Nghề góp bạc lẻ bằng xe đạp "quá đát"

(Dân trí) - Với chiếc xe đạp cũ kỹ - chứng tích của một thời khốn khó, bằng sự nhẫn nại và chịu khó, họ vẫn cần mẫn góp nhặt từng nghìn lẻ. Có lẽ, họ là những người làm nghề xe đạp lai cuối cùng ở thành phố này.

Tháng 9, thành phố Vinh (Nghệ An) thoắt nắng, thoắt mưa. Những cơn mưa không đủ làm dịu mát không khí. Chợ Vinh sầm uất và náo nhiệt, lao xao tiếng mua bán, mặc cả. Những kiện hàng to tướng được cánh xe máy, xích lô ùn ùn chở từ các sạp đầu mối ra các hướng. Ai cũng tất bật với guồng quay mưu sinh.

Giữa “bản nhạc” ồn ả và gấp gáp ấy, những người làm nghề xe đạp lai giống như một nốt trầm. Những chiếc xe đạp cũ kỹ, những tấm áo cũ kỹ và cả những khuôn mặt cũ kỹ… chỉ có nỗi lo cơm áo là vẫn thường trực.

Xe đạp lai là phương tiện chở hàng hóa tại chợ Vinh (Nghệ An)
Xe đạp lai là phương tiện chở hàng hóa tại chợ Vinh (Nghệ An)

Mưu sinh bằng xe đạp “quá đát”

Hơn 10 năm nay, cứ đều đặn 4h sáng, ông Nguyễn Đại Nam (SN 1960, trú xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) thức dậy, lùa vội bát cơm nguội rồi đạp xe ra chợ Vinh, bắt đầu một ngày làm việc mới. Công việc của ông là chở hoa quả thuê từ các đại lý về các ốt trong chợ.

“Trước đây tôi làm nghề thợ xây, thu nhập cũng tương đối ổn. Nhưng đến khi có tuổi, không trèo giàn giáo được nữa thì chuyển qua làm xe lai chở hàng thuê ở chợ Vinh”, ông Nam nói vắn tắt về cái cơ duyên của mình với nghề xe đạp lai.

Những chiếc xe đạp quá đát là phương tiện kiếm cơm của không ít người
Những chiếc xe đạp "quá đát" là phương tiện kiếm cơm của không ít người

Mỗi chuyến hàng, tùy khoảng cách, ông Nam được trả từ 2.000-5.000 đồng. 2.000 đồng có khi không mua nổi bó rau nhưng góp nhặt mỗi ngày ông Nam cũng kiếm được từ 50.000-70.000 đồng. “Trừ 15 nghìn tiền ăn trưa, còn khoảng trên dưới 50 nghìn. Mỗi tháng cũng được trên dưới 2 triệu đồng chi đó, phụ vợ mắm muối trong nhà thôi”, ông Nam trải lòng.

Ông Phạm Văn Khoa (SN 1953, quê xã Hưng Thái, Hưng Nguyên) cũng có ngót nghét hai chục năm gắn với nghề xe lai. Trước ông Khoa hành nghề xe lai ở trung tâm thị trấn Hưng Nguyên. Sau nghề xe đạp lai chở khách của ông không cạnh tranh nổi với xe máy lai, ông “dạt” xuống thành phố Vinh, đi chở hàng thuê.

Loại phương tiện chở hàng này khá hiệu quả khi có thể luồn lách trong các lối đi nhỏ hẹp của chợ Vinh
Loại phương tiện chở hàng này khá hiệu quả khi có thể luồn lách trong các lối đi nhỏ hẹp của chợ Vinh

“Nghề này chỉ cần chăm chỉ, chịu khó là được. Thực ra các chủ hàng họ thương thì gọi mình chở thôi chứ khó cạnh tranh được với xe máy hay xích lô. Hơn nữa, xe đạp có thể luồn lách được trong các lối đi nhỏ hẹp nên tiện hơn”, ông Khoa cho biết.

Ở chợ Vinh có khoảng 20 người làm nghề xe đạp lai. Chủ yếu là người Hưng Nguyên, đều đã luống tuổi và không biết đi xe máy bởi họ cũng không thể sắm nổi một chiếc xe máy cà tàng để làm nghề cho đỡ vất vả.

Ông Khoa dắt xe đi tìm mối hàng ở khu vực chợ Vinh. Mỗi ngày ông có thể kiếm từ 50-70 nghìn đồng
Ông Khoa dắt xe đi tìm mối hàng ở khu vực chợ Vinh. Mỗi ngày ông có thể kiếm từ 50-70 nghìn đồng

Cần câu cơm” của họ là chiếc xe đạp nam “2 cầu”, xe đạp thống nhất nổi tiếng một thời tưởng chỉ còn có trong các bảo tàng. Những chiếc lốp xe mòn vẹt, không có dè, khung xe được gia cố hai thanh tre để thêm chắc chắn. Điều dễ nhận thấy nhất là luôn có một cái giá gỗ gắn sau gac-ba-ga.

“Con ngựa chiến” thế này thôi chứ mỗi tháng cũng phải đầu tư 5 chục nghìn đến 100 nghìn để bảo dưỡng đấy”, ông Nguyễn Mạnh Thường (SN 1955, trú Hưng Mỹ, Hưng Nguyên) nói. Cái xe đạp có tuổi đời có lẽ cũng tương đương tuổi ông.

Tiền công thấp nhưng uy tín phải cao

Ông Nguyễn Văn Hảo đi thu tiền công ở các chủ hàng hoa quả trong chợ. Mỗi chuyến hàng ông được trả từ 2-5 nghìn đồng tùy khoảng cách chuyên chở...
Ông Nguyễn Văn Hảo đi thu tiền công ở các chủ hàng hoa quả trong chợ. Mỗi chuyến hàng ông được trả từ 2-5 nghìn đồng tùy khoảng cách chuyên chở...

Nghề xe đạp lai đơn thuần là nghề bán sức lao động. Bởi vậy, để cạnh tranh được với cánh xe máy lai và xích lô, thậm chí cạnh tranh với các “đồng nghiệp” những người làm nghề xe đạp lai cũng có nguyên tắc riêng của mình. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tính chăm chỉ, cẩn thận và giữ uy tín.

“Mỗi chuyến hàng chỉ được nhiều lắm là 5.000 đồng. Nếu không cẩn thận thì vừa mất tiền công, vừa mất tiền đền. Ví như chở táo tàu, chẳng may làm đổ, dập thì phải đền cho người ta. Có lần tôi phải đền đến 600 nghìn đồng cho chủ hàng. Tính ra mất trắng đến 1/3 tiền công cả tháng”, ông Nguyễn Văn Hảo (SN 1963, trú xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên), có thâm niên gần chục năm làm nghề xe đạp lai nói.

Với những người gần 60 tuổi thì việc bê đỡ những bì tải như thế này có phần quá sức...
Với những người gần 60 tuổi thì việc bê đỡ những bì tải như thế này có phần quá sức...

Theo ông Hảo, cũng như những nghề khác, người hành nghề xe đạp lai uy tín phải đặt lên hàng đầu. Cơn bão số 10 vừa qua đổ bộ vào Nghệ An lúc gần trưa. Đầu buổi sáng, ông Hảo nhận được “kèo” to, chở hàng cho một đại lý hoa quả. Gần trưa, mưa xối xả, ông vẫn chưa chở hết hàng.

“Mình đã hứa với người ta rồi, mưa gió cũng phải làm cho kịp thời gian. Gió to, mưa lớn quất vào mặt, không thấy đường mà đi, phải xuống đẩy bộ. Cũng may, gắng được xong xuôi thì bão mới vào”, ông Hảo cười.

Nhưng để kiếm được 2.000 đồng cho mỗi chuyến chở, ngoài cẩn thận, nhẫn nại, họ phải giữ uy tín để làm ăn lâu dài
Nhưng để kiếm được 2.000 đồng cho mỗi chuyến chở, ngoài cẩn thận, nhẫn nại, họ phải giữ uy tín để làm ăn lâu dài

Công việc chủ yếu của ông Hảo, ông Nam hay ông Khoa là chở hàng rau củ, hoa quả hay những mặt hàng đan lát. Hàng đóng bì, đóng thùng, cứ thế chất lên giá để hàng trên xe. Nói thì nghe đơn giản chứ gặp những thùng hàng dễ dập hỏng như táo tàu, lê, dưa thì vừa chở vừa run. Chưa kể những bì tải cam, bưởi dễ trầy trật, không cẩn thận đổ nhào cả người lẫn xe.

Ông Khoa kéo ống quần lên, lộ vết bỏng đỏ ửng nơi bắp chân. Hôm trước, chở hàng vào ki ốt, đường hẹp, chân chạm vào ống bô xe máy của chủ ốt vừa mới đi về. Ông bảo đen thì phải chịu, biết kêu ai bây giờ. Vết thương chỉ được rửa ráy sơ qua rồi… kệ đấy bởi nhiều nỗi lo lớn hơn vẫn còn đang ở phía trước.

Nghề đơn giản nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thậm chí nếu làm hư hỏng hàng hóa, họ phải lấy tiền túi để đền cho chủ hàng. Số tiền phải đền có khi là nửa tháng thu nhập
Nghề đơn giản nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thậm chí nếu làm hư hỏng hàng hóa, họ phải lấy tiền túi để đền cho chủ hàng. Số tiền phải đền có khi là nửa tháng thu nhập

Tôi hỏi mấy bác xe đạp lai tính bao giờ nghỉ hưu? “Bao giờ không làm được thì nghỉ thôi. Thực ra anh em cũng có tuổi cả rồi, con cái có đứa cũng ra cửa nhà, chúng không muốn bố theo mãi cái nghề cực nhọc này. Có những hôm bê bì hoa quả lên xe, cảm tưởng như cái lưng không chịu nổi nữa. Nhưng còn làm được thì gắng mà làm, để đỡ đần con cháu đôi phần gánh nặng kinh tế”, ông Khoa cười, các nếp nhăn nơi đuôi mắt xô nhau như từng lớp sóng.

Những chiếc xe đạp lai sẽ lùi vào dĩ vãng khi những người như ông Thường, ông Khoa nghỉ hưu bởi loại phương tiện này không còn mấy ai sử dụng
Những chiếc xe đạp lai sẽ lùi vào dĩ vãng khi những người như ông Thường, ông Khoa "nghỉ hưu" bởi loại phương tiện này không còn mấy ai sử dụng

Những chiếc xe đạp cũ kỹ vẫn đều đặn lăn bánh cho đến khi một ngày chợ kết thúc. Những đồng bạc lẻ ấy đã góp phần giúp họ trang trải cuộc sống, giúp con cái họ được đến trường… Tôi nhìn những chiếc xe đạp có lẽ cũng đã quá tuổi “nghỉ hưu” chợt nghĩ, mai này, giữa ồn ào phố xá, ai còn nhớ những chiếc xe đạp cà tàng “gánh” nỗi lo cơm áo này không?

Hoàng Lam