắc bệnh down Mạc Đăng Mừng có được cuộc sống bình thường khiến nhiều khán giả không cầm được nước mắt.
Trong tập phát sóng mới nhất của chương trình Khoảnh khắc cuộc đời, tiến sĩ Lê Thẩm Dương bày tỏ sự kính phục khi được gặp ông Mạc Văn Mỹ - người cha đã có cuộc chiến với số phận ròng rã suốt 30 năm qua để giành lại sự sống và cho con trai ông một cuộc đời mới - một cuộc đời mà không ai nghĩ có thể có với 1 người mắc bệnh down.
Cậu bé Mạc Đăng Mừng ra đời khi bố mẹ đã lớn tuổi, cũng là đứa con đầu lòng của ông Mỹ và vợ. Vì sinh con khi đã lớn tuổi nên ông mỗi tháng đều đặn dẫn vợ đi khám thai và theo dõi. Ông rất hạnh phúc khi gia đình chuẩn bị có thêm thành viên mới.
Thế nhưng, bao nhiêu hạnh phúc, sự khao khát mong chờ của ông Mỹ bỗng nhiên vụt tắt khi bác sĩ báo tin con ông mắc hội chứng down.
Nhìn đứa con trai đỏ hỏn trong vòng tay, ông Mỹ như chết lịm, ông cũng không dám báo tin cho vợ hay vì sợ vợ bị sốc. Bản thân ông không tin con mình lại mắc hội chứng down vì trông con chẳng có gì khác với những đứa trẻ bình thường.
Khi ông Mỹ mang con về nhà, hàng xóm xung quanh xì xầm và khuyên ông: “Ông nên cho nó đi, mấy đứa này sau này không làm gì được đâu”. Họ còn nói ông nên cho đứa bé vào những mái ấm hoặc bỏ nó đi. Trong số những người đó có cả người thân của ông Mỹ. Điều đó càng khiến ông buồn bã và suy sụp.
Sau 3 ngày suy nghĩ, ông Mỹ bình tâm lại, ông nói: “Nó là con của mình, mình không thể nào bỏ nó được, mình phải tìm mọi cách để vực con dậy, được tới đâu hay tới đó. Tôi dẹp tất cả các ý kiến xung quanh để lo cho con tôi”.
Có lẽ giây phút đưa ra quyết định đó là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời của ông Mỹ. Đó cũng là lời "tuyên chiến" của người cha với số phận nghiệt ngã, kém may mắn để giành lại quyền được sống cho con trai mình. Và cuộc chiến ấy kéo dài suốt 30 năm với rất nhiều gian khổ mà một người bình thường nếu không đủ nghị lực, không đủ tình thương dành cho con, có lẽ đã đầu hàng từ lâu.
“Nó là con của mình, mình không thể nào bỏ nó được, mình phải tìm mọi cách để vực con dậy, được tới đâu hay tới đó. Tôi dẹp tất cả các ý kiến xung quanh để lo cho con tôi”.
Cuộc chiến bắt đầu từ việc ông Mỹ chữa bệnh cho con. Hễ nghe ai mách bảo chỗ chữa bệnh, ông đều tìm đến, từ châm cứu cho đến nấu nước trứng vịt lộn để bổ não cho Mừng, ông đều thử qua. Rồi bác sĩ chỉ cho ông dùng tiếng đàn để kích thích các dây thần kinh lên não của Mừng, dù khó khăn ông cũng ráng dành dụm được 5 chỉ vàng để mua một chiếc đàn organ cho con.
Khi Mừng tới tuổi đi học, ông Mỹ chạy đôn chạy đáo tìm gia sư nhưng khi nhìn thấy Mừng họ đều lắc đầu không dạy. Không chịu thua số phận, ông Mỹ đích thân làm gia sư cho con trai: “Giảng 2 lần Mừng không hiểu thì mình giảng 4 hay 5 lần”.
Rồi đến một ngày ông cũng xin cho Mừng được tham gia vào lớp học dành cho trẻ chậm phát triển, ngoài việc học kiến thức, Mừng còn được tham gia những khóa học về kỹ năng sống, võ thuật Akido, Anh văn…
Để rèn luyện trí nhớ của Mừng, sáng nào trên đường chở con đi học, ông Mỹ cũng kiểm tra bài của con trước khi vào lớp học bằng cách hỏi những định lý nhiều lần để Mừng nhớ. Dù tuổi đã lớn, trí nhớ lại kém nhưng ngày ngày ông Mỹ vẫn lên mạng tìm tòi học thêm nhiều phương pháp để dạy thêm cho con.
Khi cậu Mừng được vào học khoá Thiết kế đồ họa của đại học Văn Lang, cả gia đình ai cũng mừng vui vì hạnh phúc, những người hàng xóm từng khuyên ông Mỹ bỏ con trước đây cũng không nói gì thêm được nữa. Tưởng chừng như mọi chuyện đã suôn sẻ nhưng học được nửa tháng thì Mừng về xin cha cho được nghỉ học vì em không tiếp thu nổi kiến thức.
Ông Mỹ buồn bã nhưng vì thương con nên ông đến gặp Hiệu trưởng của trường để xin cho con nghỉ học. Tuy nhiên, vị Hiệu trưởng không đồng ý mà đề nghị ông Mỹ phải đi học cùng con vì có thể cách dạy của ông Mỹ sẽ khiến cho Mừng dễ tiếp thu hơn.
Và thế là người cha già trên 60 tuổi đã bỏ hết công việc của mình để đi học cùng con trai. Lúc này, ông không chỉ là một người cha, một người thầy mà còn là bạn của con.
Những lúc ra chơi, ông Mỹ tranh thủ hỏi thêm các thầy trong trường về kiến thức để có thể giảng lại cho Mừng. Ông nói: “Tôi muốn dạy cho con thì tôi phải học hơn nó tôi mới dạy cho nó được. Tôi chọn mình là người đồng hành cùng con”.
Cậu bé Mạc Đăng Mừng có thể trò chuyện tiếng Anh cùng MC của chương trình là điều khiến khán giả rất ngạc nhiên và càng nể người cha
Nhờ tình thương và nỗ lực của ông Mỹ, cậu bé bị bệnh down Mạc Đăng Mừng ngày nào nay đã có được Giấy chứng nhận khoá học kỹ thuật đồ hoạ đại học Văn Lang, đai nâu võ Akido và khả năng đọc hiểu tiếng Anh cơ bản… Đó là kỳ tích với những người có hoàn cảnh không may mắn như Mừng và cũng là món quà mà Mừng dành tặng cho cha của mình.
Tham gia chương trình Khoảnh khắc cuộc đời cùng với cha, Mặc Đăng Mừng cho biết nguyện vọng của mình đó là tìm được việc làm để lo cho bố mẹ. Câu nói của Mừng đã khiến cho ông Mỹ và khán giả vô cùng xúc động.
Băng Châu